MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dây chuyền sản xuất của Công ty Stanley Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Xúc tiến thu hút đầu tư hiệu quả các dự án sử dụng công nghệ cao

Nhóm PV LDO | 29/09/2023 08:20

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, nếu như năm 1986, Việt Nam thu hút khoảng 0,04 triệu USD vốn FDI, xếp thứ 121 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; thì năm 2022, Việt Nam nhảy vọt gần 100 bậc, lên vị trí thứ 23 khi thu hút được khoảng 17,9 tỉ USD vốn FDI.

Liên tục xúc tiến đầu tư, trở thành "ngôi sao" sáng thu hút FDI

Ban quản lý (BQL) Khu Kinh tế Hải Phòng vừa tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho một loạt các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thành phố với tổng mức kinh phí lên đến gần 1,4 tỉ USD. Hiện thành phố Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 28 tỉ USD. Đồng thời, trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) thu hút 708 dự án với tổng vốn đầu tư 38,1 tỉ USD.

Ông Lê Trung Kiên - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng BQL Khu Kinh tế Hải Phòng - cho biết, có được kết quả thu hút đầu tư như trên là do Ban đã không ngừng tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư quảng bá về môi trường đầu tư của thành phố. Đặc biệt, trong tháng 6.2023, BQL Khu kinh tế Hải Phòng tham mưu cho thành phố tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản do Bí thư Thành uỷ làm trưởng đoàn.

“Các cuộc xúc tiến đầu tư đã tạo được dấu ấn quan trọng, thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là kênh quảng bá hiệu quả về môi trường đầu tư với nhiều ưu đãi trong các KCN, KKT trên địa bàn TP Hải Phòng” - ông Kiên nói.

Trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,53 tỉ USD. Ảnh: MPI

Đồng Nai mong đón sóng từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Tại Đồng Nai, vốn đầu tư FDI trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên các dự án đều quy mô nhỏ. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai thông tin, quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê còn lại trên địa bàn rất ít, khiến địa phương không thể thu hút được dự án FDI lớn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mới đây một tập đoàn lớn của nước ngoài đã bỏ qua tỉnh Đồng Nai đến địa phương khác để xây dựng nhà máy có tổng mức đầu tư cả tỉ USD cùng hàng nghìn việc làm mới cho người lao động. Một trong những lý do là tỉnh Đồng Nai khan hiếm đất công nghiệp diện tích lớn cho thuê, các khu đất “đầu thừa, đuôi thẹo” không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp còn vướng mắc.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện thủ tục thành lập 8 khu công nghiệp mới theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước mắt, UBND tỉnh Đồng Nai rất mong muốn Chính phủ chấp thuận triển khai đầu tư 3 khu công nghiệp để kịp đón đầu làn sóng đầu tư khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác.

Chuyển động theo sự dịch chuyển của thế giới

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI trong tháng 9 đạt gần 20,21 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Số lượng dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá, đây là cơ hội lịch sử khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, dịch chuyển dòng vốn và công nghệ. Do đó cần tranh thủ cơ hội, tình hình thế giới để thu hút nguồn lực FDI, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển doanh nghiệp bản địa.

Để đón dòng vốn FDI, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch hành động thực hiện chiến lược. Một số mục tiêu tổng quát có thể kể ra thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao... Mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa.

"Một trong những giải pháp quan trọng cần thực hiện là xây dựng thể chế, chính sách cho khu công nghiệp và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác. Đồng thời, việc đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp là hết sức cần thiết" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng - Lê Tiến Châu (thứ 2 từ trái sang) và Trưởng BQL Khu kinh tế Hải Phòng - Lê Trung Kiên trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn SK (Hàn Quốc). Ảnh: Đàm Thanh

* Bí thư Thành ủy Hải Phòng - Lê Tiến Châu cho biết, thành phố cam kết luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo đảm một môi trường đầu tư an toàn, an ninh, đôi bên cùng có lợi. Phương châm là “Sự thành công của doanh nghiệp, chính là sự thành công của TP Hải Phòng”. Đây chính là minh chứng đúng đắn cho chủ trương của thành phố về thu hút đầu tư.

* Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp được thành lập, diện tích hơn 10.000ha cùng tỉ lệ lấp đầy đạt trên 85%. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay, quỹ đất còn lại trong các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh không còn nhiều, nhất là các khu công nghiệp ở những địa bàn trọng điểm như Long Thành, TP Biên Hòa, Nhơn Trạch.

* Trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỉ trọng lớn như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 78,8% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn