MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên trên núi Tam Đảo. Ảnh: Minh Thi

Bánh chưng bánh dày, mâm tế trời và tiên nữ Tây Thiên

minh thi LDO | 11/04/2021 15:04
Ai là người Việt đều biết câu chuyện hoàng tử Lang Liêu là người chí hiếu, đã nghĩ ra bánh chưng bánh dày dâng lên vua cha mà được kế truyền ngôi báu nước Văn Lang. Cũng là Lang Liêu, vị vua Hùng thứ 7, còn được kể là người đã lên núi Tây Thiên ở dãy Tam Đảo để cầu tế trời và gặp được Tiên ở đây. Khảo cổ học từng tìm thấy vết lá bánh chưng trên một chiếc nồi đồng thời văn hóa Đông Sơn, chứng thực cho truyền thuyết bánh chưng bánh dày. Còn câu chuyện Lang Liêu gặp tiên nữ Tây Thiên nay lại được xác thực bởi một hiện vật thờ tế khác cùng thời.

1. “Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả” cho biết núi Côn Lôn thời vua Hùng dựng nước là dải núi ở miền Bắc Việt, nơi mà muôn sông ngàn núi chầu về đất tổ: “Mạch từ Ngũ Nhạc Côn Lôn Thái tổ của đất nước, là đất tổ Linh Sơn Phong Thứu. Trăm vạn đầu núi dựa Đông Tây Nam Bắc, giống như bầy con. Lấy Côn Lôn Ngũ Nhạc Đại quốc làm núi Thái tổ cha mẹ, cùng đầu núi góc biển vạn nước, trùng trùng các nhánh, một mối quy đồng”.

Tượng Thanh Sơn đại vương ở Tây Thiên. Ảnh: Minh Thi

Cũng Ngọc phả kể triều Hùng sau thời Thánh Dóng đánh giặc Ân, truyền tới vua Hùng thứ bảy là Hùng Huy Vương. Huy Vương bình sinh ưa thích tiên thuật, trọng chuyện quỷ thần. Vua đã lên Tam Đảo, đến bên khe Thạch Bàn để xem tiên cảnh, vào chùa Phù Nghi, lập đàn Vọng Tiên, khấn lời cầu nguyện đến Hoàng Thiên xin được gặp tiên ở đỉnh núi Tây Thiên. Vua cầu đến đêm thứ ba thì được thần linh hiện lên báo mộng bằng một bài thơ gồm bốn câu năm chữ. Bài thơ này sử dụng lối chiết tự chữ Nho đầy bí ẩn mà nội dung của nó có thể được dịch lại như sau:

“Trên Tây Thiên tiên đó/ Không thấy điều mong chờ/ Gặp người nơi Đông Lộ/ Vua sẽ được như mơ”.

Nhận được bài thơ thần vua Hùng quay xuống chân núi thì gặp được một mỹ nhân phong tư xinh đẹp, cốt cách thanh cao, người ở thôn Đông Lộ. Vua thích thú biết là Tiên giáng trần, đã cưới nàng Ngọc Tiêu về làm hoàng hậu. Về sau, Vua cùng hoàng phi học được tiên thuật, thọ sánh ngang tuế nguyệt, hoá sinh bất diệt.

Bia ma nhai “Bát Nhã tuyền” trong khu di tích Tây Thiên. Ảnh: Minh Thi

Một số ngọc phả và thần tích khác kể chuyện này là thời Lang Liêu hay Hùng Chiêu Vương. Sau khi lên ngôi, Chiêu Vương là vị vua hiền tài, anh minh, đức độ, thường xuyên tu rèn bản thân, lấy nhân nghĩa để giáo hóa trăm họ. Chiêu Vương rất chăm lo chính sự, thờ cúng, hương khói tổ tiên, Ngài thường lên đỉnh núi Tam Đảo làm lễ cầu xin trời đất ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang, vật thịnh. Chiêu Vương đã gặp và kết duyên với nàng tiên nữ Lăng Thị Tiêu ở chân núi Tây Thiên, rồi đón nàng về ở kinh đô Phong Châu. Ngày nay ở phường Dữu Lâu của thành phố Việt Trì còn ngôi miếu cổ thờ Hùng Chiêu Vương Lang Liêu cùng bà Lăng Thị Tiêu, như chứng tích cho một huyền thoại đẹp thời Hùng Vương.

Mâm đồng với bài minh văn dùng chữ Kim văn thời Tây Chu. Ảnh: Minh Thi

Núi Tây Thiên Tam Đảo là ngọn núi thiêng mà sau này nhiều triều đại đã lên đây tế cáo trời đất. “Việt điện u linh” kể rằng thời Lê Nhân Tông gặp những năm đại hạn, cầu đảo khắp nơi đều không thấy mưa. Vua liền sai soạn văn, phong thần núi Tam Đảo là Thanh Sơn đại vương và cho lên làm lễ cầu mưa. Hôm ấy mây nổi, khắp trời tối trăm, sáng hôm sau mưa xuống như trút, rồi năm ấy được mùa. Từ ấy về sau, hễ gặp đại hạn, lên đền cầu mưa đều ứng nghiệm. Dấu vết của việc cầu đảo thời Lê Nhân Tông còn lưu trên là tấm bia khắc trên vách đá ven khe suối giữa hai đỉnh núi Phù Nghi và Thạch Bàn của Tam Đảo. Tấm bia có tên “Bát Nhã tuyền”, do quan đại thần Lê Khắc Phục lập khi lên Tây Thiên cầu mưa.

2. Chúng ta biết rằng thời đại Hùng Vương của nước Văn Lang tương đương với thời nhà Chu trong lịch sử Trung Hoa (khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 3 trước công nguyên - TCN). Do đó di vật của việc Lang Liêu cầu tế trời có thể được tìm thấy là những đồ đồng dùng vào thời kỳ này. Một chiếc mâm đồng 4 chân thời Tây Chu được thấy ở miền Bắc Việt. Dạng mâm này là đồ tế tự, dùng để đựng các vật phẩm hiến tế trong các dịp lễ quan trọng của triều đình phong kiến xưa. Cổ vật sau khi được tẩy bỏ lớp gỉ xanh ở bên ngoài đã để lộ ra màu vàng kim óng ánh với những hoa văn hình chim, rồng đặc trưng của văn hóa Thương Chu.

Chữ “Mục Vương” trong lòng chiếc mâm đồng thời Tây Chu. Ảnh: Minh Thi

Trong lòng chiếc mâm cổ có đúc chìm một bài minh viết bằng thể chữ Kim văn. Kim văn là loại chữ được dùng để khắc đúc trên các đồ đồng trong thời nhà Chu. Dựa vào bài minh văn này có thể đoán định niên đại của chiếc mâm đồng ở vào quãng thế kỷ 10 - 9 TCN. Đây là một trong số ít các hiện vật có chữ Kim văn cổ được tìm thấy ở nước ta.

Nội dung bài minh này có thể được đọc hiểu như sau: “Vua tế cầu cho Hoàng Tổ hầu của ta được mệnh trời vạn năm. Không quốc dân nào phối tế với Hoàng Cao tổ. Công thất là U ban lệnh tế, làm lễ dâng Vua, mãi nhớ tới Mục Vương trị chính, theo mệnh của các vị vua tổ khảo. Vua cầu cho chính sự của đức Hoàng Á của ta. Dùng lễ tế lớn để được thành, dùng riêng tế các vị tổ khảo Giáp, khảo Ân. Có người cháu vua làm lễ tế trăng, cầu cho Thiên tử vạn năm thống quản thành công, được lâu dài như vị khảo Giáp trước đây. Thiên tử vạn năm, cùng các quan thần tử vậy”.

Bài minh văn nói về việc vị vua đương thời làm lễ cầu tế các vị vua tổ, các vị tiền vương đời trước (tổ khảo) và cầu chúc cho Thiên tử (vua đương thời) vạn năm với cùng các quan thần. Điểm đặc biệt nhất trong bài văn này là nhắc tới Mục Vương, một vị thiên tử thời Chu.

Chu Mục Vương là vị vua thứ 5 của nhà Tây Chu, trị vì từ năm 976 TCN đến năm 922 TCN. Mục Vương từ nhỏ đã rất thích tu luyện phép thuật thành tiên. Lớn lên ông học theo Hoàng Đế, dùng xe ngựa đi thăm thú các danh lam thắng cảnh trên khắp thiên hạ. Vì vậy ông ngồi xe do 8 con ngựa kéo rong ruổi khắp nơi trên đất nước. Tương truyền, Mục Vương đã đến núi Côn Lôn, phát hiện ra cung điện bằng ngọc của Hoàng Đế. Tại đây ông đã gặp Tây Vương Mẫu ở Dao Trì, được đãi yến tiệc. Mục Vương uống nước tuyết ngọt trên núi Côn Lôn, ăn cao tương chế từ ngọc thạch, còn có tố liên, táo đen, ngó sen ngọc và rất nhiều tiên quả... Sau đó Chu Mục Vương đã học thành tiên thuật, cưỡi mây mà bay về trời.

Có thể thấy cốt truyện của chuyện vua Hùng lên núi tế trời gặp Tiên ở Tây Thiên cũng chính là sự kiện về Chu Mục Vương lên núi Côn Lôn gặp Tây Vương Mẫu. Mọi chi tiết đều trùng khớp trong hai truyền thuyết, từ việc một vị vua thời Tây Chu - Lang Liêu lên núi Côn Lôn - Tam Đảo, cầu tế Hoàng Thiên - Hoàng Đế, đến việc gặp Tây Thiên quốc mẫu - Tây Vương Mẫu, rồi vua cùng với tiên phi học thành tiên thuật, hóa sinh bất diệt.

Trang Ngọc phả Hùng Vương với bài thơ thần ở trên núi Tây Thiên. Ảnh: Minh Thi

3. Chiếc mâm đồng dùng đựng đồ hiến tế với bài minh văn có nội dung tương tự về việc một vị vua tế cầu Hoàng Thiên và các vị tổ khảo, nhắc tới chuyện của Chu Mục Vương. Đây là một vật chứng cực kỳ quý giá, hiển thực và rất cổ cho mối liên hệ giữa truyền thuyết Việt về Lang Liêu ở Tây Thiên với Chu Mục Vương gặp tiên trong lịch sử.

Việc tìm thấy đồ tế tự của vua nhà Chu có khắc minh văn chứa thông tin khẳng định thời đại là sự việc rất quan trọng cho lịch sử, không kém gì việc tìm thấy xương thú yếm rùa khắc Giáp cốt văn ở bờ Hoàng Hà. Chính Giáp cốt văn trước đây đã khẳng định sự tồn tại của nhà Thương và Ân trong lịch sử Trung Hoa. Tương tự nay với chiếc mâm đồng dùng đựng đồ hiến tế với bài Kim văn là bằng chứng về hiện diện của nhà Chu trên đất Giao Chỉ xưa.

Thời vua Minh Mạng đã cho phỏng dựng 33 đồ đồng của văn hóa Thương Chu và sử dụng chúng vào việc tế lễ ở trong hệ thống miếu thờ của nhà Nguyễn ở kinh thành Huế. Trên mỗi đồ vật này, vua đều đã thân đề một bài minh văn, sau được các quan trong triều tập hợp thành cuốn sách “Ngự chế minh văn cổ khí đồ”. Ví dụ như trên chiếc đỉnh phỏng theo đỉnh của Chu Văn Vương (vị vua tổ của nhà Chu) ngự chế đề: “Phỏng theo đồ/ Noi theo người/ Nước tuy cũ/ Mệnh là mới/ Con cháu trăm đời/ Muôn năm tuân theo”. Với bài ngự đề này vua Minh Mạng đã công khai nhận rằng chiếc đỉnh xưa và Chu Văn Vương là đất nước cũ của tổ tiên mà con cháu trăm đời phải tuân theo mệnh. Chu Văn Vương cũng là một trong những “lịch đại đế vương” được vua Minh Mạng cho lập đền thờ tại miếu Lịch Đại ở Huế.

Hùng Chiêu Vương là tên gọi chỉ các vị vua thời Tây Chu và câu chuyện Lang Liêu cầu tiên ở núi Tam Đảo cũng là chuyện Chu Mục Vương lên núi Côn Lôn tế trời gặp Tây Vương Mẫu. Lang Liêu là biểu tượng cao đẹp của hiếu đạo đối với tổ tiên, với trời đất từ thuở nước Văn Lang của các vua Hùng. Việc tế tổ cầu trời của người Việt đã có từ 3.000 năm trước, được chứng thực bằng những hiện vật đồ đồng có minh văn. Ông Trời - Hoàng Thiên không ở đâu xa. Núi Tam Đảo - Côn Lôn vẫn còn đó. Tục thờ Tây Thiên Quốc mẫu vẫn còn đó. Cỗ xe bát mã của Chu Mục Vương là hình tượng của trí tuệ và thành tâm. Có tâm có trí thì sẽ gặp được Trời. Cái lý “con cóc lên giời” của người Việt là như vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn