MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cái khó khi sáp nhập tỉnh, bộ là do vấn đề “quyền lợi”?

XUÂN HẢI - ĐỨC THÀNH LDO | 01/11/2017 09:15
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: Khi sáp nhập tỉnh sẽ mang lại hiệu quả về tinh giản biên chế, từ đó hằng năm sẽ giảm hàng nghìn tỉ đồng cho mỗi tỉnh, dùng tiền đó để đảm bảo an sinh xã hội và đầu tư hạ tầng cho những nơi đang bị yếu kém.

Cái khó khi sáp nhập là vì sẽ có người bị mất chức

Theo ông Phạm Văn Hòa, những bộ tương đồng về chức năng, nhiệm vụ cần sáp nhập lại để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Còn về phía tỉnh, cần sáp nhập một số tỉnh có số dân thấp để giảm biên chế, thu gọn bộ máy, ví dụ những tỉnh có dân số 700-800 nghìn có thể sáp nhập lại được.

Thậm chí trước đây, tỉnh Hà Tây có số dân lớn, nhưng khi sáp nhập với Hà Nội vẫn hoạt động hiệu quả. Vậy tại sao các tỉnh khác không sáp nhập được.

Ông Hòa cũng cho rằng, lúc đầu sáp nhập có thể xảy ra sáo trộn về tổ chức bộ máy, nhưng sau một năm sẽ đi vào nền nếp và hoạt động bình thường. Quan trọng khi sáp nhập tỉnh sẽ mang lại hiệu quả về tinh giản biên chế, từ đó hằng năm sẽ giảm hàng nghìn tỉ đồng cho mỗi tỉnh, dùng tiền đó để đảm bảo an sinh xã hội và đầu tư hạ tầng cho những nơi đang bị yếu kém.

Nói về việc sáp nhập tỉnh sẽ khiến việc đi lại của người dân khó khăn, theo ông Hòa, hiện cơ sở hạ tầng tốt hơn trước, tất nhiên ở miền núi thì điều kiện có khó khăn hơn. Như vậy, chúng ta giảm số tiền chi lương trước đây để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội, trong vài năm hạ tầng sẽ tốt hơn, thì việc đi lại của người dân sẽ thuận lợi hơn, cán bộ xuống cơ sở địa phương cũng thuận lợi, dễ dàng hơn.

Nói về việc khó khi sáp nhập, ông Hòa cho rằng, khó khăn chẳng qua là vấn đề con người, sau khi nhập lại, thì có một số người bị mất chức, một bộ phận không còn. Những bộ phận đó người ta cũng không vui, không hài lòng.

Theo ông, cần thực hiện sáp nhập tỉnh trước, sau đó sẽ xem xét sáp nhập các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng với nhau. Ông Hòa ví dụ, ở nước ngoài, mỗi tỉnh có dân số 100 triệu người, tương đương bằng dân số cả nước ta, thậm chí hơn nhưng họ vẫn quản lý tốt, họ làm được, quản lý được thì chúng ta sẽ làm được, dù bước đầu có khó khăn. Nếu sáp nhận tỉnh, bộ thì số lượng cán bộ giảm đi, giảm nhiều biên chế, giảm đầu tư, giảm chi thường xuyên, lấy ngân sách đó đầu tư cho hạ tầng an sinh xã hội từ đó đất nước phát triển được.

Tránh điệp khúc tách ra rồi lại nhập vào

Theo ông Hòa, sau khi sáp nhập có thể giảm 10 tỉnh có quy mô dân số thấp và có thể giảm được 3-4 bộ. Ông Hòa cũng thừa nhận, cái khó nhất để sáp nhập đó là vấn đề về con người. Phải tinh giản một số lượng người nằm trong bộ máy rất lớn, mà đụng đến con người thì rất nhạy cảm, nhiều tâm tư, đến chế độ chính sách, đến cuộc sống của người đó... Cái khó nữa là quản lý rộng như thế, chắc cán bộ cũng gặp khó khăn đi lại.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ về lâu dài phải thực hiện, phải có lộ trình và tính toán thật kỹ, có đề án kế hoạch cụ thể và lấy ý kiến rộng rãi trong dân, trong đội ngũ công chức, viên chức để tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, để thực hiện đề án tinh giản biên chế đạt hiệu quả cao hơn” - ông Hòa nói.

Đồng quan điểm sáp nhập bộ để tinh gọn bộ máy biên chế, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải xem tính tương đồng và lộ trình sắp xếp bộ máy tinh giản để việc thực hiện được hợp lý. Chứ không phải để tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế nên muốn nhập là nhập. “Việc nhập và việc tách trong tiền lệ cũng có những vấn đề xảy ra. Khi nhập rồi, trong quá trình vận hành thấy không hợp lý lại tách ra. Do đó, việc nhập ở những bộ có tính chất tương đồng cần phải xem xét cho đầy đủ để cân nhắc cho hợp lý. Tránh vì sự nôn nóng mà miễn cưỡng gây ra tính bất lợi vừa khó khăn cho cơ quan bị nhập, phát sinh ra những khó khăn, khi ấy sửa lại thì rất khó” - ông Khuê lưu ý.

Ông Khuê cũng nhấn mạnh đối với các tổng cục, bây giờ nghị quyết có rồi, chủ trương đặt ra lâu nay rồi nhưng việc thực hiện chưa đồng nhất, nên lần này phải quyết liệt rà soát sắp xếp lại, không nhất thiết có quá nhiều tổng cục, nhiều vụ, nhiều phòng ban làm tăng gánh nặng cho ngân sách.

Ông Khuê ví von, ông bà nói “thượng bất minh, hạ tắc loạn” tức là ở cao làm thế được thì cấp phường, xã cũng làm được. Thậm chí là cứ lấy nguyên mẫu trên thế nào thì dưới cũng vậy, ở tỉnh kia thế nào thì tỉnh này cũng vậy, mà sự vận hành không khoa học dẫn tới sự chồng chéo trùng lắp, gây nên sự phiền hà trong trách nhiệm của công bộc đối với dân.

Đối với việc sáp nhập các tỉnh, thành cũng vậy, vì đặc trưng vùng miền, tỉnh thành, khác nhau, do đó cần xem xét tính tương quan và tính gắn bó liên kết để làm sao có cơ sở chọn bộ máy hợp lý, gọn nhất mà hoạt động hiệu quả nhất.

Nên sáp nhập các xã không đạt chuẩn về quy mô dân số

Nói về số lượng hơn 11 nghìn xã trong cả nước, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, hiện 50% số xã là không đạt chuẩn về quy mô dân số, tôi cho rằng, chủ trương nhập các xã thiếu quy mô dân số là hoàn toàn chính xác, sau khi nhập lại, số lượng xã sẽ ít lại, sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và bộ máy cũng giảm cồng kềnh, từ đó tăng lương được cho công chức viên chức. XH-ĐT

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn