MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh QH

Nguy cơ trở lại “danh sách đen” của tàu biển Việt Nam: Cần cảnh báo sớm

Khánh Hoà LDO | 28/04/2017 16:33
Thừa nhận tỷ lệ lưu giữ tàu biển Việt Nam gia tăng khá mạnh trong quý I/2017 nhưng lãnh đạo Cục Hàng Hải nhận định vấn đề này không quá nghiêm trọng và cơ quan chức năng đã chủ động cảnh báo chứ không phải bị Tổ chức chính quyền cảng biển các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo – Mou) nhắc nhở.

Ngày 25.4, trả lời phỏng vấn báo Lao Động, ông Nguyễn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết:

- Nhận thấy tỷ lệ lưu giữ tàu biển Việt Nam trong quý I/2017 bắt đầu có những dấu hiệu gia tăng, Cục hàng hải Việt Nam đã chủ động cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra cảnh báo và áp dụng những biện pháp toàn diện để ngăn chặn khả năng quay về “danh sách đen” của tổ chức Tokyo MOU.

Xin ông cho biết những nguyên nhân chính khiến tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại nước ngoài?

- Trước hết cần biết rằng lưu giữ tàu biển là một trong những biện pháp đặc thù của ngành hàng hải nhằm ngăn chặn tàu kém chất lượng, kém an toàn khi hoạt động trên biển. Đây là một biện pháp hành chính mà không phải như bắt giữ tàu vì một tranh chấp thương mại, tuy nhiên, biện pháp này khá hiệu quả trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trên biển.

Về bản chất, một con tàu có khiếm khuyết chưa khắc phục được thì phải ở lại khắc phục xong mới được xuất bến. Việc lưu giữ có thể chỉ kéo dài 15-20’ cũng có khi mất vài ngày tuỳ theo mức độ khiếm khuyết và cách khắc phục. Các tàu bị lưu giữ không bị xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ đơn thuần là tàu phải khắc phục các khiếm khuyết cho đủ điều kiện đi ra biển nhằm bảo đảm an toàn cho tàu và thuyền viên. Tuy nhiên, việc lưu giữ tàu biển cũng gây thiệt hại không nhỏ cho chủ tàu khi bị giảm uy tín, về tài chính có thể thiệt hại lên đến hàng chục nghìn USD do chậm ngày tàu, phải khắc phục lỗi và mời tổ chức đăng kiểm xuống tàu đánh giá, kiểm tra lại (trong trường hợp cần thiết). Không chỉ vậy, nếu bị rơi vào “danh sách đen” tàu biển sẽ lọt vào tầm ngắm của chính quyền cảng quốc tế và thường xuyên bị kiểm tra hơn.

Nguyên nhân khiến các đội tàu của Việt Nam bị lưu giữ có khá nhiều nhưng tập trung chủ yếu vào các lỗi kỹ thuật liên quan tới hệ thống cứu sinh, cứu hoả và trang thiết bị của tàu như chưa đảm bảo tính kín nước của các cửa, hệ thống cứu sinh chưa đạt chuẩn, hệ thống quản lý an toàn trên tàu còn nhiều thiếu sót. Cũng có tàu bị lưu giữ vì thiếu các giấy tờ thủ tục theo quy định như tàu MEKONGTRAN 01 của Công ty CP vận tải dầu khí Mê Kông bị lưu giữ ngày 02.02.2017 tại Suva, Fiji vì không có hoá đơn xử lý rác (khi cập cảng các tàu phải thuê các công ty vệ sinh xử lý rác thải và có hoá đơn).

Ngoài ra, cũng không loại trừ cả việc một vài đăng kiểm viên, cảng vụ còn sơ suất trong quá trình kiểm tra giám sát.

Nói như vậy, nguy cơ trở lại danh sách đen dường như không nghiêm trọng. Vậy tại sao Cục lại đưa ra cảnh báo về vấn đề này?

- Để xếp loại chất lượng tàu biển, Tổ chức chính quyền cảng biển các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo MOU) có 3 danh sách: đen, xám và trắng. Trước đây, đội tàu Việt Nam từng nằm trong “danh sách đen” và thực sự chủ tàu, tàu biển đã gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn, tốn kém về tài chính, tàu biển bị lưu giữ nhiều ngày… do hệ quả của việc tàu biển bị kiểm tra nhiều vì tàu nằm trong “danh sách đen”.

Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo quyết liệt, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp nghiêm túc triển khai rất nhiều biện pháp mạnh, đồng bộ và các chủ tàu đã rất nỗ lực để vươn lên từ “danh sách đen” lên “danh sách trắng” (bỏ qua “danh sách xám”).

Dù vậy cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đội tàu Việt Nam còn hạn chế hơn nhiều các đội tàu cùng nằm trong “danh sách trắng” của Toykyo MOU và trong bối cảnh thị trường hàng hải khó khăn hiện nay, do năng lực tài chính còn yếu, nhiều chủ tàu gặp nhiều khó khăn nên trang thiết bị cho tàu chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu trong khi quy định của các công ước quốc tế thì ngày càng cao lên, việc duy tu bảo dưỡng tàu không đáp ứng được yêu cầu.  

Do đó, ngay khi tỷ lệ tàu lưu giữ có xu hướng tăng, chúng tôi phải cảnh báo và áp dụng các biện pháp để hạn chế tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài. Cụ thể, trong quý I/2017, trong số 214 lượt tàu bị cảng nước ngoài kiểm tra, có 10 tàu bị lưu giữ do có khiếm khuyết, chiếm tỷ lệ 4,67%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 3 năm trước.

Cục đã và sẽ có những biện pháp gì để giảm tỷ lệ này?

- Sau khi đội tàu Việt Nam ra khỏi danh sách đen năm 2014, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ động xây dựng và triển khai Đề án duy trì đội tàu biển Việt Nam trong danh sách trắng với rất nhiều biện pháp cụ thể trong đó có việc thường xuyên đánh giá hiện trạng cũng như cảnh báo về nguy cơ nói trên.

Cục Hàng hải Việt Nam đang phối hợp cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp từ kiểm tra thực tế trong đó tập trung kiểm tra tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế, hướng dẫn anh em thuyền viên dưới tàu về những khiếm khuyết hay mắc phải và cách khắc phục.

Trong quý II/2017, nếu tỷ lệ bị lưu giữ không giảm, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp mạnh như kiểm tra 100% tàu trước khi rời cảng, không cho phép tàu rời cảng khi chưa khắc phục đầy đủ các khiếm khuyết, thu hồi các Giấy chứng nhận đối với tàu biển bị lưu giữ 03 lần trong vòng 12 tháng ….

Tuy nhiên, trong khi thực hiện việc kiểm tra tàu biển, Cục Hàng hải Việt Nam cũng yêu cầu các Cảng vụ hàng hải chỉ đạo cán bộ kiểm tra tàu biển thực hiện nghiêm túc quy định, không được gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tàu biển.

Hiện, đội tàu biển VN có 462 chiếc chạy tuyến quốc tế có dung tích từ 500 GT trở lên. Trong quý I/2017, trong số 214 lượt tàu bị cảng nước ngoài kiểm tra, có 10 tàu bị lưu giữ do có khiếm khuyết, chiếm tỷ lệ 4,67%. Đây là tỷ lệ tăng đột biến so với các mức 3,55% của cùng kỳ năm 2014, 2,77% của năm 2015 và 4,04% của năm 2016. Trong số này có 6 tàu bị lưu giữ tại Trung Quốc, 2 tàu tại Malaysia, 1 tài ở Indonesia và 1 tàu ở Fiji.

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn