MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá trị nông sản tăng cao nhờ nông dân đổi mới tư duy, tích hợp đa giá trị. Ảnh: Vũ Long

Xuất khẩu nông sản tự tin lập kỳ tích mới

Vũ Long LDO | 15/01/2023 17:47

Ngành nông nghiệp dự báo xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có thể mang về 55 tỉ USD, dù năm 2023 còn nhiều khó khăn, thách thức hơn năm ngoái.

Tự tin xuất khẩu đạt kỷ lục 55 tỉ USD trong năm 2023

Dựa trên kết quả xuất khẩu ở mức khả quan trong năm 2022 với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục ở mức 53,22 tỉ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã đặt mục tiêu mới trong năm 2023 với nhiều chỉ tiêu ấn tượng như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỉ USD.

Mục tiêu đề ra là như vậy, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ vượt xa mục tiêu đề ra và có thể đạt kỷ lục mới 55 tỉ USD trong năm 2023, dù dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga - Ukraine...

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) Nguyễn Quốc Toản, mặt hàng trái cây của Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt, với các sản phẩm chủ lực như thanh long, sầu riêng đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sản phẩm chanh leo Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước như Nam Mỹ, Ecuador, Chi Lê.

Mặt hàng viên nén dự báo lần đầu tiên sẽ đạt kỷ lục xuất khẩu 1 tỉ USD trong năm 2023. Ảnh: Vũ Long

“Rất nhiều doanh nghiệp chế biến sâu của Việt Nam đã đáp ứng được điều kiện về mặt kỹ thuật đối với thị trường nhập khẩu sản phẩm chanh leo. Sản phẩm chanh leo sẽ có đà xuất khẩu lớn trong thời gian tới” – ông Nguyễn Quốc Toản nói.

Chú trọng chất lượng, không chạy theo sản lượng

Chia sẻ với PV Lao Động, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việt Nam đã mở cửa rất nhiều thị trường và mở cửa cho rất nhiều loại nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn là Việt Nam chứng minh được một điều là nông sản của Việt Nam về mặt chất lượng có thể đảm bảo đến các thị trường khó tính nhất.

“Đó là những tín hiệu cho thấy, bắt đầu từ Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội, nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp hay tư duy phát triển nông nghiệp sang một tư duy mới, mô hình mới thích hợp tăng trưởng tương đương giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu giá trị cao của Việt Nam. Ảnh: Vũ Long

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những mô hình nông nghiệp mới như lúa – tôm, lúa – rươi, mô hình du lịch nông nghiệp tạo ra những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã tạo ra một sinh khí mới thay vì chỉ đi theo một con đường sản lượng như trước kia. Doanh nghiệp đã dần từ bỏ tư duy “buôn chuyến” thương vụ mà định hình  thị trường lâu dài.

“Khác trước khi có đơn hàng mới bắt đầu thu mua, nay rất nhiều doanh nghiệp như Tân Long, Trung An… thấy rằng cần xây dựng chiến lược thị trường lâu dài, từ chiến lược thị trường lâu dài này sẽ liên kết với nông dân, hợp tác xã trong từng vùng nguyên liệu để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng được chuẩn mực, yêu cầu của thị trường. Vì vậy, tư duy đường dài của doanh nghiệp sẽ đưa đến tư duy đường dài cho người nông dân” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Xuất khẩu gạo dự báo đạt 7 triệu tấn trong năm 2023. Ảnh: T.Long

Còn theo Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản, Việt Nam không chạy theo con số tăng trưởng mà phải bảo vệ tăng trưởng bền vững đến cả từ thị trường nội địa, thị trường truyền thống cho mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Do đó, trong năm 2023, nhiều hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển nhanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.

“Các sản phẩm organic (hữu cơ) tại Việt Nam, chẳng hạn như sản phẩm dừa Bến Tre, cũng hoàn toàn có thể chinh phục được thị trường khó tính nhất. Dừa có đặc điểm thổ nhưỡng tự nhiên nên có khả năng bảo quản có chu kỳ dài, đây cũng là lợi thế của chúng ta khi đi đường xa. Đó là chưa kể tới, cà phê, hồ tiêu của Việt Nam đã được khẳng định ở thị trường Châu Âu và thị trường Châu Mỹ” - ông Toản nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn