MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyền còn là nhà thiết kế thời trang.

15 năm sáng tạo với dòng tranh ghép vải

Việt Văn LDO | 15/01/2024 10:48

Gọi cô là họa sĩ cũng đúng và nghệ nhân cũng chả sai. Vì Nguyễn Thu Huyền vừa vẽ tranh, vừa dạy vẽ tranh, nhưng thế mạnh lớn nhất làm nên thương hiệu của cô là dòng tranh ghép vải.

Học thiết kế thời trang của Viện Đại học (ĐH) Mở, là Thạc sĩ mỹ thuật ứng dụng ĐH Mỹ thuật công nghiệp, Huyền không chỉ dạy diễn họa thời trang - vẽ trang phục mà còn dạy môn lịch sử trang phục ở Viện ĐH Mở, ĐH Hòa bình. Cô mở Trung tâm Nghệ thuật dành cho trẻ em và sáng tác tự do để dạy mỹ thuật sáng tạo cho trẻ em hàng tuần, từ chiều thứ hai đến chiều chủ nhật, bên cạnh đó Huyền còn dạy lớp ôn thi ĐH, và hướng dẫn các khóa đào tạo giáo viên mỹ thuật.

Cắt vải.

Không dừng ở đó, Huyền còn viết sách dạy mỹ thuật cho thiếu nhi với các bộ sách “Nào mình cùng vẽ” và “Vẽ tất tật từ các hình cơ bản” gồm nhiều cuốn. Năm 2024, cô hy vọng hoàn thành cuốn sách về trang phục dân tộc các nước trên thế giới cũng như một cuốn sách tự truyện.

Nghệ sĩ Thu Huyền và những tác phẩm ấn tượng của cô.

Bản thân Huyền cũng trực tiếp cầm bút vẽ từ tranh màu nước, màu phấn đến sơn dầu... Tác phẩm “Vẻ đẹp Việt” cỡ 150x250cm của cô đã tặng và được treo ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hơn 10 năm. Một họa sĩ muốn thành công phải đi theo con đường riêng phù hợp với sở trường bản thân. Huyền yêu màu sắc từ nhỏ và hồi còn là sinh viên, cô đã lấy vải vụn từ bài đồ án thừa ra, ghép thành những bức tranh nhỏ tặng bè bạn như những tấm thiệp hoa lá độc đáo.

Quấn chỉ để tạo thêm điểm nhấn cho tranh ghép vải.

Và dần dần, Huyền đam mê tranh ghép vải, phát triển nó thành những tác phẩm thực sự, cho đến nay đã được 15 năm. Để làm tranh ghép vải, cần một số lượng vải khá nhiều, đúng ý tưởng tranh đưa ra (trước đó, Huyền luôn vẽ mẫu phác thảo), phối các miếng vải riêng rẽ thành một tổng thể hài hòa màu sắc và bố cục, diễn tả một chủ đề. Làm tranh ghép vải phải đầu tư nhiều tâm sức, mỗi bức làm nhanh nhất cũng mất khoảng 5 ngày đến lâu là vài tuần, với các khổ từ 40x60cm, đến to nhất là 150x250cm. Về chất liệu vải, Huyền luôn chọn những mẫu có hoa văn mới lạ, độc đáo, thường phải nhập ngoại.

Một tác phẩm tranh ghép vải khá cầu kỳ và ấn tượng của Thu Huyền.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của Huyền mang tên “Tôi vẽ giấc mơ” năm 2018 là những câu chuyện về tình yêu, về phụ nữ, về những khát khao hạnh phúc của phái đẹp, từ người phụ nữ Hà Nội ngày xưa đến bà mẹ dân tộc thiểu số... Một số tác phẩm nổi bật là “Đóa hoa vô thường”, “Dòng chảy”, “Phố không mùa”, bộ tranh “Sắc”...

Phác thảo trên giấy.

"Sự kết hợp giữa thời trang và hội họa như một cơ duyên đưa tôi đến với nghệ thuật tranh ghép vải để cho ra đời những tác phẩm đầu tiên khi tôi 20 tuổi. Và giờ đây, khi tôi đã là một người vợ, người mẹ trải qua rất nhiều biến cố, khó khăn trong cuộc đời, những thách thức đó cùng với thời gian đã cho tôi đủ sự trưởng thành, đủ trải nghiệm, đủ thăng hoa để đưa những cảm xúc, trăn trở của mình vào tranh vẽ” - Huyền nói.

Giáo dục mỹ thuật sáng tạo cho trẻ em là niềm đam mê của Huyền.

Đúng như lời tự sự của Thu Huyền, cô vẽ để kể những câu chuyện của cuộc đời mình, “với tâm thế buông bỏ mọi u sầu để vẽ lên những gì thật khác, thật tươi mới, tinh khiết và chứa chan hy vọng cùng niềm tin yêu cuộc sống”.

Khi được hỏi nghệ thuật có ý nghĩa gì với cô, Huyền đã trả lời ngay không chút đắn đo: “Hội họa là cuộc sống, là hơi thở của em. Hội họa đã giúp em vượt khỏi những chênh vênh trong cuộc sống và giúp em phục hồi sức khỏe một cách thần kỳ sau ốm bệnh”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn