MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự báo xuất khẩu tôm sang EU, Mỹ sẽ tăng sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Ảnh: VASEP

Xuất khẩu tôm sẽ bật tăng sau dịch

Khánh Vũ LDO | 08/05/2020 11:45

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường Châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc… sẽ bật tăng sau đại dịch COVID-19. Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu tôm ở giai đoạn này.

Thị trường Mỹ và EU rộng mở

Bộ NNPTNT dự báo xuất khẩu tôm sang EU năm 2020 sẽ tăng khả quan vì ngành tôm có thể tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại (FTA). Theo đó, xuất khẩu tôm có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia, bởi có khả năng 3 nước này sẽ không tập trung cho thị trường EU khi mà sản lượng của họ dự báo không tăng trong năm nay.

Tại Hội nghị phát triển ngành hàng tôm năm 2020 tổ chức sáng 8.5.2020 tại Sóc Trăng, Tổng cục Thủy sản cho biết: Do dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc bị gián đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm cách tăng thị phần tại thị trường EU. Dự báo xuất khẩu tôm sang EU sẽ tăng khả quan nhất ở mức khoảng 15%, đạt 800 triệu USD trong năm 2020.

Tại thị trường Mỹ, nhu cầu tiêu thụ tôm nuôi đang tăng nhanh. “Doanh số bán tôm trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm ở Mỹ dự kiến đạt 300 triệu pao năm 2020, tăng khoảng 8% so với năm 2019. Nhu cầu tiêu thụ tôm nuôi tăng ở Mỹ vì giá cua và tôm hùm tăng mạnh” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến Mỹ tăng thuế 25% đối với 250 tỉ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm tôm. Xuất khẩu tôm của Trung Quốc sang Mỹ càng thêm khó khăn, tạo cơ hội cho các nguồn cung đối thủ của Trung Quốc trên thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam.

“Hiện nay, mặt hàng tôm bao bột từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trên thị trường Mỹ” – ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là hiện nay Mỹ đang áp dụng Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, theo đó, Mỹ yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản nhập khẩu nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát, hoặc giả mạo xâm nhập thị trường Mỹ.

Từ hơn 1 năm  nay, để được nhập khẩu tôm vào Mỹ, các nhà nhập khẩu buộc phải có Giấy phép Thương mại Thủy sản Quốc tế. Quy định này cũng gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ.

Bộ NNPTNT đã đưa ra nhiều kịch bản để tìm giải pháp phù hợp. Với kịch bản tích cực nhất, nếu kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá giai đoạn 14 (POR 14) vẫn khả quan như POR13, thì xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự báo sẽ tăng 7%, đạt 700 triệu USD trong năm 2020.

Khó khăn hơn ở thị trường Châu Á

Về thị trường Nhật Bản, nhiều thông số cho thấy, khả năng Nhật Bản sẽ không tăng nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm trong năm 2020. Dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong năm 2020 có thể chỉ tương đương với năm 2019 với khoảng 618 – 620 triệu USD.

Đối với thị trường Trung Quốc, sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế ăn thực phẩm tươi sống. Dự báo nhu cầu tôm đông lạnh cũng như các loại thủy sản đông lạnh khác sẽ tăng trở lại từ quý II năm nay với mức tăng trưởng 10%, giá trị kim ngạch khoảng 600 triệu USD. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn