MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lâu đài Himeji ở Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Thiện Nhân

Bài học trong trùng tu, bảo tồn biệt thự Pháp cổ

Nguyễn Thiện Nhân LDO | 23/04/2023 13:47
Những năm gần đây, kinh tế phát triển, nguồn lực dành cho tôn tạo, bảo tồn, trùng tu di tích cũng được nhiều cơ quan từ Trung ương tới địa phương quan tâm, tạo điều kiện. Tuy nhiên, năm nào chúng ta cũng có thể bắt gặp những câu chuyện gây tranh cãi như “trùng tu biệt thự Pháp”, gây xôn xao dư luận.

Biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội: Một nguồn tài nguyên văn hóa

Những biệt thự Pháp tại Hà Nội là những di tích lịch sử, hình thành nên nguồn tài nguyên văn hóa, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước. Vậy di tích là gì? Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) cho biết: Các di tích lịch sử của các thế hệ con người, thấm đượm một thông điệp từ thời quá khứ, đến ngày nay còn như nhân chứng sống của những truyền thống lâu đời cổ xưa. Khái niệm di tích lịch sử không những chỉ một công trình đơn lẻ mà còn chỉ cả những khung cảnh đô thị hoặc nông thôn có chứng tích một nền văn minh riêng, một phát triển có ý nghĩa hoặc một sự kiện lịch sử. Khái niệm này không những áp dụng với các công trình nghệ thuật to lớn mà còn áp dụng cả với những công trình khiêm tốn hơn, vốn đã cùng thời gian, thâu nạp được một ý nghĩa văn hóa.

Kiến trúc là hiện trường của lịch sử, mà nó không thể tái sinh, vì chỉ nó là duy nhất. Di tích kiến trúc ở nước ta hiện tồn tại đến ngày nay không còn  nhiều so với những điều mà chúng ta biết được qua tư liệu sử sách. Thiền Uyển Tập Anh từng phác thảo rằng chỉ riêng thành Thăng Long đã có 72 ngôi chùa lớn từng tồn tại, hay Tam tổ thực lục có tới 147 ngôi chùa thời Lý - Trần mà nay tại những địa chỉ và di tích đó chỉ còn vài ngôi chùa. Phần nhiều di tích kiến trúc đã bị hủy hoại hoàn toàn, rất ít công trình kiến trúc có niên đại sớm ở nước ta từ thế kỉ XIV, XV còn hiện hữu như chùa Thái Lạc, Chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội). Do đó, biệt thự Pháp cổ được xây dựng cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX có thể coi là một loại hình di sản kiến trúc, một nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. 

Chỉ khi tìm đến di tích các ngôi biệt thự Pháp cổ này, người ta mới có cảm xúc trực tiếp thông qua việc xem xét hiện trường, mới gần gũi cảm thụ cảnh vật. Thời gian và không gian xung quanh những ngôi biệt thự Pháp cổ là một thể thống nhất, là cái có thể nhận biết bằng cảm xúc. Quả là không sai khi cho rằng, đứng trước những ngôi biệt thự này là để suy tưởng hình ảnh của lịch sử biến thiên thông qua thời gian. Nó cung cấp cho ta tính tưởng tượng, sự liên tưởng kì diệu vượt qua rất nhiều cái trước mắt chỉ là những tòa kiến trúc bằng gạch.

Ngôi biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cơ bản hoàn thành các hạng mục lớn sau 1 năm trùng tu. Ảnh: Minh Quân

Trùng tu, bảo tồn nguyên trạng di tích lịch sử: Vấn đề pháp lí

Sau chiến tranh thế giới thứ II, vấn đề bảo tồn di tích lịch sử văn hóa được cộng đồng thế giới đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều nguyên tắc và phương pháp bảo tồn di tích được phản ánh trong nhiều hiến chương, công ước như Hiến chương Athens về trùng tu di tích lịch sử (1931); Hiến chương Quốc tế về Bảo tồn, trùng tu Di tích và Di chỉ (1964) được thông qua tại Đại hội Quốc tế lần thứ hai các kiến trúc sư và kĩ thuật gia về di tích lịch sử diễn ra tại Venice, Italia... Trên cơ sở Hiến chương Venice, nhiều hiến chương tiếp theo đã bổ sung và mở rộng như Hiến chương về bảo vệ thành phố và khu vực đô thị lịch sử (thường được gọi là Hiến chương Washington, 1987); Văn kiện Nara (Nhật Bản) về tính xác thực (1994); Nguyên tắc bảo tồn các kiến trúc lịch sử bằng gỗ (1999)...

 Hiến chương Venice nhận định: Nhân loại ngày càng ý thức rõ ràng tính thống nhất của các giá trị con người và coi các di tích như một di sản chung. Con người tự nhận thức có trách nhiệm chung phải gìn giữ bảo vệ các di tích đó. Bổn phận của chúng ta ngày nay là phải chuyển giao cho các thế hệ mai sau muôn ngàn di tích đó với đầy đủ vẻ rực rỡ huy hoàng đích thực của chúng. Mục đích của bảo tồn, trùng tu trước hết là duy trì, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của di tích. Do đó, trong trùng tu cần bảo tồn tối đa các thành phần nguyên gốc và tính chân xác của di tích.

Trong trường hợp, những ngôi biệt thự Pháp, có lẽ phương pháp phục nguyên hiện trạng là phù hợp nhất khi chúng ta có trong tay rất nhiều bức ảnh, bản vẽ thiết kế của những tòa nhà này. Phương pháp phục nguyên hiện trạng là việc triển khai khôi phục diện mạo ban đầu mà hiện vật được đặc định trong bối cảnh, tức là việc đưa những hiện vật trở về vị trí của nó. Những hiện vật này là bộ phận hữu cơ của di tích, nó có quan hệ nội tại với bối cảnh của di tích, chính mối quan hệ đó mới có khả năng phản ánh chân thực các giá trị lịch sử, nghệ thuật và khoa học. Đưa hiện vật trở về vị trí của nó, tức là theo vị trí ban đầu, xếp đặt lại trạng thái tĩnh, khiến di tích khôi phục được tính hoàn chỉnh trong quan hệ không gian của di tích, đưa lại cảm xúc chân thực mạnh mẽ.

Có ba phương pháp phục nguyên nguyên trạng di tích, bao gồm phục nguyên hiện trường, phục nguyên diện mạo và phục nguyên bộ phận. Dù các ngôi biệt thự Pháp cổ có áp dụng phương pháp phục dựng nguyên trạng di tích nào thì việc những ngôi biệt thự này có diện mạo thực tại và diện mạo lịch sử không khác xa nhau bao nhiêu, tất cả đều phải tuân theo nguyên tắc không làm tổn hại, không làm thay đổi nguyên trạng của các kiến trúc.

Lâu đài Himeji là một ví dụ điển hình cho sự thành công của Nhật Bản trong việc trùng tu tôn tạo di tích. Ảnh: Nguyễn Thiện Nhân

Trông người để ngẫm đến ta

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm bảo tồn và trùng tu di sản từ Nhật Bản, một trong những quốc gia có kinh nghiệm, thành công trong việc này. Việc trùng tu các di tích lịch sử ở Nhật Bản là công việc quan trọng và tốn nhiều thời gian, với sự huy động của nhiều thợ thủ công truyền thống, cũng như việc hạn chế sử dụng công nghệ hiện đại.

Ở Nhật Bản, các di tích lịch sử thường có các quy định và hướng dẫn cụ thể về cách bảo vệ, sửa chữa và trùng tu. Những người thực hiện công việc trùng tu sẽ tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo tồn di tích. Trong hàng thập kỉ, Hiệp hội Bảo tồn Di tích Kiến trúc Nhật Bản vẫn giữ các hồ sơ và nghiên cứu về các tòa nhà được tu bổ trên toàn quốc. Điều này giúp cho việc kiểm tra, tư vấn, tháo dỡ, sửa chữa và lắp ráp lại trở nên dễ tiếp cận hơn cho những thế hệ sau.

Sử dụng các vật liệu và kĩ thuật truyền thống trong việc trùng tu, tôn tạo di tích, đảm bảo di tích giữ được nét đặc trưng, tiêu biểu mà không làm thay đổi quá nhiều. Để đạt được điều này, Chính phủ Nhật đã sửa đổi Luật Bảo vệ tài sản văn hóa năm 1950 - 1975, bao gồm các chính sách hỗ trợ nghề thủ công truyền thống, từ nghề làm chiếu, ngói lợp cho nhà truyền thống, nghề mộc truyền thống cho đến các kĩ năng trang trí thủ công. Chính phủ cung cấp các khoản tài trợ và hỗ trợ đào tạo những người học nghề, đảm bảo các kĩ năng nghề cổ xưa không bị mất đi. Đồng thời, trong các dự án trùng tu, tôn tạo, việc tìm kiếm những người có kinh nghiệm trong việc trùng tu di tích lịch sử là rất quan trọng. Những người này đã có kinh nghiệm trong làm việc với các di tích cổ cũng như có kiến thức về các kĩ thuật và vật liệu truyền thống, sẽ giúp ích cho việc phục dựng nguyên trạng di tích tại Nhật Bản.

Lâu đài Himeji là một ví dụ điển hình cho thành công trong việc trùng tu di tích tại Nhật Bản. Lâu đài Himeji được xem là biểu tượng của Nhật Bản và là một trong những Di sản Thế giới đầu tiên của nước này được UNESCO công nhận. Năm 2010, Ban quản lí lâu đài đã đóng cửa 5 năm để trùng tu và tôn tạo. Lâu đài Himeji mở cửa trở lại vào tháng 5.2015 và được coi là ví dụ điển hình về sự kết hợp giữa kĩ năng trùng tu hiện đại và truyền thống. Toàn bộ 80.000 viên ngói đã được tháo dỡ, trong đó 80% được làm sạch và đặt lại vị trí cũ, trong khi khoảng 16.000 viên được thay mới hoàn toàn. Các bức tường bên ngoài đã được sửa chữa và thay thế, đồng thời sơn lại mà vẫn giữ được sự cổ kính của di tích.

Du khách không thể nhận ra sự khác biệt lớn giữa lâu đài trước và sau khi trùng tu, tôn tạo.

Hơn lúc nào hết, khi đất nước đang bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc được đặt ra nhiều câu hỏi và cần một đáp án chính xác. Hàng ngày, thường thấy các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, nào là, ở đâu đó đã “biến một di tích trăm tuổi thành di tích một tuổi”, hay ở di tích khác là “phục hồi một kiến trúc bằng những vật liệu mới”...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn