MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo. Ảnh: VGP

Mất an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm

TS LDO | 05/06/2017 12:31
Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 

Pháp luật về an toàn thực phẩm... thi hành chậm

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 5.6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016".

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Báo cáo nêu rõ: Văn bản chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm thời gian qua đã được ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, tuy nhiên việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, chưa được hệ thống hóa, gây ảnh hưởng tới việc thực thi Luật; một số quy định chưa phù hợp với quản lý an toàn thực phẩm, tính khả thi chưa cao. Một số quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn chồng chéo, chưa rõ ràng, một số lĩnh vực quản lý thiếu quy định hướng dẫn cụ thể. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý thực phẩm còn thiếu so với yêu cầu.

Kinh phí bị cắt giảm 56%

Đoàn giám sát đánh giá việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đã được triển khai tương đối đồng bộ và quyết liệt, nghiêm minh hơn trước.

Những tồn tại trong công tác thực hiện được Đoàn giám sát chỉ ra là: Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý an toàn thực phẩm của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp chưa được thường xuyên; nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho an toàn thực phẩm còn hạn chế. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa tương xứng với nhiệm vụ... 

Báo cáo của Đoàn giám sát nêu: Đầu tư kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác này giai đoạn 2011 - 2016 là 2.545,79 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện còn thấp do bị cắt giảm (năm 2016, ngân sách Trung ương giảm 56%) và cấp chậm. Ước tính trung bình từ ngân sách nhà nước đầu tư cho mỗi tỉnh, thành phố giai đoạn 2011 - 2016 là khoảng 14 tỷ đồng, mỗi năm trung bình khoảng 2,5 tỷ đồng.

Đoàn giám sát thấy rằng quản lý an toàn thực phẩm đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu. Tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau; kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).  

Đoàn giám sát nhận định: Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm như trên, trách nhiệm chính trước tiên thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, người tiêu dùng thực phẩm, trong đó trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm

Từ năm 2011-2016: Cả nước đã thành lập 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm. Tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền (trước đây chỉ là cảnh cáo) tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình 1 cơ sở tăng từ 1,35 triệu (2011) lên 3,73 triệu (2016).

Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.

Giai đoạn 2011 – 2016, đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Mỗi năm có khoảng 70.000 người chết do ung thư và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn