MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Phát triển tiềm năng con người. Ảnh: NV

Bạo hành học đường nối đuôi nhau: Sai... tại ai?

HUYÊN NGUYỄN - THẢO ANH LDO | 15/04/2018 08:27
Thời gian gần đây, những sự cố giáo dục “nối đuôi” nhau, chưa giải quyết được sự việc này khiến xã hội hoang mang đã đến sự vụ kia khiến dư luận thốt lên “trời ơi, đất hỡi”. Lỗi sai không của riêng ai và cần “diệt cỏ phải diệt tận gốc”.

Sự cố nối đuôi

Những quy tắc ứng xử trong xã hội bị đảo lộn, “thầy không ra thầy”, “trò càng chẳng ra trò”, những chuẩn mực đạo đức cứ ngỡ kiên cố như tường thành bỗng xuống cấp, méo mó. Chưa hết giật mình vụ cô giáo ở Long An bị phụ huynh ép quỳ gối, học sinh (HS) chửi bới, bóp cổ giáo viên (GV) ở Bến Tre vì bênh vực bạn gái mắc lỗi lại đến vụ phụ huynh ở Nghệ An tấn công cô giáo đang mang thai.

Cũng ở Nghệ An, thầy thể dục tát trò vì đốt giấy trong giờ học, gia đình HS “dằn mặt” đánh thầy gãy sống mũi. Dư luận đang căm phẫn chuyện cô giáo ở Hải Phòng phạt trò nói chuyện riêng trong lớp bằng hình thức bắt uống nước giặt giẻ lau bảng thì thì lại rùng mình khi nam sinh lớp 12 ở Quảng Bình bực tức vì thầy nhắc xóa hình xăm ở cổ mà cả gan cầm dao phục trước cổng trường đâm thầy trọng thương.

Bạt tai, trói chân, nhét giẻ trong môi trường mầm non nhan nhản trên các mặt báo. Lại càng “cười ra nước mắt” khi cô giáo ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TPHCM suốt 4 tháng liền lên lớp không hề “mở miệng” mà giảng dạy bằng tay.

Những sự cố giáo dục như một chuỗi liên hoàn. Vụ việc sau lại giẫm vào vết xe đổ của vụ việc trước, mà tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn, “sóng sau xô sóng trước”. Sau mỗi sự cố, mối xung đột giữa thầy trò và phụ huynh vẫn như mớ bòng bong. Thầy thiếu kỹ năng sư phạm làm tổn thương tinh thần và xúc phạm danh dự của trò; trò “vùng dậy”, phụ huynh xót con thì “ăn miếng trả miếng”.

Nhớ lại vụ việc hồi năm ngoái, hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) thiếu trung thực đã khiến hình ảnh người thầy xấu đi một cách bất đắc dĩ. Nhiều phụ huynh đã dần xem giáo dục như dịch vụ, “thuận mua vừa bán” cho toại lòng nhau, thế nên chỉ cần không vừa ý “khách hàng” là thượng cẳng chân hạ cẳng tay, xử sự như dân “anh chị”.

Thế nhưng, đừng mãi loay hoay trong vòng luẩn quẩn “quả trứng có trước hay con gà có trước”, bởi những sự việc “trời ơi đất hỡi” tưởng chừng như không liên quan lại có mối quan hệ nhân quả hữu hình.

Những sự cố giáo dục “nối đuôi” nhau. Ảnh: HN

Lỗi không của riêng ai!

Nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học vừa báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về những nguyên nhân khiến cho môi trường giáo dục, văn hóa ứng xử trong trường học ngày càng “xuống cấp”. Trước hết, được xác định là sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn tới những thay đổi trong đời sống xã hội, thay đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục. Một bộ phận thầy cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và tâm thế trước những tác động “tiêu cực” từ bên ngoài xã hội.

Bên cạnh đó, chương trình, quá trình đào tạo GV hiện nay vẫn còn để “trống” mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên; GV không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn... là nguyên nhân dẫn tới có một số thầy cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của HS, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với HS. Ứng xử sư phạm và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm chưa được quan tâm đúng mức.

Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn cũng là tác động dẫn tới việc một bộ phận GV chưa toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy và chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho người học.

Chỉ ra những tác động từ áp lực cuộc sống dẫn tới việc nhiều bậc phụ huynh phó thác con cái họ cho nhà trường làm cho mối quan hệ nhà trường - gia đình ở một số nơi còn lỏng lẻo hay cách ứng xử thiếu chuẩn mực trong một số gia đình. Điều này đã tác động tới quá trình hình thành nhân cách của các em.

Nghiên cứu từ thực tế cũng cho thấy, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của HS, sinh viên; vẫn còn mang tính áp đặt của GV mà chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em hoặc mang tính phong trào; thời lượng dành cho các môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác đóng vai trò “dạy người” còn chưa được coi trọng, ở một số nơi bị xem nhẹ.

Chia sẻ về nguyên nhân của liên tiếp các vụ việc GV bị bạo hành gây xôn xao dư luận, ông Nguyễn Quốc Vương - nghiên cứu sinh về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản – bày tỏ: “Có ý kiến cho rằng các sự việc trên chỉ là đơn lẻ hay cá biệt. Tôi cho là không. Nếu nghiên cứu sẽ thấy hiện tượng này đã diễn ra rất dài ở trường học Việt Nam. Có khác chăng là giờ đây bức tường bao quanh trường học đang dần trở nên trong suốt, xã hội mới nhìn rõ hơn mà thôi”.

Ông Vương cho biết, hiện tượng mâu thuẫn trong giáo dục ngày một nhiều do nhiều yếu tố như tác hại của hành chính giáo dục quan liêu, trường học thiếu ứng phó, sự yếu kém của cải cách giáo dục... Mặt khác, ý thức của xã hội tiêu dùng kiểu “tôi trả tiền phải có món hàng như ý” cũng là lối tư duy làm hỏng quan hệ giữa phụ huynh với GV và nhà trường.

Đồng quan điểm, PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam chia sẻ: Không ít phụ huynh cho rằng, mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa nhà trường với gia đình như một siêu thị để mua và bán theo cơ chế thị trường. Nghĩa là GV có chữ thì bán, phụ huynh có tiền thì mua. Phụ huynh nghĩ rằng mình dùng đồng tiền để chi phối mọi hoạt động của cuộc sống, nên không thoả mãn sẽ phản ứng. Đây chính là sai lầm rất lớn trong giáo dục hiện nay.

Mặt khác, một nguyên nhân nữa là hiện nay phụ huynh quá nuông chiều con cái nên ai đụng chạm vào con mình thì dùng quyền lực và sức mạnh phản kháng lại.

Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh, chúng ta cần có cái nhìn khách quan và công bằng từ nhiều phía. Xưa, thầy răn đe trò bằng roi vọt, quỳ gối..., đó là một hành động tích cực. Còn bây giờ, xã hội cho rằng đó là động chạm đến tinh thần của đứa trẻ, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Thế nhưng, hiện GV phải chịu rất nhiều áp lực từ phía xã hội, phụ huynh, nhà trường và từ chính công việc hàng ngày. Có thể nói, GV phạt HS khi vi phạm kỷ luật cũng vì công việc quá áp lực, căng thẳng nên đã không kiềm chế được cảm xúc của bản thân trước HS có hành vi chưa tốt. Hiện có nhiều hình thức xử lý HS có những hành vi chưa ngoan tế nhị hơn, tích cực hơn để không gây phản cảm với đứa trẻ và gia đình như: Nhắc nhở, trao đổi, viết thư thông báo cho gia đình...

Mặt khác, khi GV làm sai mà phụ huynh lại phản ứng lại bằng cách bắt GV quỳ là điều chưa bao giờ có trong nền giáo dục nước ta. Điều khó có thể chấp nhận. Trong trường hợp này, GV, nhà trường phải thông cảm với phụ huynh vì họ cũng có nhiều bức xúc với cuộc sống hàng ngày, đôi khi là bức xúc ngay chính con của họ... Nên khi GV có những hành vi kỷ luật HS hơi quá, họ lại đổ những bức xúc đó lên GV giống như “giận cá chém thớt”.

Qua nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra cho thấy, hệ quả của việc môi trường giáo dục đang xuống cấp trầm trọng do tổng hòa các mối quan hệ từ nhà trường, gia đình, xã hội. Lỗi không của riêng ai!?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn