MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xưởng bánh trung thu "gia truyền", nhân mốc trắng "muốn thương hiệu gì cũng có" ở Hà Nội

NHÓM PV LDO | 05/08/2023 10:03

Để tung ra thị trường những sản phẩm bánh trung thu siêu rẻ, cơ sở sản xuất bánh tại Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã sử dụng những loại nhân mốc hỏng, ẩn chứa hậu quả khôn lường cho người sử dụng.

Bánh trung thu bán sớm hút khách đầu mùa

Đánh vào tâm lý của nhiều người tiêu dùng muốn ăn bánh sớm, từ sau rằm tháng 6 âm lịch, thị trường bánh trung thu 2023 đã bắt đầu nhộn nhịp.

Khác với chính vụ, thời điểm đầu mùa, các sản phẩm bánh trung thu chủ yếu là hàng handmade hoặc được sản xuất bởi các xưởng bánh nhỏ lẻ. Trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo nhan nhản các quảng cáo “bánh nhà tự làm”, “không chất bảo quản, không chất phụ gia”, “gia truyền lâu đời”...

Các loại bánh Trung thu handmade được đóng gói sơ sài , không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng được bán với giá khá “chát”. Ảnh: Chụp màn hình.

Trong vai là tiểu thương có nhu cầu nhập bánh trung thu với số lượng lớn về bán, PV đã liên hệ với tài khoản của một người phụ nữ có tài khoản mạng xã hội là T.P.P - chủ một nhóm chat chuyên sỉ lẻ bánh trung thu.

Sau khi chọn mẫu, chốt số lượng bánh cần mua, P. dẫn chúng tôi tới xưởng sản xuất bánh, nằm sâu hút trong một con ngõ nhỏ tại đường Phan Bá Vành (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Bên trong căn phòng ẩm, thấp vỏn vẹn chỉ 15m2 mà P. gọi là xưởng sản xuất, hàng loạt mẻ bánh trung mới ra lò xếp la liệt, ngổn ngang chờ đóng gói.

Theo chia sẻ của P., mặc dù xưởng bánh chỉ là căn phòng có diện tích nhỏ, tuy nhiên mỗi ngày, tại đây có thể sản xuất ra hàng trăm chiếc bánh trung thu đổ buôn cho các công ty, doanh nghiệp, mối sỉ lẻ... trên toàn quốc.

Chỉ cần khách hàng đặt với số lượng từ 200 chiếc trở lên, muốn đóng bao bì, nhãn mác, thương hiệu gì xưởng cũng sẵn lòng phục vụ.

Bánh trung thu handmade bày la liệt trong xưởng bánh ẩm thấp tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: PV.

“Bên mình sỉ nhiều loại bánh nướng handmade như: Đậu xanh, đậu đỏ, trà xanh, thập cẩm,... giá sỉ dao động từ 30.000 – 65.000 đồng tùy mỗi loại, có thể để được từ 25 - 30 ngày vô tư.

Nhà mình đã bán tấp nập từ đầu tháng. Sáng nay vừa gửi mấy trăm cái bánh nướng đi Sài Gòn để trả khách. Với hơn 100 khuôn mẫu mã đa dạng, về chất lượng thì bạn không phải lo nghĩ, rất nhiều người đặt hàng nhà mình, bên mình còn sỉ nguyên liệu làm bánh từ Bắc vào Nam” - chị P. quảng cáo.

Theo ghi nhận, đa phần, các loại bánh này khi đóng gói đều không ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Toàn bộ dụng cụ, nguyên liệu sản xuất bánh đều không có nhãn mác, vứt la liệt dưới nền nhà ẩm thấp. Các loại bánh thành phẩm không được bảo quản theo bất cứ một tiêu chuẩn nào.

Các loại bánh trung thu handmade được đóng gói sơ sài , không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng được bán với giá khá “chát”. Ảnh: PV.

Nhân bí, mỡ đường "gia truyền" mốc trắng chờ làm bánh

Tiếp tục liên hệ với một cửa hàng bánh “cổ truyền” lâu năm, nằm trên đường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khác với những lời quảng cáo, cửa hàng bánh thực chất là một xưởng gia công.

Bên trong căn nhà luôn kín cổng cao tường, hàng loạt bao, thùng nguyên liệu nằm ngổn ngang. Thấy PV có vẻ là khách hàng tiềm năng, chủ cơ sở nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi một loạt các mẫu bánh mà xưởng sẽ bán ra thị trường năm nay như: bánh dẻo lạnh, bánh nướng trứng muối, bánh trung thu mật ong,…

Hàng loạt các mẫu bánh không nhãn mác được bày ra cho khách hàng lựa chọn. Ảnh: PV

“Nhà tôi sản xuất bánh trung thu truyền thống đã hơn 30 năm, cô đi khắp cái Hà Nội này cũng không có nhà nào bánh ngon như thế này. Bánh có thể để được đến 45 ngày, không chất bảo quản nên cô yên tâm nhập hàng”, chủ cửa hàng giới thiệu.

Để khách hàng dễ lựa chọn, Q.L (con gái chủ cơ sở) dẫn chúng tôi vào thăm kho nguyên liệu. Tại đây, đa số các loại nhân bánh được chứa trong những chậu, thùng lớn, nhiều thùng mỡ đường, mứt bí... để lâu ngày phân huỷ, bốc mùi hôi thối.

Đựng trong chiếc thùng nhựa với dung tích khoảng 200 lít, đập vào mắt PV là thùng nhân bánh làm bằng mứt bí đã mốc trắng, nồng nặc mùi khó chịu.

Khi PV thắc mắc về chất lượng nguyên liệu, chị N.Q.L - con gái chủ cửa hàng liền đậy vội nắp thùng lại, lúng túng giải thích: “Chắc là cái này bị mốc, để mình hỏi lại mẹ xem sao, cũng không hiểu vì sao mứt bí làm nhân lại bị như vậy.”

Được biết số nhân bánh và nguyên liệu tại đây sẽ được sử dụng với 2 mục đích: Một là làm thành bánh trung thu, hai là đóng thành các gói nguyên liệu nhỏ để bán cho người có nhu cầu.

Nguyên liệu làm bánh mốc trắng, bốc mùi hôi thối trong xưởng gia công tại Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: PV

Nguy cơ khôn lường tới sức khoẻ

Ngày 4.8, trao đổi với Lao Động, PGS.TS Trần Hồng Côn (Nguyên chủ nhiệm bộ môn công nghệ hóa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cho biết, những loại nhân bánh, nguyên liệu mốc hỏng như đã nêu, nếu làm thành bánh, nguyên liệu bán ra thị trường sẽ ẩn chứa rất nhiều nguy cơ khôn lường tới sức khoẻ người sử dụng.

“Nguyên liệu làm bánh nói riêng và thực phẩm nói chung khi bị mốc, hỏng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cao. Thực phẩm đã hỏng và sinh ra các loại nấm mốc sẽ mang theo chất độc, nếu cố tình sử dụng sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt trong nấm mốc có chứa độc tố aflatoxin, khi đi vào cơ thể sẽ có thể gây bệnh ung thư cho người sử dụng.

Chính vì những mối nguy đó, khi mua và sử dụng các sản phẩm này, người tiêu dùng phải đặc biệt lưu ý, chọn mua hàng ở những nơi có địa chỉ rõ ràng. Tuyệt đối không ăn bánh hoặc thực phẩm làm từ nguyên liệu đã mốc, hỏng hoặc có dấu hiệu bất thường để tránh ngộ độc", PGS TS Trần Hồng Côn phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn