MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình nguyện viên nhiệt tình, niềm nở với tất cả người đến nhận quà là các suất gạo từ "ATM gạo" Đà Nẵng. Ảnh: Thuỳ Trang

ATM gạo - món quà tặng người khó chứ không chỉ người nghèo

Thuỳ Trang LDO | 30/04/2020 06:00
“Bất kỳ ai cần đều có thể đến nhận gạo” là tiêu chí của 2 địa điểm “ATM gạo” đang được đặt tại TP.Đà Nẵng. Không có sự phân biệt người đi xe ga hay xe số, trẻ con hay người lớn, ai đến với “ATM gạo” đều được nhận gạo hỗ trợ trong sự niềm nở, nhiệt tình của các tình nguyện viên. Bởi, ban tổ chức, những nhà hảo tâm xem đó là “món quà” chứ không phải là một chương trình từ thiện, mà đã là quà thì cả người cho và người nhận đều phải vui.

Món quà cho người cần

Trong tháng 4, đã có 2 điểm “ATM gạo” do giảng viên trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng và Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng phát động đã đi vào hoạt động nhằm hỗ trợ những người cần, đang gặp khó khăn giữa dịch bệnh. Đáng nói, điểm chung của cả hai nơi phát gạo này là không chỉ hỗ trợ cho người nghèo, mà còn dành cho bất kì ai cần. Ông Nguyễn Hồng Cường - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng  - nhấn mạnh, ngay từ đầu, mục tiêu của chương trình đưa ra là không phải làm từ thiện, không chỉ hướng đến giúp đỡ người nghèo.

“Phần lớn các khoản kinh phí thực hiện chương trình là do các anh chị em doanh nghiệp Đà Nẵng quyên góp, ủng hộ. Mặc dù tình hình kinh tế, sản xuất, kinh doanh hiện nay của tất cả doanh nghiệp đều gặp khó khăn nhưng khi cộng đồng cần hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ. Và đây không phải là chương trình làm từ thiện, chúng tôi xem những suất gạo như món quà gửi đến bà con đang gặp khó khăn, đang cần giúp đỡ. Người nghèo chắc chắc là khó khăn rồi nhưng giữa lúc dịch bệnh như thế này, từ anh chạy xe ôm công nghệ đến người lao động đang bị mất việc cũng cần được giúp đỡ từng bữa ăn” - ông Cường nói.

Chính vì vậy, đến với “ATM gạo” của Đà Nẵng, người dân bất kể là ai cũng được chào đón nồng nhiệt bởi anh giữ xe miễn phí, các bạn tình nguyện viên. Thậm chí, nhiều người ngại không vào còn bị giục: “Cô chú vào nhận gạo đi, ai cũng được cả, không phải ngại”. Thêm nữa, “ATM gạo” Đà Nẵng cũng không phân biệt người đến nhận gạo đi xe số hay tay ga, là người lớn hay trẻ nhỏ, từng suất gạo là từng món quà vẫn được trao tận tay với những nụ cười niềm nở.

Cùng chung mục tiêu đó, trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng xác định ngay từ đầu, không từ chối bất kỳ trường hợp người dân nào đến nhận gạo. Thầy Nguyễn Duy Quang - Phó Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Chúng tôi có nhắc bà con chỉ nên nhận một suất một ngày để các phần gạo có thể được chia đều cho nhiều người. Việc kiểm soát đó chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện, còn bất kì ai đến chúng tôi đều cũng gửi tặng như nhau. Thật ra, chỉ có người cần, thật sự cần mới có thể kiên nhẫn xếp hàng đợi nhận gạo, chúng ta gửi tặng phải bằng sự tôn trọng, đừng làm ai buồn khi họ đang gặp khó hăn. Còn "ATM gạo" thì sẽ chạy đến khi nào hết gạo thì thôi”.

“ATM gạo” Đà Nẵng mong muốn giúp người cần, người gặp khó trong thời điểm dịch bệnh chứ không chỉ là người nghèo. Ảnh: Thuỳ Trang

Cho đi là nhận lại

Ông Cường chia sẻ thêm, đến thời điểm này “ATM gạo” của Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 150 tấn gạo, 170 triệu đồng tiền mặt. Trung bình mỗi ngày “ATM gạo” gửi tặng 3.000 suất quà cho bà con. “Thực hiện chương trình này, chính chúng tôi cũng nhận được rất nhiều thứ, đó là nhận ra giữa lúa khó khăn, mọi người đều chung tay đồng lòng. Có những cán bộ nhà nước đã lặng lẽ gửi những khoản đóng góp mà không muốn ra mặt, có những cơ quan đã dành một ngày lương của cán bộ, công chức, viên chức để góp thêm từng kí gạo cho chương trình. Tấm lòng họ rộng mở như vậy mà mình là người thay mặt gửi quà đến cho bà con thì mình phải làm sao cho tốt, đừng phụ lòng của cả người cho và người nhận” - ông Cường nói.

Đón nhận món quà là những suất gạo, quả trứng, chai dầu ăn, ông Nguyễn Hoàng - người dân quận Ngũ Hành Sơn - cho hay, gia đình ông là hộ nghèo, neo đơn, tiền sinh hoạt đều dựa vào việc bán rau. Vậy nhưng từ khi có dịch bệnh, người mua ít đi, rau bán rẻ hơn nên được nhận quà từ các thầy cô nhà trường, ông Hoàng liên tục cúi chào cảm ơn các bạn trẻ. “Với những người khó khăn thì không biết nhận bao nhiêu là đủ nhưng có được vài kí gạo lúc này với người dân là quý lắm. Thấy tôi lớn tuổi, các bạn trẻ còn đưa lên trên để ưu tiên nhận trước. Ban đầu, tôi còn ngại vì sợ người ta kiểm tra hoàn cảnh mình nhưng thấy các cháu nhiệt tình nên vừa vui vừa cảm động” - bà Ba cười nói.

Còn với các bạn tình nguyện viên, “được gửi tặng mà không phải phân biệt ai nghèo hay không khiến chúng tôi rất thoải mái. Đúng là cũng có những trường hợp tôi nghĩ họ không khó khăn mấy. Hoặc có cả nhà đi nhiều người quá, tôi chỉ nhắc khéo, mỗi gia đình một suất quà anh chị nhé. Người tự trọng họ sẽ hiểu ý thôi. Mình đừng hoài nghi mà thành ra soi mói, mọi người đều vui là tốt rồi” - bạn Trường Hoài Liên, một tình nguyện viên, chia sẻ. Quả thật, giữa những sảnh đợi nhận quà tại “ATM gạo” Đà Nẵng chỉ có mời lời, những cô chú bán ve chai đến anh xe ôm công nghệ sau phút ngần ngại cũng nở nụ cười, lời đáp ơn, lời hẹn “mai cô chú cần thì lại đến nhé” khiến ai cũng ấm lòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn