MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: X.H

Thời kỳ công nghiệp 4.0: Sứ mệnh lịch sử vẫn thuộc về giai cấp công nhân hiện đại

X.HẢI - H.NGUYỄN LDO | 05/05/2018 08:11
Dù trong nền kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0 hiện đại được tự động hóa, thậm chí, người máy có thể sẽ thay thế một bộ phận người lao động thì giai cấp công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội và là người phải được hưởng thụ xứng đáng các thành quả phát triển. Đó là một trong những nội dung được nhiều đại biểu tán thành tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại” diễn ra hôm qua (4.5) do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư cùng các đơn vị đã phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Các Mác (5.5.1818 - 5.5.2018).

Chấm dứt thời kì “mò mẫm như trong đêm tối” của hàng triệu nhân dân lao động

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lí luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: Trong di sản lí luận đồ sộ, sâu sắc của Các Mác, công lao to lớn và đầu tiên là ông đã xây dựng 1 thế giới quan và phương pháp luận mới, khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại tiến bộ và nhất là giai cấp công nhân 1 công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới. Đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào nghiên cứu sản xuất tư bản chủ nghĩa, Các Mác đã vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, nhìn nhận chủ nghĩa tư bản trong cả quá trình phát sinh, và diệt vong của nó. Việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư được ví như “hòn đá tảng” trong toàn bộ học thuyết của Mác.

Ông Thắng nhấn mạnh: “Đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới thì học thuyết Mác là vũ khí lí luận, vũ khí tư tưởng sắc bén trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột cũng như trong sự nghiệp xây dựng xã hội tương lai tươi đẹp”.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam.

Phát triển tư tưởng Mác trong thời đại công nghiệp 4.0

Kỉ niệm 200 năm ngày sinh Các Mác trong tình hình thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với những biến động dữ dội về mặt chính trị - xã hội, trên cơ sở lịch sử - cụ thể các quan niệm lý luận của Các Mác và rút ra những bài học cho cuộc sống hôm nay, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch Hội đồng Lí luận T.Ư bày tỏ: Có ý kiến cho rằng, trong nền kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0, sứ mệnh lịch sử hiện nay không còn thuộc về giai cấp công nhân mà là thuộc về một số tầng lớp, giai cấp khác, thậm chí là thuộc về người máy... Tuy nhiên, nhờ lí luật Mác, chúng ta thấy rõ, dù nền sản xuất hiện đại được tự động hóa, nhưng xét về nội dung kinh tế thì giai cấp công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội và là người phải được hưởng thụ xứng đáng các thành quả phát triển.

Ở khía cạnh tư tưởng, chính trị thì chỉ có giai cấp công nhân mới tập hợp được các giai tầng lao động khác do Đảng Cộng sản lãnh đạo để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do dân, vì dân. Do địa vị chính trị, xã hội của mình, chỉ có giai cấp công nhân mới giải quyết được các vấn đề chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng xã hội mới.

Về góc độ văn hóa - tư tưởng, chỉ có giai cấp công nhân mới là lực lượng xác lập được các hệ giá trị mới như lao động, công bằng, dân chủ, bình đẳng, tự do... để thay thế cho hệ giá trị tư sản cũ.

Do đó, học thuyết của Các Mác và chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện nay vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa thời sự.

Thực tế cho thấy, sự phát triển hiện nay của lực lượng sản xuất dựa trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ đang đưa nhân loại tới những mô hình phát triển rất mới như công nghiệp 4.0, xã hội siêu thông minh 5.0 là phù hợp với học thuyết về sự thay thế, phát triển các hình thái kinh tế - xã hội của Mác.

PGS.TS Hoàng Phúc Lâm - Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐ VN, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cũng nhấn mạnh đến tư tưởng Các Mác về liên minh giai cấp và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Các Mác và Ph.Ăngghen sớm nói đến khả năng và sự cần thiết phải đoàn kết giai cấp vô sản với các tầng lớp trung gian. Sau cách mạng 1848 - 1852 ở Tây Âu, các ông thấy rõ, vấn đề liên minh giữa giai cấp vô sản và các giai tầng khác trong xã hội, nhất là giai cấp nông dân trở thành vấn đề có tính sống còn đối với cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản.

Ông Lâm chỉ rõ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về liên minh giai cấp. Hiện nay, vấn đề liên minh công nông đã được mở rộng thành liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và trở thành nòng cốt của khối đại đoàn kết dân tộc.

Đặc biệt, đối với cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân luôn có 1 vai trò và vị trí hết sức quan trọng. Trong các giai đoạn cách mạng trước đây, giai cấp công nhân Việt Nam không chỉ là giai cấp lãnh đạo cách mạng mà còn là một trong những lực lượng cách mạng chủ yếu trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nhằm xóa bỏ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục đảm đương sứ mệnh lịch sử lớn lao, không chỉ tiếp tục là giai cấp lãnh đạo cách mạng mà còn là lực lượng tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới.

Về mặt sản xuất, giai cấp công nhân là lực lượng cơ bản, chủ yếu, có vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân. Mặc dù về số lượng, giai cấp công nhân ở nước ta chiếm tỉ lệ không lớn trong tổng số dân cư (chiếm tỷ lệ 11% dân số và 21% lực lượng lao động xã hội) nhưng nắm giữ những cơ sở vật chất và các phương tiện sản xuất hiện đại nhất của xã hội, quyết định phương hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế. Giai cấp công nhân là lực lượng lao động đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước. Hằng năm, giai cấp công nhân đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, giai cấp công nhân Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước và nhiệm vụ chính trị cần phải khắc phục.

“Thế giới ngày nay đã trải qua nhiều biến động. Xu hướng hợp tác, đối thoại đã dần thay thế cho sự căng thẳng, đối đầu trong các quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong việc tạo dựng 1 xã hội mới không còn áp bức, bất công vẫn còn nguyên sức sống của nó. Trong xã hội Việt Nam hiện tại, giai cấp công nhân đang ngày càng lớn mạnh và khẳng định được vai trò của mình trong công cuộc đổi mới đất nước. Để làm được điều đó, không những Đảng ta mà toàn dân tộc, trong đó giai cấp công nhân là nòng cốt phải tự mình phấn đấu, nâng cao tri thức, tay nghề để có thế làm tốt sứ mệnh lịch sử đã đề ra, phấn đấu đưa nước ta từ 1 nước nông nghiệp sớm trở thành 1 nước công nghiệp đúng như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra nhằm đưa đất nước phát triển lên 1 tầm cao mới,”- PGS.TS Hoàng Phúc Lâm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn