MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bạo loạn trong trận derby Argentina giữa Boca Juniors và River Plate.

Bạo lực phủ bóng đen lên bóng đá Nam Mỹ

Nhật Quang LDO | 25/07/2013 15:05
Thảm kịch đã xảy ra trước mùa giải mới của Argentina khi 2 CĐV thiệt mạng trong một cuộc đọ súng bên ngoài SVĐ trước trận giao hữu giữa hai đội bóng nổi tiếng Boca Juniors và San Lorenzo hôm 21.7. Đây là thảm kịch mới nhất gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo lực sân cỏ ở Nam Mỹ.
CĐV, trọng tài, cầu thủ đều là nạn nhân

4 tiếng trước trận giao hữu Boca Juniors gặp San Lorenzo, gần 100 hooligan đã đọ súng dữ dội bên ngoài SVĐ khiến 2 CĐV trúng đạn chết, một số khác bị thương. Trận đấu bị hủy bỏ.

Trước đó chừng 2 tuần, một thảm kịch đẫm máu đã xảy ra trong một trận đấu nghiệp dư ở Sao Luis, Brazil, vào cuối tháng 6. Một cầu thủ bị phạt thẻ đỏ chửi bới, đánh lại trọng tài đã bị chính trọng tài Otavio Jordao da Silva rút dao đâm chết. Trận đấu biến thành cuộc hành hung man rợ như thời Trung cổ khi các CĐV nhào vào sân đánh trọng tài Otavio đến chết, sau đó cắt chân tay và chặt đầu ông treo lên một cái que bêu giữa sân.

Hai tháng trước vụ giết người kinh hoàng này, 2 khán giả bị bắn chết trước trận Ceara gặp Fortaleza trong dịp khánh thành sân Castelao - 1 trong 6 sân chuẩn bị cho World Cup 2014.

Theo thống kê, năm 2012 ở Brazil có ít nhất 3 người bị giết liên quan đến trận đấu của các CLB nổi tiếng như Vasco da Gama, Flamengo và Palmeiras… Trong 10 năm từ 1999-2009 đã có 42 người thiệt mạng vì bạo lực sân cỏ, nhiều nhất là năm 2007 và 2008 với 7 người chết mỗi năm.

Tình trạng rối loạn ở Brazil với các cuộc biểu tình chống Chính phủ vì khủng hoảng, tham nhũng, dân chúng nghèo đói nhưng vẫn chi tiền tỉ cho các giải bóng đá lớn càng che phủ bóng đen lên sân cỏ. Bạo động, biểu tình nổ ra liên tiếp trong thời gian diễn ra Confederation Cup hồi tháng 5 đã khiến giải đấu này bị đe dọa hủy bỏ giữa chừng. Bạo loạn ở Brazil còn làm dấy lên lo ngại World Cup 2014 sẽ được chuyển sang Mỹ để đảm bảo an ninh.

Biểu tình bạo lực đang lan rộng tại Brazil trước thềm World Cup 2014).

Argentina - quốc gia luôn cạnh tranh với Brazil trên sân bóng, cũng không chịu thua kém về nạn bạo lực sân cỏ. Trước vụ đọ súng ngày 21.7 chỉ hơn 1 tháng, 1 CĐV cũng đã thiệt mạng vì bạo loạn trong trận đấu giữa Estudiantes và Lanus ngày 10.6. Trận derby Argentina ngày 7.5 cũng nhuốm màu bạo lực khi các CĐV quá khích ném pháo sáng và cả những quả bom nhỏ xuống sân.

Hồi tháng 2, một vụ xả súng kinh hoàng trước trận Tigre gặp River Plate ở giải VĐQG khiến 13 CĐV bị thương. Theo thống kê, ở Argentina năm 2012 đã có 16 người chết vì bạo lực sân cỏ, cao hơn so với 11 người thiệt mạng năm 2011. Kể từ năm 1979 đến nay, 165 CĐV đã chết vì các “tai nạn” liên quan đến sân cỏ ở nước này.

Cuộc chiến đơn độc

Vụ đọ súng trước trận Boca Juniors - San Lorenzo hôm 21.7 là do các thành viên băng nhóm CĐV Doce của Boca Junior khởi xướng. Boca Junior, cũng như nhiều CLB ở Argentina, có một băng nhóm CĐV - gọi là barra brava - với số thành viên có thể lên tới 300 người. Các băng nhóm này gây ra những vụ bạo loạn có tổ chức, nguy hiểm hơn rất nhiều so với các hooligan hung hăng nhất thời của các CLB Châu Âu.

Tuy nhiên, có 1 CLB ở Argentina đã tuyên chiến với barra brava, là Independiente. Ông Javier Cantero - Chủ tịch mới được bầu cuối năm ngoái của Independiente cùng luật sư Florencia Arietto - người chịu trách nhiệm về an ninh, chống lại bạo lực bóng đá của CLB, đã cắt đứt nguồn tài chính dành cho barra brava, cấm lãnh đạo hàng đầu các băng đảng tới sân của Independiente. Giới barra brava đã phản ứng dữ dội. Khoảng 30 tên côn đồ đã xông vào văn phòng Cantero đe dọa khiến CLB phải nhờ tới cảnh sát.

Ngoài Florencia Arietto, Argentina còn một phụ nữ khác cũng kiên quyết đấu tranh với bạo lực sân cỏ, là Monica Nizzardo - Chủ tịch tổ chức Salvemos Al Futbol (Hãy cứu lấy bóng đá SAF). Cứ cuối tuần, Nizzardo lại tới các SVĐ, quay phim những hành vi bạo lực. Kể từ khi thành lập tháng 2.2007 đến nay, SAF đã kiện hơn 100 vụ chống lại các barra, CLB, cảnh sát, quan chức… liên quan đến bạo lực bóng đá.

Dù đấu tranh bền bỉ nhiều năm qua, nhưng cuộc chiến của Cantero, Arietto và Nizzardo vẫn đơn độc. Trừ Independiente, barra vẫn xuất hiện ở các sân bóng khác. Như thế, sẽ vẫn có bạo loạn, xô xát, người chết trên các sân cỏ, và văn hóa bóng đá đầy bạo lực sẽ không dễ bị xóa bỏ trong tương lai gần ở khu vực này.

Gợi ý dành cho bạn