MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vasep tự tin giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỉ USD năm 2021 và 4,3 tỉ USD năm 2022. Ảnh: Vasep

Xuất khẩu tôm kỳ vọng cán mốc kỷ lục 3,9-4,3 tỉ USD trong năm 2021 và 2022

Vũ Long LDO | 11/12/2021 14:26
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tự tin dự báo, xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỉ USD năm 2021 và 4,3 tỉ USD năm 2022.

Vasep lạc quan về xuất khẩu tôm năm 2021 và 2022

Lý giải căn cứ để đặt kỳ vọng xuất khẩu tôm ở mức 3,9 tỉ USD năm 2021 và 4,3 tỉ USD năm 2022, bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEPPRO (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Vasep) - cho hay: Từ tháng 10.2021 khi 19 tỉnh phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, giá trị xuất khẩu tôm có dấu hiệu phục hồi. Đặc biệt, từ tháng 11.2021, khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ chuyển chiến lược phòng chống dịch COVID-19 từ “Zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được thực thi, xuất khẩu tôm đã bật tăng mạnh mẽ mặc dù trước đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng này bị sụt giảm đáng kể trong quý III/2021 (thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch).

Dẫn số liệu thống kê, bà Lê Hằng cho biết: Giá trị xuất khẩu tôm trong tháng 11.2021 đạt 367 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đạt 3,5 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.

"Với những diễn biến khả quan, VASEP dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ cán đích ở mức 3,9 tỉ USD, tăng 4% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ đạt 4,3 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2021" - bà Lê Hằng khẳng định.

Theo Vasep, trong, 11 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 983,5 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020, giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Các doanh nghiệp thủy sản cũng kỳ vọng xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm năm 2022 khi nhu cầu của Mỹ tăng, thời điểm này các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã "thích nghi an toàn, linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19" để chủ động nguồn cung cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nước xuất khẩu tôm lớn vào thị trường Mỹ là Ấn Độ gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 là yếu tố để tôm Việt Nam có thêm cơ hội tăng thị phần tại thị trường Mỹ.

Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng thủy sản. Ảnh: VS

Thận trọng với nhiều thách thức, nhưng không bi quan

Bày tỏ sự phấn khởi về mức tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu tôm trong 2 tháng cuối năm 2021, nhưng trưa 11.12, khi trao đổi với PV Lao Động, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) Trần Đình Luân vẫn tỏ ra thận trọng:

Xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung trong năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm, như Hàn Quốc, sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch.

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân lưu ý là, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị… của sản phẩm xuất khẩu. Một thị trường khác là Brazil cũng quy định chế độ xử lý nhiệt khắt khe hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới cũng là một khó khăn thách thức với các doanh nghiệp.

"Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp có thể tác động tiêu cực lên chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên liệu, nguồn nhân lực… Vì vậy, để đạt các mục tiêu đã đề ra, là một thách thức không nhỏ" - Tổng Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng chỉ rõ, năm 2022, theo dự báo ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Hạn hán, xâm nhập mặn; thời tiết khí hậu bất thường, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; diễn biến dịch bệnh COVID-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường.

Tuy nhiên, nhận định về các thách thức, nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lạc quan về những lợi thế của Việt Nam:

"Ngành tôm Việt Nam đang có cơ hội với nền tảng về tiềm năng, lợi thế tự nhiên, với đội ngũ doanh nghiệp năng động, thiện chiến, nhiều kinh nghiệm từ khâu sản xuất đến chế biến, xuất khẩu; có sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ của toàn hệ thống chính trị từ Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương đến doanh nghiệp, người dân, sẽ tiếp tục tạo đà cho sản xuất phát triển. Đồng thời, các "đối thủ" cạnh tranh trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, vì vậy sẽ mở rộng cơ hội về thị trường cho sản phẩm tôm của nước ta".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn