MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trang nhất độc đáo của tờ The New York Times. Nguồn: ChinaDaily

Báo in vẫn còn đất sống: Chiều sâu là hướng đi

Linh Linh (tổng hợp) LDO | 28/06/2020 16:12
"Tồn tại hay không tồn tại" là câu hỏi lớn nằm từ lâu trước mặt báo in, trong bối cảnh mạng xã hội và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đang thống trị hiện nay. Thật may mắn, không phải mọi hy vọng đều đã tắt đối với loại hình báo chí từng mang tính trụ cột này.

Câu chuyện phía sau một trang nhất độc đáo

Ngày 24.5, ấn bản Chủ Nhật của báo The New York Times (NYT) đã gây chú ý khi dành toàn bộ trang nhất để đăng tải tên tuổi đầy đủ của nhiều nạn nhân đã thiệt mạng trong dịch COVID-19. Những cái tên và các mô tả ngắn liên quan tới từng người được trích ra từ các bản cáo phó đăng trên nhiều tờ báo trên toàn quốc.

Chúng nằm trong một bài viết đã chiếm toàn bộ 6 cột của trang nhất, dưới tựa đề: “Số người chết ở Mỹ gần 100.000, một mất mát không thể đong đếm được”. Dòng tít phụ viết thêm: “Đây không chỉ là những cái tên đơn giản trong một bản danh sách. Họ chính là chúng ta”. 

Toàn bộ danh sách, còn chạy vào nhiều trang bên trong sau khi chiếm trọn trang nhất, chứa tên và thông tin của gần 1.000 nạn nhân thiệt mạng. Đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số người chết vì COVID-19 ở Mỹ. Quốc gia này đang có số người chết vì COVID-19 cao nhất thế giới và đội ngũ phóng viên, biên tập viên ở NYT đã muốn tìm ra cách thức đặc biệt để đánh dấu cột mốc buồn bã 100.000 người tử vong. 

Trong một bài viết đăng trên Times Insider, trợ lý biên tập tại Phòng đồ họa của NYT - bà Simone Landon - giải thích rằng, việc trình bày trang nhất độc đáo như vậy là một cách để cá nhân hóa thảm kịch, khi mà độc giả đã bắt đầu mệt mỏi với việc mỗi ngày phải đọc quá nhiều các con số liên quan tới dịch COVID-19. Nó cũng cho thấy độ lớn của thảm kịch cũng như sự đa dạng của các nạn nhân. 

“Đặt 100.000 dấu chấm hoặc hình nhân lên trang nhất sẽ không khiến độc giả biết được nhiều về các nạn nhân, về cuộc đời họ từng sống và họ có ý nghĩa gì với chúng ta, trong vai trò một quốc gia” - Landon giải thích. Vì thế, bà đã nghĩ ra ý tưởng tổng hợp các cáo phó của nạn nhân COVID-19 từ báo chí và cho thấy một bức tranh lớn hơn từ các thông tin nhỏ bé đó. 

Landon phụ trách một nhóm đào sâu vào các tin cáo phó được in trên hàng trăm tờ báo Mỹ, với nguyên nhân tử vong là do COVID-19. Nhóm đã lọc lấy tên tuổi nạn nhân, cũng như những thông tin độc đáo của từng người, ví dụ: “Alan Lund, 81 tuổi, Washington, một nhạc trưởng với tai thẩm âm tuyệt vời”, “Theresa Elloie, 63 tuổi, New Orleans, nổi tiếng vì các sản phẩm hoa cài áo”, “Florencio Almazo Morán, 65 tuổi, thành phố New York, chiến binh mạnh bằng cả đạo quân”, “Coby Adolph, 44 tuổi, Chicago, doanh nhân và là một người ưa phiêu lưu”... Các thông tin như thế sau đó được tập hợp vào một danh sách đăng trên trang nhất. 

Tom Bodkin - Giám đốc Sáng tạo của NYT - nói rằng, trang nhất chỉ có toàn chữ sẽ khiến người ta nhớ về thiết kế của báo in thời kỳ loại hình này mới ra đời. Tuy nhiên, ông khẳng định trong 40 năm làm việc ở NYT, bản thân chưa từng thấy trang nhất của tờ báo giấy không có hình ảnh. “Đây rõ ràng là lần đầu tiên (NYT có một trang nhất không ảnh) trong thời hiện đại” - ông nói.

Ban Biên tập NYT đã đăng bức ảnh chụp trang nhất độc đáo này lên mạng xã hội Twitter vào chiều thứ Bảy, một hôm trước khi báo được mang đi in. Chỉ trong vài giờ, đã có 60.000 người chia sẻ lại bức ảnh và 116.000 người nhấn nút “yêu thích”. Trang nhất của báo cũng trở thành đề tài khiến cộng đồng làm báo thế giới quan tâm, chú ý và thảo luận.

Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung

Sự việc cho thấy sức sáng tạo đáng nể của đội ngũ làm báo ở NYT. Nhưng nó đồng thời cũng cho thấy một thực tế nghiệt ngã khác: NYT vẫn có thể sáng tạo vì nó nằm trong số ít những tờ báo in lớn trên thế giới đã thích nghi với thời đại mới và sống khỏe.

Ban lãnh đạo NYT đã có những chiến lược dài hạn và bài bản về việc chuyển đổi doanh thu từ báo in sang thị trường kỹ thuật số, về việc tăng sáng tạo và trở nên có ý nghĩa với độc giả... mà bàn về những điều này có thể gây tốn hàng nhiều trang giấy. Có một thực tế là cho tới giờ, các bản báo in của NYT vẫn được bán với số lượng khổng lồ và chúng luôn có những bài viết độc đáo chỉ xuất hiện trên ấn bản này. Nhưng câu chuyện thành công của NYT, rất tiếc đã không lặp lại ở nhiều nơi. 

Tình cảnh của ngành báo in tại Mỹ không có gì khác so với thế giới. Trong 15 năm qua, hơn 2.100 tòa báo địa phương và báo giấy ở các thành phố, thị trấn của Mỹ đã phải đóng cửa. Số lượng việc làm ở các tòa báo cũng giảm một nửa kể từ năm 2004. Nhiều ấn phẩm phải “vật lộn” để tồn tại khi ngày càng có nhiều độc giả chuyển sang xem tin tức qua nhiều thiết bị thông minh và bỏ thói quen mua báo giấy. Trong khi đó, thị trường quảng cáo trên báo giấy càng lúc càng bé lại. Xu hướng này chưa thấy dấu hiệu đảo ngược, nhất là khi các “gã khổng lồ” như Google và Facebook đang thống trị thị trường quảng cáo số - cũng là nguồn thu hút quảng cáo chính hiện nay.

Trước kia, nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett vẫn còn tin tưởng vào báo in, đủ lớn để ông mua một số tờ báo. Nhưng nay, sự tin tưởng đã tan biến. Gần đây nhất, ông khẳng định, những tờ báo in vẫn còn có tương lai ở Mỹ chỉ là báo lớn, phát hành trên toàn quốc, như NYT, The Washington Post và The Wall Street Journal. 

Cùng thời điểm, Báo cáo của Mueller trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất năm 2019. Đây là một cuốn sách, với số lượng trang không hề nhỏ, in lại bản báo cáo ghi toàn bộ các phát hiện và kết luận của cựu Công tố viên đặc biệt Robert Mueller - người chịu trách nhiệm làm rõ cáo buộc Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi năm 2016. Ông Mueller cũng phải xác định xem chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump có móc ngoặc với phía Nga không và ông có vướng cáo buộc cản trở luật pháp hay không. 

Điều thú vị là nội dung của báo cáo Mueller đã xuất hiện đầy trên mạng và người ta hoàn toàn có thể đọc nó miễn phí. Vậy vì sao thiên hạ vẫn đổ xô đi mua sách in? Câu trả lời có thể là cùng một động lực đã khiến họ bỏ tiền để mua sách ghi lại báo cáo của Ủy ban điều tra vụ khủng bố 11.9, hay sách viết về cuộc điều tra vụ quấy rối tình dục của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Tài liệu liên quan tới cả hai vụ này đều có rất nhiều trên mạng, hoàn toàn miễn phí, nhưng chúng vẫn thu hút rất đông người mua sau khi xuất hiện dưới dạng sách in. 

Lý do để người ta mua sách có thể cũng là lý do mà các tạp chí như The New Yorker và The Economist tiếp tục có lợi nhuận, trong khi nhiều báo in khác “lỗ chổng vó” và phải thu hẹp quy mô sản xuất. Đây cũng có thể là lý do vì sao các số ra Chủ Nhật của tờ NYT, cũng chính là phiên bản với trang nhất độc đáo kể trên, bán vẫn chạy. 

Câu trả lời nằm ở đây: Các nội dung dài sẽ trở nên dễ đọc dưới dạng bản in. Nhiều độc giả đọc Báo cáo Mueller trên các thiết bị đọc sách điện tử của họ, đó là thực tế không thể chối cãi. Tuy nhiên, không ít người sẵn sàng bỏ tiền ra để tránh khỏi phải mỏi mắt do nhìn vào thiết bị điện tử quá lâu, và tránh bị đau cổ do tư thế cúi đầu đọc từ một màn hình có kích cỡ bé như chiếc điện thoại. Việc đọc từ sách điện tử có khả năng khiến cho người ta không nhớ được nhiều thông tin trong báo cáo bằng việc đọc sách in - vốn dài tới hơn 400 trang. 

Và chính những lý do kể trên đã vạch ra một tương lai cho báo in. Trong những năm 1970, các tờ tạp chí Time, Newsweek và U.S News and World Report đã thực hiện nhiều bài viết dưới dạng phân tích sâu các câu chuyện đáng chú ý đã được nhiều tờ nhật báo đăng tải trong tuần trước. Phóng viên tại các tạp chí trên đào sâu vào núi tin tức và hé lộ ra nhiều chi tiết mới, đồng thời giải thích cho độc giả biết vì sao chuyện lại diễn ra như thế, vì sao nó có ý nghĩa. Các bài phân tích như thế cực kỳ thu hút, khiến hàng triệu người Mỹ khao khát tìm đọc. 

Khi các trang web bắt đầu trỗi dậy trong những năm 1990, nhiều tạp chí bỗng trở nên lạc lối. Các biên tập viên tin tưởng, Internet đã chứng minh một điều, rằng sự chú ý của chúng ta bị thu ngắn lại và con người hiện đại không có thời giờ để đọc các câu chuyện dài hơi. Vì thế, họ đã giảm bớt dung lượng các bài viết. Nhiều câu chuyện trở nên ngắn đi. Sự đào sâu không còn được như trước. Số lượng các câu chuyện đáng đọc cũng thưa dần. 

Vì thế, độc giả bắt đầu ngừng đọc các bài viết in trên tạp chí và báo. Tại sao lại phải bỏ tiền ra mua cùng một nội dung mà người ta có thể đọc miễn phí trên mạng, và lại còn nhanh hơn các sản phẩm in. Các tờ báo tuần dần dần biến mất khỏi hoạt động báo in ở Mỹ. Tạp chí U.S News giờ chỉ còn ấn bản điện tử. Từng là hòn đá tảng trong đế chế truyền thông của Henry Luce, tờ Time giờ đã rất nhạt nhòa. 

Chỉ có các tờ The New Yorker và The Economist vẫn sống khỏe, phát triển tốt vì họ vẫn đầu tư rất nhiều cho các sản phẩm báo chí dài hơi, chi tiết, liên quan tới các vấn đề thời sự. Lối trình bày của hai tờ tạp chí này khiến người ta tưởng như Internet chưa từng tồn tại. Các trang viết của họ luôn ken đặc chữ, thi thoảng mới chen vào một tấm hình vẽ tay minh họa. Một số bài báo có dung lượng từ lớn “khủng hoảng”, từ 5.000 tới 10.000 từ. Rõ ràng hai tạp chí này không phải là những cơ quan truyền thông chuyên tung ra tin tức thời sự chấn động. Họ thực tế không thể làm tin thời sự nóng. Thay vì thế, họ đào sâu xuống dưới bề mặt của dòng tin đang chảy.

Thay đổi để tồn tại và phát triển

Điều này cho thấy một điều rằng, bài sâu chính là tương lai của báo in. Các loại hình truyền thông cũ vẫn tồn tại dai dẳng, đơn giản bởi cái mới không thể thay thế hoàn toàn chức năng của chúng, cũng là điều mà độc giả mong mỏi, thèm khát. Bất chấp dự báo của giới chuyên gia, truyền hình không giết chết truyền thanh, bởi một tài xế không thể xem TV khi đang lái xe. Bà nội trợ cũng không thể thoải mái theo dõi bộ phim truyền hình yêu thích khi đang dọn nhà. Vì lý do tương tự, báo in hiện rất phù hợp để trở thành nơi xuất bản các bài viết dài hơi, bởi nhiều độc giả vẫn thích lật trang giấy hơn là vuốt màn hình để đọc nội dung. Và việc đọc nội dung in luôn khiến mắt được thoải mái hơn so với việc xem qua thiết bị số. 

Tương lai của báo in rất có thể được nhìn thấy từ hình ảnh quá khứ - của những năm 1970, thời điểm độc giả luôn mua các tờ nhật báo để đọc tin thời sự và tạp chí vì bài sâu. Ngày hôm nay nếu cần tin tức thời sự, chúng ta sẽ đọc chúng qua thiết bị di động, qua máy tính nối mạng. Trong khi đó, một thế hệ các tờ báo in mới sẽ cung cấp các bài viết sâu, với dung lượng lớn tới hàng nghìn từ, cùng các dạng nội dung như báo chí dữ liệu, đồ họa, bảng biểu, vốn khiến người viết phải mất nhiều ngày (thay vì vài phút hoặc vài giờ) tìm tòi, biên tập, tổng hợp. Nhưng chính những nội dung ấy mới khiến độc giả say mê tìm đọc. 

Buffett có lần từng nói rằng, báo in "chưa tìm ra cách để khiến mô hình số của họ bổ sung hoàn hảo cho bản in". Sẽ rất hay nếu như ông nhận định nhầm, rằng thực tế nhiều tờ báo sẽ đầu tư mạnh cho bài sâu và thay thế hết các tờ nhật báo của họ bằng những ấn phẩm tuần dày dặn. Thật không may, ông lại nhận xét đúng, khi nhiều báo vẫn đang mất phương hướng và có ít tờ trải qua quá trình biến đổi thành công như NYT.

“Phá hủy một cách sáng tạo” là điều mà nhiều tòa soạn báo in cần thực hiện nếu muốn tồn tại và tiếp tục phát triển. Từ đống tro tàn, rất có thể một thế hệ các tờ báo in mới sẽ xuất hiện, toàn tâm toàn ý đầu tư cho các nội dung chuyên sâu, dài hơi và có chất lượng cao mà độc giả mong muốn đón nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn