MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng anh Duy An trên đường phượt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

4 năm 4 lần từ TPHCM phượt xe máy lên Hà Giang

ninh linh LDO | 31/03/2024 08:35

Từng vít ga chạy xe trên nhiều cung đường của dải đất hình chữ S nhưng đối với Nguyễn Lê Duy An (47 tuổi, sống tại TPHCM), cái tên Hà Giang khi cất lên vẫn luôn khiến trái tim anh rung động.

Từ ngày này sang tháng khác, vẻ đẹp hùng vĩ, nguyên sơ của miền sơn cước cứ từ từ in hằn trong tâm trí “phượt thủ” miền Nam. Những ngày được đắm chìm trong cảnh đẹp thiên nhiên ở vùng sơn cước Đông Bắc không ngờ lại hạnh phúc đến vậy.

Mối nhân duyên với miền sơn cước

4 năm, 4 lần tới Hà Giang, anh Duy An đều tự mình cầm lái, đều tự mình tận hưởng những cảnh đẹp xung quanh trên chiếc xe máy thân thuộc. Mỗi một năm, anh đều sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi, thăm thú chỗ này chỗ kia. Ấy vậy, dù đã ghé vùng địa đầu Tổ quốc nhiều lần, anh vẫn cảm thấy quyến luyến không rời với miền đất này.

“Chuyến đi đầu tiên tới Hà Giang của tôi xuất phát từ lời rủ rê của một người bạn. Tôi háo hức đồng ý, thế là hai anh em chạy xe máy ra. Thời điểm ấy vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, chuyến đi đầu tiên của tôi không gặp nhiều may mắn, thời tiết trở lạnh, sương mù dày đặc và mưa nhiều.

Do đó, thời gian tôi dành cho Hà Giang chẳng có nhiều nên trong tôi bỗng đặt ra một quyết tâm mới cho chính mình. Tôi muốn khám phá nơi đây theo cách riêng của mình một lần nữa, hoặc có thể nhiều lần nữa”, anh Duy An bày tỏ.

Cây nghiến cô đơn nằm cạnh quốc lộ 4C, địa phận xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bất cứ điều gì ở Hà Giang cũng gây ấn tượng sâu sắc với “phượt thủ” TPHCM, từ cảnh vật, khí hậu cho tới con người. Ghé thăm và quan sát sự thay đổi của mảnh đất này qua từng năm nhưng tình yêu của anh dành cho Hà Giang vẫn không thay đổi bởi vẻ đẹp bình dị của nơi đây vẫn được giữ nguyên vẹn.

Bốn lần ghé Hà Giang, từng đi qua ba mùa Xuân, Hạ, Thu, anh Duy An vẫn luôn háo hức khi nghĩ về nơi chốn này. Những tấm ảnh ghi lại trong mỗi chuyến đi, anh thi thoảng xem lại và đăng tải lên trang cá nhân để chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt đẹp của Hà Giang với những người bạn của mình.

Vốn dĩ làm công việc lái xe, luôn phải xê dịch, anh lại càng yêu thêm những cung đường mỹ miều mà bản thân được tự khám phá.

Anh kể: “So với các tỉnh miền núi khác, Hà Giang vẫn sở hữu cái chất riêng mà không có bất cứ nơi nào có được. Tôi tìm thấy cái chất riêng là đá, đá và đá”.

Vụ sạt lở trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người dân nơi đây sống cùng với đá, nhà sàn được bao quanh bởi những hàng rào đá, những bản làng được xây dựng kiên cố trên đá. Với anh, Hà Giang còn có những điều đặc biệt khác là dòng sông Nho Quế, là Cực Bắc, là Lũng Cú...

“Có chuyến, tôi dành hẳn 12 ngày chỉ để thoả đam mê lang thang Hà Giang của chính mình”, anh Duy Anh nói.

Những khoảnh khắc “không mua được bằng tiền”

Tuy đã đặt chân đến 63 tỉnh thành của Việt Nam, có những kỷ niệm chỉ ở Hà Giang mới giúp anh Duy An thoả mãn niềm đam mê xê dịch của bản thân. Nam phượt thủ yêu thích cảm giác chạy xe máy qua con đèo Mã Pì Lèng để kiếm chỗ nào đó, ngồi lì một góc ngắm cảnh vật xung quanh, hay chạy xe xuống dốc Tà Làng, xuống làng H'Mông Pả Vi, hoặc leo lên mỏm đá Tử Thần và mỏm đá Móng Ngựa để nhìn toàn cảnh Nho Quế...

Đôi khi, niềm vui của anh nhỏ bé, chỉ là ngồi uống một cốc cà phê hay ghé một quán ăn vặt trên đèo Mã Pì Lèng. Để thỏa mãn trải nghiệm “đổ đèo” liên tục, anh thường chọn Mèo Vạc hay Đồng Văn là nơi dừng chân khi tới Hà Giang.

Đáng nhớ nhất là một ngày tháng 8.2023, khi chạy xe lên đèo Mã Pì Lèng, anh bị mắc kẹt vào một vụ sạt lở đất. Vụ sạt lở xảy ra từ sáng sớm, bít hết đường đi nhưng anh không hề hay biết.

Trong 2 tiếng chờ đợi, anh khá lo lắng, e ngại sự cố này có thể ảnh hưởng đến lịch trình chạy qua Cao Bằng và Hà Nội của mình. May mắn, anh đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của người dân địa phương và các lực lượng chức năng.

Anh chia sẻ: “Hà Giang quá đẹp, đẹp từ cảnh vật đến con người. Họ thân thiện, dễ thương. Họ sẵn sàng dành thời gian chỉ đường cho người lạ, họ chia sẻ những thông tin cần thiết cho mình đi sao cho an toàn nếu mình hỏi... Trong tôi lưu giữ nhiều kỷ niệm về họ lắm, từ chị bán hàng rong trên cao nguyên đá, ở homestay, trong những buổi chợ phiên...”.

Sau mỗi chuyến đi, trở về nhà, anh Duy An lại kể lại những kỷ niệm ấy cho bà xã nghe. Vì thế, không biết từ lúc nào, vợ của anh cũng muốn đến Hà Giang chiêm ngưỡng cảnh đẹp.

“Cô ấy muốn thử một lần và cô ấy “nghiện" Hà Giang rồi. Vì vợ tôi không thể ngồi xe máy được nguyên chặng đường Nam - Bắc nên cô ấy đã bay ra Hà Nội, sau đó, tôi đón vợ mình ở sân bay Nội Bài rồi chở đi khám phá. Hai vợ chồng đã có 10 ngày lang thang Đông Bắc, tận hưởng chút thu Hà Nội và ghé qua Ninh Bình trước khi về nhà”, anh Duy Anh bày tỏ.

Anh Duy An chụp hình kỷ niệm trên đường phượt Hà Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vì đã quen với việc di chuyển bằng xe máy nên mỗi chuyến đi của anh Duy An không gặp nhiều khó khăn. Trước khi đi, anh thường bảo dưỡng xe, chuẩn bị áo mưa bộ, bao bọc giày, quần áo phù hợp, dễ khô và thuốc cảm.

Anh Duy An chia sẻ: “Tôi sẽ quay lại Hà Giang sớm, nhưng nhất định chỉ đi bằng xe máy. Tôi đang lên kế hoạch, có thể là mùa vàng năm nay, vào tháng 9 và tháng 10. Tôi muốn quay lại Hoàng Su Phì và đi cung đường Du Già từ thành phố qua Mèo Vạc. Tôi muốn quay lại Khâu Vai và chinh phục dốc đá trắng trên Mã Pì Lèng - điều bản thân vẫn chưa làm được...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn