MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ.

Thanh khoản ngân hàng vào giai đoạn “nóng”

B.Chương LDO | 29/08/2018 07:00

Trong giai đoạn gần đây, lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng trở lại. Theo đánh giá của các chuyên gia tín hiệu này cho thấy thanh khoản ngân hàng đang có dấu hiệu căng thẳng.

Thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Maritime Bank cho biết, trong tuần từ ngày 6 - 10.8, lãi suất bình quân bằng VND trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên giao dịch ngày 10.8, lãi suất giao dịch kỳ hạn qua đêm đạt mức 4,51%/năm (tăng 2,29%), kỳ hạn 1 tuần ở mức 4,61% (tăng 2,13%), kỳ hạn 2 tuần ở mức 4,60% (tăng 1,83%) và kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,65% (tăng 1,17%).

Đà tăng tiếp tục được duy trì trong tuần từ ngày 13 - 17.8, trong đó phiên giao dịch ngày 16.8 đã ghi nhận lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,07 - 0,10 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên 15/8. Cụ thể: qua đêm là 4,70%/năm; 1 tuần là 4,73%/năm; 2 tuần là 4,73%/năm và 1 tháng là 4,75%/năm.

Một sự thật không thể phủ nhận là lãi suất tăng trên thị trường liên ngân hàng cũng chính là dấu hiệu rõ nhất cho thấy thanh khoản của hệ thống đã sụt giảm đáng kể. Theo cập nhật của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần kết thúc ngày 10.8, NHNN đã phải bơm ròng trở lại 14.396 tỷ đồng sau khi đã hút ròng với số lượng lớn lên đến 30.704 tỷ đồng trong tuần trước đó.

Không những tăng trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng), một số ngân hàng thương mại tiếp tục có động thái tăng lãi suất trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức). Từ ngày 6.8, khung lãi suất tiền gửi của SHB đã tăng thêm 0,2% ở các kỳ hạn từ 6 tháng đến 9 tháng, trong khi ngân hàng An Bình cũng đã tăng 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng và 13 tháng, lên tương ứng 6,5% và 7,6%.

Một ngân hàng nhỏ khác là GPBank cũng đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên thêm 0,1%, có hiệu lực từ 23.7. Đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất của ngân hàng này đã kịch trần ở mức 5,5% trong suốt thời gian qua.

Hay như VPBank từ giữa tháng 7 cũng đã tăng lãi suất huy động vốn thêm 0,2% đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, còn ACB trước đó đã điều chỉnh tăng thêm 0,1% từ kỳ hạn 12 tháng trở xuống và 0,2% ở các kỳ hạn trên 13 tháng ngay từ đầu tháng 7.

Với xu hướng lãi suất tăng mạnh trên thị trường liên ngân hàng kể từ đầu tháng 8 đến nay, cùng với dấu hiệu một loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất liên tục trong nhiều tháng qua, đặc biệt từ đầu quý 2 đến nay, cho thấy mục tiêu giữ ổn định lãi suất của nhà điều hành đang ngày càng thách thức, đặc biệt là trong 4 tháng còn lại của năm nay.

Giám đốc tài chính một ngân hàng thương mại cổ phần xác nhận, lãi suất liên ngân hàng đang tăng do thanh khoản hệ thống có những căng thẳng nhất định. Cụ thể, thứ nhất, do tỷ giá “nhảy lên” nên tâm lý găm giữ USD tăng. Theo đó, có xu hướng rút VND mua USD dẫn đến lãi suất đồng Việt Nam phải tăng để “giữ chân” khách hàng.

Thứ hai là yếu tố liên quan đến câu chuyện kỹ thuật nhiều hơn thị trường. Cụ thể, lượng USD giao dịch trên thị trường khan hiếm do chính sách của các ngân hàng ngoại tạm ngưng nhập ngoại tệ. Các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn ngoại tệ bên ngoài nên đã đẩy giá ngoại tệ trên thị trường tự do tăng và thậm chí khiến lãi suất liên ngân hàng USD tăng nhẹ ở kỳ hạn 1 tuần trong tuần qua.

Ngoài ra, nhằm đáp ứng các yêu cầu đảm bảo về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại Thông tư số 16/2018/TT-NHNN sẽ giảm xuống 40% vào ngày 1.1.2019, các ngân hàng bắt đầu “tích” vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn dẫn đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bật tăng mạnh trong thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn