MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh Tuyền cảm thấy hạnh phúc vì sản phẩm âm nhạc của mình được mọi người đón nhận. Ảnh: NVCC

Bản gốc luôn là “tượng đài” trong quá trình sáng tác

Hương Mai (thực hiện) LDO | 24/04/2022 08:29

Cô gái nhạc chế Đặng Thanh Tuyền không còn là cái tên xa lạ trên mạng xã hội. Bà mẹ 8x từng gây chú ý cộng đồng mạnh với nhiều bản nhạc chế nghe hấp dẫn như "Người tình rượu bia" (chế từ "Người tình mùa đông"), "Bán hàng online" (chế từ "Duyên phận"), "Em gái bầu" (chế tư "Em gái mưa")... Và mới đây nhất, ca khúc “Anh có thể đừng rời xa em được không?” của Thanh Tuyền đã nhận về lượt tương tác khủng trên mạng xã hội.

PV Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với Thanh Tuyền để hiểu thêm về công việc sáng tác của cô.

Xin chào Thanh Tuyền! Hiện nay bản nhạc Hoa lời Việt “Anh có thể đừng rời xa em được không” của chị đang thịnh hành trên tiktok với hơn 8,2 triệu lượt xem và được nhiều người nổi tiếng sử dụng làm nhạc nền để quay video như là diễn viên Thu Trang - Tiến Luật, diễn viên Lan Phương, Nhật Kim Anh,... Chị có thể chia sẻ về quá trình sáng tác ca khúc này được không?

- Bài hát “Anh có thể đừng rời xa em được không” được mình sáng tác rất tình cờ. Có lần lướt tiktok, thấy ca khúc này được thể hiện bởi một chị ca sĩ người Trung Quốc, dù chỉ là một đoạn ngắn nhưng mình đã rất ấn tượng. Bài hát rất hay, từ giai điệu đến ca từ đều lôi cuốn. Lúc đó, mình rất muốn cover lại, tuy nhiên vì không biết tiếng Trung nên đã “chuyển ngữ” sang tiếng Việt để có thể hát được. 

Mình sáng tác phần lời này chỉ trong 1 buổi tối, sau đó, ngay ngày hôm sau đã đi thu âm luôn vì quá thích. Thực ra lúc đầu, mình chỉ muốn thỏa mãn sở thích của bản thân, nhưng sau đó nghĩ biết đâu có nhiều bạn khác cũng muốn cover lại như mình nên đã đăng lên Tiktok và YouTube. Mình cũng khá bất ngờ khi bài hát lại được nhiều người yêu thích và sử dụng làm nhạc nền như vậy. Vui nhất là khi thấy mấy anh chị nghệ sĩ cũng nghe và quay video với bài hát của mình. Nhờ đó, bài hát được lan tỏa và có thêm nhiều người biết tới.

Các sản phẩm của chị đều nhận được những phản hồi tích cực từ những thính giả nghe nhạc. Qua mỗi sản phẩm âm nhạc, chị luôn cố gắng diễn đạt sát nghĩa của ca khúc gốc nhất có thể. Trong quá  trình “chuyển ngữ”, chị đã gặp những khó khăn nào?

- Mình cố gắng viết sát nghĩa gốc nhất có thể. Và khi bắt tay vào làm mới thấy rằng đó là một thử thách không hề dễ. Với mình, “chuyển ngữ” là phải làm sao dịch được ngôn ngữ tiếng Trung sang tiếng Việt, ca từ khớp giai điệu, đủ ý, mà vẫn phải gieo vần sao cho êm tai, hấp dẫn. Thực sự khó. Có những đoạn, những câu, mình băn khoăn suy nghĩ mất khá nhiều đêm để “lựa chọn” và “chấp nhận” việc sẽ chọn ca từ nào để đưa vào bài hát.

Mình muốn những khán giả thường nghe những bài hát gốc có cảm giác “quen thuộc” và dù là với ngôn ngữ nào thì ý nghĩa nguyên bản của bài hát vẫn được giữ lại. 

Để sản xuất ra một sản phẩm nhạc chế không phải đơn giản vì người sáng tác phải tìm cách để ca khúc thoát khỏi cái bóng của bản nhạc gốc. Và làm thế nào để sản phẩm nhạc chế trở nên phổ biến, được nhiều người yêu thích thì lại càng khó hơn. Điều gì truyền cảm hứng cho chị khi chị phổ lại lời cho những ca khúc đó?

- Mình nghĩ bản gốc luôn là “tượng đài”. Bởi vì với mình, bản đó phải hay đến thế nào mới có sức hút và thôi thúc mình làm một bản chuyển ngữ như thế. Vậy nên, mình không hy vọng nó “thoát” được cái bóng của bản gốc, chỉ là khi những người yêu thích bài hát đó, nếu như muốn nghe và cover bằng tiếng Việt thì sẽ có thêm một lựa chọn, giống như mình. 

Đúng là việc sản xuất một sản phẩm âm nhạc không đơn giản, mất rất nhiều công sức cũng như chi phí. Nhưng trước hết, mình làm để thỏa mãn sở thích cá nhân. Còn nếu may mắn được nhiều người ủng hộ thì quá tốt. Giờ một sản phẩm được phổ biến hay không phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, nhưng muốn được yêu thích thì ngay bản thân bài hát đó phải hay, có giá trị. Phần âm thanh, hình ảnh phải hài hòa, hấp dẫn, và tất nhiên có vai trò không nhỏ của truyền thông cộng thêm chút may mắn nữa.

Bên cạnh những lời khen, góp ý mang tính chất xây dựng nhiều người tỏ ra không thích việc chỉ dịch những ca khúc nhạc Hoa sang tiếng Việt, chị nghĩ sao về những ý kiến này từ cộng đồng mạng?

- Mình thấy ý kiến khen chê là bình thường, nhất là việc sử dụng mạng xã hội phổ biến như hiện nay. Mỗi người đều có quyền lên tiếng về cảm nhận cá nhân của mình. Có một số người thích, và cũng có những người không thích. Mình đang tập quen với việc ghi nhận những comment góp ý tích cực và bỏ qua một số nhận xét kiểu “toxic”.

Một khi khán giả đã hiểu và có cùng góc nhìn với mình thì sẽ có những cảm nhận chung, còn với những quan điểm trái chiều thì cũng không cần tranh cãi nhiều, vì khác góc nhìn thì khó mà có thể hiểu và thông cảm với nhau được. Ngoài thực tế hay trên mạng xã hội cũng thế. Chỉ có điều, trên không gian ảo, người ta thường có xu hướng dễ dàng đưa ra bình luận khen/chê hơn mà thôi. 

Nói thêm một chút, ngoài việc chuyển ngữ bài hát nhạc Hoa sang tiếng Việt, mình cũng có sáng tác một số ca khúc mới, cả giai điệu và ca từ. Nếu như theo dõi mình, thì từ 2 năm trước, mình đã phát hành một số ca khúc như: "Đám cưới đi em", "Người đàn bà cũ", "Hạnh phúc giả vờ", "Giới hạn"... Và sắp tới, mình cũng ấp ủ một vài ca khúc khác, hy vọng sớm được “khoe” với khán giả.

Nếu như trước đây, nhạc chế chỉ là những phiên bản lời hát được viết dựa trên nền nhạc và giai điệu của ca khúc gốc, thì giờ đây, sản phẩm nhạc chế đã được đầu tư công phu hơn rất nhiều, sản xuất không thua kém một MV chuyên nghiệp. Chị nhận xét sao về làn sóng này?

- Mình nghĩ là xuất phát từ nhu cầu của chính người nghệ sĩ và khán giả thôi. Không thể phủ nhận là nhạc ngoại, đặc biệt là nhạc Hoa được khán giả Việt rất yêu thích. Giai điệu hay, lời hát ý nghĩa nên những bài hát đó có chỗ đứng trong lòng người nghe. Hàng tuần, hàng tháng vẫn có rất nhiều ca khúc hot ra đời và được mọi người tìm kiếm rất nhiều.

Nắm bắt được nhu cầu đó, các nhạc sĩ, ca sĩ đã sản xuất những MV lời Việt để phục vụ khán giả. Điều đó làm phong phú thêm đời sống âm nhạc của mọi người và cũng tạo ra xu hướng, niềm cảm hứng cho việc sáng tác những ca khúc chính thống. Khán giả có thêm lựa chọn nghe gì, và nghệ sĩ cũng có thêm trải nghiệm phục vụ khán giả. 

Theo chị, điều gì khiến sản phẩm nhạc chế thu hút khán giả cũng như mang về lượt xem khủng, từ triệu “view” cho đến trăm triệu “view”, một con số mà nhiều nghệ sĩ mơ ước?

- Đúng là hiện tại nhiều ca khúc Việt hóa có lượng người xem rất khủng. Đầu tiên mình nghĩ do bản thân ca khúc gốc được yêu mến, giai điệu đã hay sẵn rồi. Sau đó, ca sĩ, nhạc sĩ hát bằng ngôn ngữ Việt làm cho khán giả dễ hiểu, dễ “cảm” được hơn, nên họ tìm nghe rất nhiều. Hiện nay, mạng xã hội cũng giúp cho các bài hát dễ lan tỏa và viral hơn so với trước đây.

Vấn đề bản quyền cũng luôn được nhắc đến trong các sản phẩm nhạc chế. Có tới hàng nghìn bản nhạc chế đang tràn lan trên mạng xã hội, thế nhưng không phải bài hát nào cũng được sự đồng ý từ tác giả của ca khúc gốc. Chị nghĩ sao về điều này?

- Đứng ở góc độ tác giả, nếu như ca khúc của mình được đặt lời mới với ý nghĩa giữ được bản gốc thì cũng có thể là tín hiệu mừng khi bài hát có sức sống, sức lan tỏa vươn xa. Tuy nhiên, nếu như các ca từ lại có những ý nghĩa xuyên tạc hay thô tục thì rõ ràng là khó có thể chấp nhận được. Việc bản quyền ngày càng chặt chẽ hơn, và mình nghĩ đó cũng là cần thiết để “bảo vệ” quyền tác giả cũng như khán giả.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn