MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động tại các cảng sẽ nhộn nhịp hơn khi kinh tế hồi phục. Ảnh chụp tại cảng Cát Lái, TPHCM: Anh Tú.

Yếu tố hỗ trợ nào có thể thúc đẩy nền kinh tế trở lại “đường đua xanh”?

Thế Lâm LDO | 09/10/2021 16:34
Mức lạm phát thấp trong 9 tháng đầu năm 2021 của nền kinh tế đang là cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như tiếp tục duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ để phục hồi nền kinh tế.

Lạm phát thấp nhất 5 năm, nhưng lo giá dầu

Từ các số liệu được công bố của Tổng cục Thống kê, bộ phận nghiên cứu SSI Research của Công ty chứng khoán SSI đã đưa ra báo cáo cho biết, lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Mức lạm phát bình quân 9 tháng thấp đã phản ánh một phần nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm vì ảnh hưởng dịch COVID-19, song đồng thời cũng cho thấy tác động giảm từ chủ yếu đến từ các mặt hàng được Chính phủ quản lý giá.

Cũng theo SSI Research, chỉ số CPI trong quý 4/2021 có thể tăng trở lại khi hoạt động kinh tế cũng như tiêu dùng dần hồi phục. Tuy nhiên, chỉ số CPI năm 2021 vẫn được kỳ vọng chỉ ở mức từ 2,2-2,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức trần Chính phủ đề ra, chính vì thế đang tạo dư địa lớn cho chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, nghiên cứu từ Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), lạm phát trong thời gian tới sẽ chịu áp lực từ sự tăng cao của giá dầu thế giới và chi phí vận tải hàng hóa (logistic). Tuy nhiên, YSVN đồng thuận với quan điểm cho rằng khả năng lạm phát năm 2021 vẫn sẽ trong tầm kiểm soát dưới 4% của Chính phủ.

“Rủi ro giá hàng hóa có khả năng tăng nhẹ khi nền kinh tế mở cửa và nhu cầu hồi phục, do chi phí sản xuất đã tăng mạnh trong 3 tháng qua và các nhà sản xuất vẫn chưa thể tăng giá bán do nhu cầu yếu trong thời gian giãn cách”, YSVN cho biết.

Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ

SSI Research đã đề cập, lạm phát thấp là cơ sở tạo dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ. Theo đó, các ngân hàng đã có thêm hạn mức tín dụng để có thêm vốn cho vay cuối năm.

Trên thực tế, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường giảm 0,55%/năm, và từ nửa cuối tháng 9 trở đi lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Đây là yếu tố hỗ trợ rất lớn giúp doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh và tiết giảm được chi phí lãi vay.

Theo YSVN, các yếu tố hỗ trợ khác cho việc phục hồi kinh tế như vốn đầu tư nước ngoài FDI đã quay trở lại trong tháng 9, tỉ giá USD ổn định, xuất khẩu chưa được cải thiện nhiều nhưng đạt giá trị xuất siêu nhẹ trong tháng 9.

Đặc biệt, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 9 cho thấy sự hồi phục mạnh từ mức thấp của tháng 8, từ đó có thể kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế trong quý 4/2021.

Thị trường chứng khoán đã trải qua hai tháng 8 và 9 giảm điểm và lình xình đi ngang. Trong giai đoạn quý 4/2021, khi nền kinh tế dần hoạt động trở lại đều hơn sẽ mang lại nhiều thông tin tích cực về tăng trưởng có thể hỗ trợ thị trường. Từ đó, các dự báo cho rằng chỉ số VN-Index có thể đạt đến ngưỡng 1.380 điểm trong tháng 10 và tiến đến 1.400 điểm và đỉnh lịch sử 1.420 điểm trong quý 4.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn