MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xuyên đêm dọn dẹp hàng quán để bán mang về sau "lệnh" nới lỏng ở Hà Nội

Cường Ngô LDO | 16/09/2021 07:53

Nhiều chủ quán tại Hà Nội chia sẻ, mới đón khách đến ăn được vài ngày, có cửa hàng còn chưa kịp khai trương lại phải đóng cửa vì dịch COVID-19 quay trở lại. Chính vì vậy, khi nghe tin được bán mang về, nhiều tiểu thương rất vui mừng.

Hạnh phúc khi được bán mang về

Ngày 15.9, TP.Hà Nội ban hành công văn điều chỉnh một số biện pháp chống dịch trên địa bàn.

Theo đó, thành phố cho phép từ 12h hôm nay (16.9), các quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng (từ ngày 3.9) được phép cho hoạt động trở lại với các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, song chỉ bán mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

This browser does not support the video element.

Xuyên đêm dọn dẹp hàng quán để bán mang về.

Nhận được tin tức này, chị Ngô Thị Huyền - chủ quán "Bún chả Việt" (phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) - cùng nhân viên lập tức chuẩn bị nguyên vật liệu để mở lại cửa hàng. Chị gom đơn của khách trên Fanpage từ tối qua (15.9) và bắt đầu trả hàng vào sáng nay (16.9).

Nhiều cửa hàng tất bật dọn dẹp để mở bán. 

"Cả tối qua, tôi cùng nhân viên dọn dẹp lại khu bếp, sắp xếp bàn ghế và chuẩn bị nguyên liệu để làm bún chả. Chúng tôi đã chuẩn bị 300 suất bún chả - khách đã đặt trước và giao vào 12h trưa nay. Nhiều người order lắm, nhưng chúng tôi không dám nhận thêm đơn vì số lượng nhân viên của quán có hạn" - chị Huyền nói.

Chị Huyền cho biết, "rất vui mừng" khi nghe tin hàng quán ở một số quận nội thành được bán mang về, bởi cửa hàng của chị mới mở được 3 ngày, chưa kịp khai trương thì "dính" dịch.

Cửa hàng bún chả của chị Huyền chuẩn bị 300 suất để giao cho khách. Ảnh: Cường Ngô 

"Cửa hàng của tôi mới mở cửa được 3 ngày thì Hà Nội thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Từ đó đến nay, chúng tôi không buôn bán gì được, trong khi vẫn phải trả các chi phí như điện, nước, một phần lương cho nhân viên.

Vì vậy, khi được mở bán mang về, tôi hạnh phúc lắm. Dự kiến khi Hà Nội cho phép ăn uống trong nhà, tôi sẽ khai trương cửa hàng" - chị Huyền cho hay.

Bán mang về nhưng tinh thần bảo vệ sức khỏe mình là quan trọng nhất

Chị Mai (quê Thái Nguyên) - chủ một quán bún sườn ở Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - cho hay, chị mở quán bún ở phố Cầu Cốc (phường Tây Mỗ) từ tháng 5.2021. Tuy nhiên, đến ngày 24.7, chị phải đóng cửa quán để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Bí bách khi phải ngồi không, trong khi mọi chi phí vẫn phải chi đều đặn. Từ tiền thuê nhà, chi phí điện nước, đến ăn uống, thêm một số loại thuốc men, các loại sản phẩm để phòng chống dịch bệnh, khiến phải "tiêu lẹm" vào khoản tiền dành dụm để đóng học cho con.  

Ngày 15.9, khi nghe tin một số quận nội thành, trong đó có quận Nam Từ Liêm cho phép một số dịch vụ kinh doanh được tái hoạt động, bán mang về, chị như trút được gánh nặng. Ngay trong tối 15.9, chị cùng chồng tất bật dọn dẹp lại khu bếp, sắp xếp bàn ghế, quét lại vạch sơn giãn cách, để mở quán.

Cửa hàng của chị Mai cũng tất bật dọn dẹp trong đêm để sáng nay (16.9) bán mang về. Ảnh: Cường Ngô 

"Dù chỉ bán mang về, nhưng tôi rất hào hứng vì được đón khách, bán hàng trở lại. Đóng cửa một thời gian quá dài, bây giờ được thấy mọi người đến mua hàng, có không khí nên cũng vui mừng, phấn khởi. Nhà tôi sẽ mở bán từ 8h sáng đến 19h tối" - chị Mai nói.

Chị Mai hy vọng dịch COVID-19 ở Hà Nội được kiểm soát để thời gian mở bán lâu dài. "Bán hàng trong mùa dịch lời lãi không được bao nhiêu, vừa bán vừa lo lắng dịch, nghe ngóng tình hình.

Tôi cho rằng, bây giờ cứ chuẩn bị tinh thần sống chung với dịch, vừa bán hàng vừa đảm bảo các điều kiện phòng dịch như giãn cách tối thiểu 2m, khử khuẩn, khẩu trang với tinh thần bảo vệ sức khỏe mình là quan trọng nhất" - chị Mai chia sẻ.

Mặc dù một số cửa hàng, quán ăn đã mạnh dạn chuẩn bị hàng quán để bán mang về, song do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, nên nhiều cửa hàng vẫn e dè trước quy định được tái hoạt động bán hàng mang đi.

"Việc bán hàng này chỉ mang tính cầm chừng, bởi khách rất ít, chi phí đội lên cao, lợi nhuận không đáng kể. Trong khi bộ phận giao hàng từ các ứng dụng công nghệ vẫn chưa được phép hoạt động. Do đó, chúng tôi vẫn đang nghe ngóng tình hình, chờ thêm thời gian mới quyết định vận hành trở lại" - anh Hùng, chủ quán bánh cuốn trên phố Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội), chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn