MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc đường phố ở New York

Âm nhạc đường phố New York

NGUYỄN MINH QUÂN LDO | 04/11/2016 14:20
Gã rất thong thả buộc cái dây đai trống vào lưng, không vội vàng, sắp xếp lại mấy cái trống to nhỏ trước mặt, cẩn thận chọn lựa một tư thế ngồi thật thoải mái, không liếc dòng người qua lại tấp nập trên ga tàu điện ngầm xung quanh lấy một lần.

Tay gã bắt đầu múa lên trên mặt trống, chân giậm, lắc lư lắc lư, thản nhiên chơi, không quan tâm ai đang đứng nghe, cũng chẳng thèm ngó nhìn cái mũ đựng tiền vứt trước mặt.

Khi ấy là 9 giờ sáng ở ga tàu điện ngầm Grand Central, New York. Gã đánh trống đó là một trong vô số nghệ sĩ đường phố chơi nhạc hàng ngày trên đường và ga tàu điện ngầm chằng chịt trong lòng đất New York. Một du học sinh ngành Hoa Kỳ Học ở đây nói với tôi: “Âm nhạc đường phố là một trong những điểm thú vị nhất của New York”.

Những nghệ sĩ đường phố

Sau chuyến bay dài, tôi đến New York vào một ngày mùa thu, một mùa rất đẹp với bầu trời trong vắt và lá vàng rơi trong công viên Trung tâm. Tôi gặp âm nhạc nhiều nơi trên đường phố New York. Ở ga tàu điện ngầm có gã da đen ngồi đánh trống. Lên tàu tôi thấy nhóm Mexico ria mép dài vẩy ghita. Góc phố là cây violin đang kéo ca khúc của Beatles.

Họ đang biểu diễn, biểu diễn chứ không phải chỉ đánh đàn xin tiền khách qua đường. Họ luôn đánh chỉn chu cả bài hát. Tôi thấy họ vẫn điềm nhiên say sưa chơi cả khi không ai đứng nghe.

Nhạc thì đủ thể loại, nhạc cổ điển, nhạc pop, hiphop, jazz, flamenco, cả opera, cả những thể loại mà tôi không biết gọi là gì. Ví dụ như cô gái đội mũ phù thủy kia đang chơi nhạc bằng một cái cưa. Sau này tôi mới biết, cô gái đó được mệnh danh là Saw Lady (Quý cô cầm cưa).Cô theo đuổi một dòng nhạc gọi là Musical Saw (Âm nhạc bằng cưa), đã từng biểu diễn cùng các dàn nhạc lớn như Israel Philharmonic, Westchester Philharmonic, Royal Air Moroccan. Hộp đựng tiền thưởng của cô nhận được cả hoa hồng, gấu bông hay có lần là một cuốn tiểu thuyết còn nguyên bao bọc. Nghề của cô là biểu diễn đường phố.

Đối với đa số người dân New York, biểu diễn đường phố được coi là một nghề. Một nghề rất tự do. Theo luật, bất kỳ ai cũng có quyền tự do chơi nhạc dưới ga tàu điện ngầm, trên phố hay trong công viên và nhận tiền thưởng của khách đi đường.

Chính vì tự do như vậy nên đường phố và ga tàu điện ngầm như những chỗ đón nhận tất cả những tâm hồn phiêu bạt, những người sa cơ lỡ vận, những nghệ sĩ có tài nhưng không có việc, những kẻ đam mê. Một người Hoa kéo nhị không nói được tiếng Anh, một tay guitar bass điên cuồng, một cô gái Nga viết nhạc và chơi đàn trên đường từ tuổi chưa lên 10.

“Khi mới sang Mỹ, tôi làm một công nhân đóng hàng. Công việc quá vất vả, thế là tôi bỏ” - Lupita, vũ công người Colombia nói khi anh bỏ việc, gia nhập đội quân đường phố.

Trên vỉa hè đường Broadway, Larry Wright cởi trần, người đen nhánh bóng loáng mồ hôi, hai tay cơ bắp nổi cuồn cuộn gõ liên hồi kỳ trận lên đống xô nhựa trước mặt trong những tiếng la lên tán thưởng của đám đông vây xung quanh. Larry Wright không bỏ việc, bởi công việc của anh là ở đây, anh đã biểu diễn trên các con phố New York từ hồi lên 5. Anh gặp vợ khi đang biểu diễn trên đường và bây giờ ngày ngày anh dùng xô nhựa làm trống đệm nhạc cho 3 cô con gái 4, 6, và 7 tuổi nhảy, thêm cả vợ nữa, tất cả vẫn trên đường.

Trung bình mỗi hôm gia đình anh kiếm được 300USD, một khoản không hề tồi so với mức thu nhập trung bình 55.000USD/năm của New York. 300USD là một số tiền không phải dễ dàng kiếm được. Các nghệ sĩ đường phố cũng phải lao động cật lực, biểu diễn liên tục nhiều giờ mỗi ngày như lời của Roger G, một diễn viên kịch câm đường phố: “Càng chăm chỉ, cuộc sống càng tốt đẹp hơn”. Mỗi khi ga tàu điện ngầm vắng khách, Lupita lại cởi áo ra vắt mồ hôi như vắt chiếc khăn vừa mới giặt.

Và thách thức trên đường

Là nơi quy tụ đủ mọi tâm hồn trên đời, sự đa dạng trong cộng đồng đã biến thành sự cạnh tranh quyết liệt. Để lấy được tiền thưởng từ khách đi đường, các tâm hồn phải rất sáng tạo. 

Một người ở New York từng nói: “New York luôn có ý tưởng mới mỗi ngày, và mọi ý tưởng đều có thể được mang ra đường”. Người ta có thể thấy ban nhạc một người, chân giậm trống, tay đệm guitar, miệng vừa hát vừa thổi kèn. Lupita khiêu vũ cùng búp bê. Larry Wright gõ xô nhựa và gõ vào bất kỳ cái gì xung quanh anh để tạo nên nhịp điệu.

Terry Wicks bỏ việc không phải vì công việc quá vất vả như Lupita, thậm chí anh còn là một kỹ sư khá thành đạt và có một cuộc sống ổn định với gia đình ở St. Louis nhưng anh nói: “Tôi không hạnh phúc với cuộc sống này”, rồi từ bỏ tất cả, lên New York để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc.

Lời khuyên anh nhận được khi lên New York là hãy chơi nhạc trên đường: “Đường phố là nơi dạy cho người ta chơi nhạc bằng cả trái tim. Muốn tồn tại, anh phải học cách chạm được vào tâm hồn người nghe”.

Đúng. Biểu diễn đường phố không hề dễ. Hành khách ra đường hay xuống tàu điện ngầm không phải để xem biểu diễn, họ đi làm. Mỗi nghệ sĩ chỉ có một vài chục giây rất ngắn để gây ấn tượng với khách ngang đường trước khi biến họ trở thành khán giả. Và mỗi khán giả này cũng chỉ đứng nghe một, hai bài mà thôi. Nếu bạn không lay động được trái tim họ, bạn sẽ không có tiền. Nếu bạn làm được, bạn sẽ được thưởng nhiều hơn chỉ là tiền. “Khi tôi thấy tôi là người mang lại nụ cười cho tất cả mọi người, từ 1 tuổi cho tới 100, người Mỹ, người Hoa, người Nhật, tất cả mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Tôi vô cùng tự hào” - Lupita nói thế.

Dọc theo hàng người xếp hàng, lúc nào cũng dài dằng dặc cả kilomet để ra thăm tượng Nữ thần Tự do, cứ cách vài chục bước chân lại là một nhạc công đang chơi nhạc. Một tay kèn hỏi tôi: “Where are you from?”. Tôi trả lời: “I’m from Vietnam”. Tay đó cầm kèn lên: “Đoàn quân Việt Nam đi...”. Tôi đứng nghiêm. Được nghe Quốc ca do một nghệ sĩ Mỹ biểu diễn giữa một hàng dài người đủ mọi quốc tịch dưới chân tượng Nữ thần Tự do, đâu dễ có.

Tôi đã đi nhiều thành phố. Tôi thấy những thành phố văn hóa đều có âm nhạc đường phố. Các nhạc công đánh nhạc khắp khu phố cổ Plaka ở Athens, Hy Lạp. Người ta thổi kèn dọc trên đường Tel Aviv, Israel. Tôi còn nhảy theo tiếng nhạc của họ giữa đường. Các nghệ sĩ cho rằng, âm nhạc đường phố không chỉ làm đa sắc thái cho đường phố mà còn cải thiện mối quan hệ trong cộng đồng. Còn ở Hà Nội, trong một dự án “Âm nhạc cho cộng đồng”, những chàng trai trẻ người Úc chơi đàn bên Hồ Gươm, hôm sau trên báo có tít: “Tây xin tiền ngay Bờ Hồ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn