MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ mang về 9 tỉ USD trong năm 2023. Ảnh: Vũ Long

Xuất khẩu thuỷ sản vẫn có thể mang về hơn 9 tỉ USD trong năm 2023

Phong Nguyễn LDO | 31/08/2023 11:53

Nền kinh tế thế giới đang hồi phục, lạm phát giảm dần, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại đang tạo đà để xuất khẩu thuỷ sản tăng trong các tháng cuối năm.

Các yếu tố hỗ trợ xuất khẩu thuỷ sản hồi phục

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tín hiệu phục hồi rõ rệt nhất ở thị trường Trung Quốc, trong đó, riêng tháng 7.2023, xuất khẩu (XK) thuỷ sản sang thị trường này đã tăng tới 45% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 180 triệu USD.

“Có 3 yếu tố sẽ quyết định kịch bản XK lạc quan trong nửa cuối năm nay, đó là diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.

Hiện nay các DN chế biến, XK thuỷ sản đã được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu.

Các sản phẩm XK có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác.

Với kịch bản thuận lợi đó, XK thủy sản tháng 8 và 4 tháng còn lại năm 2023 có thể sẽ đạt trên 4 tỉ USD” - bà Lê Hằng nhận định.

Nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại thị trường Mỹ được dự báo sẽ hồi phục nhờ dấu hiệu hạ nhiệt lạm phát. Các khảo sát của Mỹ cho thấy, tồn kho cá da trơn size nhỏ (size cá tra) tại Mỹ trong tháng 7.2023 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, giảm 22% so với giai đoạn đầu năm nay. Lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng ăn uống, đặc biệt là hệ thống nhà hàng của Mỹ mức tiêu thụ cá tra chiếm tới 70%.

Xuất khẩu thủy sản sẽ mang về 9 tỉ USD trong năm nay

Theo VASEP, với những yếu tố hỗ trợ trên, XK thủy sản năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỉ USD. Trong đó, dự báo tôm sẽ thu về lượng ngoại tệ khoảng 3,5-3,6 tỉ USD; cá tra: 1,7-1,8 tỉ USD; cá ngừ và mực, bạch tuộc sẽ đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD; XK cá biển ước đạt 1,9-2 tỉ USD...

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, trong quý 3 này, các DN thủy sản đang tăng tốc chế biến, XK bù đắp cho tình trạng suy giảm XK trong nửa đầu năm nay. Hơn nữa, nhu cầu tăng tại các thị trường lớn sẽ tạo đà cho XK cuối năm. Đặc biệt, lượng tồn kho trên thế giới đang được giảm, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong các tháng cuối năm.

Theo VASEP, từ nay đến cuối năm, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... được coi là điểm đến lạc quan cho sản phẩm thủy sản chế biến sâu của Việt Nam. Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý thuận lợi.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT): Thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên trong những tháng qua. Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho XK mặt hàng tôm tăng trở lại.

Để ngành tôm phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) để nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới.

Trung Quốc vẫn được đánh giá là một trong những thị trường chủ lực XK thuỷ sản của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch XK sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm đạt 30,84 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; có 8 nhóm hàng XK sang thị trường này đạt từ 1 tỉ USD trở lên và thủy sản tiếp tục là một trong những mặt hàng được Trung Quốc nhập khẩu nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn