MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiết mục biểu diễn "Quê hương" của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn trong Chương trình mang âm nhạc đến các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 và 8 tại TP.Thủ Đức. Ảnh: NVCC

Âm nhạc chống đại dịch: Gắn kết và làm vơi nỗi âu lo

NGỌC DỦ LDO | 08/08/2021 15:16
Trong thời điểm cả nước cùng tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19, các nghệ sĩ Việt cũng không đứng ngoài cuộc. Họ ngoài việc đăng ký làm tình nguyện viên, đóng góp vật chất còn tham gia chống dịch bằng âm nhạc với các ca khúc ý nghĩa, giúp người ta xua tan nỗi âu lo.

Muôn màu âm nhạc chống dịch

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát lần 4, dù hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng nhưng các nghệ sĩ vẫn dùng âm nhạc tại gia để san sẻ, cổ vũ tinh thần chống dịch của người dân cả nước.

Nhiều ngày qua đã xuất hiện không ít MV của nghệ sĩ mang tính động viên người dân vượt qua dịch bệnh làm người xem xúc động, nghẹn ngào và khơi dậy tinh thần đoàn kết, san sẻ với nhau trong thời điểm khó khăn.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa chia sẻ sản phẩm âm nhạc mới mang tên "Sài Gòn yêu thương". Ca khúc được anh tự viết lời mới dựa trên nền nhạc "Tuổi hồng thơ ngây", với những ca từ ý nghĩa động viên khán giả trong những ngày dịch bệnh.

Do điều kiện giãn cách xã hội, Đàm Vĩnh Hưng tự tay thực hiện các khâu, từ chuẩn bị sân khấu, âm thanh, đặt máy quay để hoàn thiện sản phẩm. “Tính của tôi là phải làm ngay vì việc này quá ý nghĩa. Dù hình ảnh có thể không đẹp nhưng tôi tin ca khúc sẽ ‘chạm’ tới nhiều người vì chúng ta đã cần những điều nhẹ nhàng, tích cực như vậy”, nam ca sĩ chia sẻ. Anh mong mọi người - nhất là những đồng nghiệp của mình có thể tập trung lan tỏa những điều tích cực trên mạng xã hội. Bởi theo anh, đây cũng là một ‘liều vaccine’ tinh thần hữu hiệu ngay lúc này.

Dự án âm nhạc mới của Đàm Vĩnh Hưng nằm trong cuộc vận động "Chung một niềm tin chiến thắng" do Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM phát động. Sự kiện nhằm mang những tác phẩm văn học nghệ thuật tôn vinh lực lượng tuyến đầu và cổ vũ tinh thần phòng, chống dịch trong toàn dân.

Trong khi đó, NSƯT Việt Hoàn cũng thực hiện sản phẩm âm nhạc để dành tặng riêng cho những y, bác sĩ. Đoạn video được thực hiện thủ công với hình ảnh những thiên thần áo trắng làm việc miệt mài, tận tình trong khu cách ly. Hình ảnh họ ngả lưng, nằm gục trên sàn sau những giờ làm việc căng thẳng khiến khán giả xúc động.

Nam ca sĩ hát mộc cùng đàn guitar để truyền tải tinh thần lạc quan, tích cực đến mọi người thông qua ca khúc ''Bác sĩ ơi, nụ cười'' của nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Tinh thần nhiệt tình, hăng say của "Đội khử khuẩn di động phản ứng nhanh" chính là chất xúc tác, nguồn cảm hứng để MC Hoàng Sơn Giang - người điều phối đội - sáng tác nên ca khúc "Giận cô-vi", mong muốn người dân đồng lòng vượt qua đại dịch.

MC Hoàng Sơn Giang cũng là một trong những thành viên đông đảo của "Đội khử khuẩn di động phản ứng nhanh" do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (TPHCM) ra mắt và hoạt động từ ngày 6.7.2021.

"Các thành viên của đội đoàn kết, yêu thương nhau như một gia đình. Mình chấp bút viết ca khúc này chỉ trong vòng 3 tiếng. Sau đó hòa âm và lên ý tưởng cùng anh em trong đội thực hiện MV" - Hoàng Sơn Giang nói. "Giận cô -vi" có tiết tấu nhanh, vui tươi. Ca từ đơn giản, gần gũi, dễ thuộc nhưng không quá nặng tính tuyên truyền, dễ đi vào lòng người.

Tiết mục biểu diễn "Quê hương" của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn trong chương trình mang âm nhạc đến các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 và 8 tại TP.Thủ Đức (TPHCM) vừa qua (do MC Quỳnh Hoa, Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, khởi xướng) đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng về khả năng sẻ chia, vỗ về, xoa dịu của âm nhạc.

Hôm đó, chương trình có các giọng ca quen thuộc của đội tình nguyện viên nghệ sĩ: Phương Thanh, Quốc Đại, Nam Cường, Đăng Nguyên, Dương Ngọc Hà, MC Phùng Thế Phi, và có thêm sự góp mặt của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Ngọc Linh... Đó cũng là lần đầu tiên MC Quỳnh Hoa hát cùng ca sĩ Quốc Đại và có sự phối hợp với nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn.

Dưới các clip buổi diễn được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội, những bình luận để lại cũng đong đầy cảm xúc: “Tiếng kèn saxophone và bài 'Quê hương' thực sự chưa bao giờ hay và ý nghĩa đến thế, rưng rưng xúc động”; “Giữa tâm dịch căng thẳng, được nghe giai điệu quê hương, hy vọng mọi người giữ được cái tâm an lành và tin tưởng vào Chính phủ”.

Với nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, đó là buổi diễn mang lại cho anh sự xúc động lạ lẫm và đặc biệt nhất. Anh thổ lộ “đã từng biểu diễn không biết bao nhiêu sân khấu lớn nhỏ khác nhau trong cuộc đời hoạt động âm nhạc, nhưng có lẽ đó là một “sân khấu” đặc biệt nhất, với khán giả là hàng trăm y, bác sĩ, nhân viên y tế và hàng nghìn bệnh nhân F0. Những giây phút không thể nào quên!”.

Còn Phương Thanh cho biết mình chưa bao giờ vơi năng lượng khi cất tiếng hát. Cô đã tham gia biểu diễn 5 - 7 lần ở các bệnh viện dã chiến và hào hứng bày tỏ: Sẽ tiếp tục đồng hành để cổ vũ, ủng hộ tinh thần tuyến đầu chống dịch, chia sẻ động viên tinh thần cùng các bệnh nhân.

Âm nhạc và sức ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng

"Covid nhanh đi đi" được phát hành trên kênh YouTube K-ICM Official thời gian qua đã gây sốt. Được biết, đây là một bài hát mà Team ICM mong muốn được tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống sớm bình yên trở lại.

Lời ca giản dị, giai điệu dễ nhớ cùng một bản phối nhẹ nhàng, tươi vui tạo nên bài nhạc mang nhiều năng lượng tích cực, dễ dàng được cảm nhận và truyền tải đến khán giả. Hiện tại, một đoạn nhạc trong bài "Covid nhanh đi đi" đang chễm chệ trên trang chủ TikTok khi được kết hợp với vũ đạo do nghệ sĩ múa Trần Hoàng Yến dàn dựng. Những ngày qua, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng sử dụng giai điệu "Covid nhanh đi đi" kết hợp vũ đạo khiến ca khúc này trở thành một nguồn năng lượng tích cực phổ biến rộng rãi đến người xem

Sự lan tỏa của "Covid nhanh đi đi" cho thấy, trong thời điểm con người bị ảnh hưởng vì COVID-19, âm nhạc càng chứng tỏ sức mạnh và sự quan trọng của nó trong đời sống tinh thần. Nói cách khác, khi bị giới hạn trong ngôi nhà của mình, chúng ta thiếu sự hỗ trợ xã hội bình thường từ bạn bè và gia đình, cũng như quyền tự do kiểm soát cuộc sống hàng ngày, âm nhạc sẽ đóng vai trò cung cấp phương tiện để chúng ta giành lại quyền kiểm soát.

Âm nhạc còn tạo ra cảm giác thân thuộc. Khi đối mặt với sự bấp bênh và hoảng sợ, âm nhạc là liều thuốc giúp xoa dịu lo lắng, tăng cường kết nối cộng đồng và hành động bất chấp mối đe dọa của dịch bệnh.

Cùng với âm nhạc hiện đại, các tác giả âm nhạc truyền thống cũng mang những lời ca, tiếng hát bước vào cuộc chiến chống đại dịch. Nhiều tác giả đã đặt lời mới cho những làn điệu dân ca truyền thống nhằm tạo sự gần gũi, góp phần tuyên truyền đẩy lùi dịch COVID-19, như hát chèo "Chiếc khẩu trang nghĩa tình" của Hoàng Thị Dư, hát xẩm "Tiêu diệt Corona" của Nguyễn Quang Long, "Thiết tha lời Then chống dịch", "Covid lịch sử", "Lời Then đuổi giặc Encovy", "Đẩy lùi Covid đi xa" và "Mười thương chống dịch" của Mai Văn Lạng... Điều này cho thấy âm nhạc thời chống dịch không có giới hạn, không có bó buộc trong một thể loại nhất định.

Bởi cái chung của các ca khúc trên đều mang tinh thần chống dịch, cổ vũ người ta sống lạc quan, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Tiếp nối thành công từ hoạt động xuất bản tuyển tập ca khúc “Niềm tin” và chương trình hòa nhạc trực tuyến cùng tên về chủ đề phòng, chống dịch tổ chức năm 2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tiếp tục vận động các nhạc sĩ, nghệ sĩ, hội viên sáng tác các tác phẩm âm nhạc về chủ đề này.

Theo đó, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, hội viên sáng tác những tác phẩm có nội dung cổ vũ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; kêu gọi cộng đồng nêu cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ các quy định, đoàn kết, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19... Tác phẩm gửi theo địa chỉ email vanphonghoinhacsivietnam@gmail.com. Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ phối hợp với Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và một số đơn vị nghệ thuật tuyển chọn tác phẩm chất lượng để dàn dựng, thu thanh và phổ biến đến công chúng, góp phần vào công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bằng âm nhạc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn