MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều xe ôm công nghệ hoạt động xuyên đêm. Ảnh: XUYÊN ĐÔNG.

Trường hợp được hãng taxi, xe ôm công nghệ bồi thường thiệt hại

Xuyên Đông LDO | 16/12/2023 21:58

Hiện nay, nhiều hãng taxi, xe ôm công nghệ hoạt động cạnh tranh khốc liệt. Theo đó, trách nhiệm của các hãng cũng đòi hỏi cao hơn. Nhiều bạn đọc đặt ra câu hỏi, nếu tài xế, xe ôm công nghệ gây tai nạn, hãng có bồi thường?

Anh Nguyễn Đắc Thiệu ở Bắc Ninh hỏi: Tôi thường xuyên phải tiếp khách nên hay gọi xe ôm công nghệ hoặc taxi công nghệ. Trong trường hợp không may bị tai nạn thì hãng taxi hoặc xe ôm công nghệ có bồi thường cho tôi hay không?

Trả lời vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Tình - Phó trưởng Văn phòng luật sư Tinh hoa Việt - cho biết, Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra như sau:

Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra.

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Theo quy định trên, lúc này cần xem xét mối quan hệ giữa người lái xe và hãng taxi hoặc xe ôm công nghệ có phải “người của nhau” không?

Việc này được thể hiện thông qua xác lập hợp đồng lao động. Trong trường hợp, tài xế, xe ôm công nghệ là người thuộc hãng và được hãng giao nhiệm vụ thì khi gây tai nạn, hãng xe ôm công nghệ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Sau đó, hãng xe công nghệ có quyền yêu cầu người tài xế hoặc xe ôm này hoàn trả một khoản tiền.

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định trong Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn