MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ hội của người Mường luôn gắn với loại nhạc cụ cồng chiêng. Ảnh: Thanh Tùng

Báu vật thiêng liêng của người Mường

Thanh Tùng LDO | 07/08/2022 19:13
Cồng chiêng là nhạc cụ, là báu vật thiêng liêng, tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống của người Mường, đây cũng là biểu tượng văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường ở Hòa Bình đã có từ thuở xa xưa.

Nét văn hóa lâu đời

Sử thi "Đẻ đất đẻ nước" của dân tộc Mường kể rằng, khi La Quân Cần đứng ra dựng nước, dân chúng nô nức chức mừng nhà Lang bằng trò vui, "Đánh trống dù trống dịn, đánh trống 9 trống đồng, đồng công 7 công 5". Từ câu ca xưa đã cho mọi người thấy rằng, cồng chiêng đã gắn bó với người Mường từ thủa xa xưa trong đời sống, tinh thần. Hoạt động mang vẻ đẹp văn hóa, lối sống của dân tộc Mường trong cộng đồng các dân tộc ở Hòa Bình.

Cồng chiêng là nhạc khí dân tộc, được coi như bảo vật, là biểu tượng văn hóa của người Mường, đồng thời góp một phần quan trọng trong nền văn hóa đa sắc tộc Việt Nam. Bảo vật này tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống, gắn liền với vòng đời của mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. Chính vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là vật thiêng liêng của mình, họ lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Bà Bùi Thị Thanh (45 tuổi, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn) chia sẻ: "Từ khi còn bé, tôi đã thấy ông bà, bố mẹ mình đánh cồng chiêng, nhất là trong các dịp lễ hội thì càng được xem và nghe tiếng cồng nhiều hơn nên mê âm thanh này lắm. Giờ đây, tôi vẫn thường xuyên mang ra để tập luyện các điệu cồng chiêng cùng mọi người, cũng là góp phần truyền tải, lưu giữ nét văn hóa này đến các thế hệ sau".

Tiếng cồng, tiếng chiêng có mặt ở khắp mọi nơi, mọi thời khắc đáng nhớ trong cuộc đời của người Mường. Các dịp lễ tết, trong đám cưới, đám ma. Chiêng được dùng cho các phường sắc bùa đi chúc tụng các gia đình vào đầu năm mới,...

Không chỉ thế, mà loại nhạc cụ này còn mang nhiều nét văn hóa đặc sắc riêng biệt của dân tộc Mường ở Hòa Bình. Ảnh: Thanh Tùng

Vào những ngày lễ hội, tiếng cồng chiêng vang lên trầm bổng cùng những cuộc vui hội của mọi người. Khi mừng nhà mới, tiếng cồng cũng đước đánh lên vui nhộn mừng gia chủ. Những dịp như vậy, khắp núi rừng vang tiếng chiêng rộn rã.

Nhưng trong những khung cảnh buồn, tiếng cồng chiêng như thay lời nói của của gia chủ, bộc bạch tâm sự buồn bã đối với người đã mất. Đồng thời, mang theo lời chúc yên nghỉ gửi tới người thân khi về thế giới bên kia.

Âm thanh đặc biệt

Trải qua quá trình phát triển và ổn định hàng trăm năm, đến nay một dàn chiêng Mường đủ âm thanh cần có 12 chiếc mới hoàn chỉnh.

Ngoài ý nghĩa về âm nhạc, dàn chiêng đủ bộ 12 chiếc này còn mang một ý nghĩa khác nữa, người Mường cho rằng, con số 12 ấy là biểu tượng cho 12 tháng của một năm. Tính theo vòng quay của mặt trăng. Một năm là sự giao thoa của bốn mùa thời tiết để bắt đầu từ con số 1. Sự giao thoa của từng chiếc chiêng là sự âm hưởng của 12 tháng.

Một bộ chiêng đầy đủ là 12 chiếc, nhưng thực tế nếu không đủ vẫn có thể là một bộ, song ít nhất bộ ấy cũng phải đủ từ 4-5 chiếc trở lên. Bộ chiêng đầy đủ được chia thành ba nhóm, gồm: 4 chiêng dàm - có vùng còn gọi là chiêng khầm, đây là loại có kích thước lớn, âm phát ra thuộc âm khu trầm trong dàn; 4 chiêng bồng - còn được gọi là chiêng đục bồng hoặc chiêng bòong ben, chiêng bôông bêênh. Nhóm này gồm những chiếc có kích thước vừa phải, trung bình, âm phát ra thuộc âm khu giữa trong dàn; 4 chiêng tlé - với nhiều tên gọi khác như chiêng chót, chiêng bóng, chiêng poóng, chiêng đón, chiêng lắp, chiêng lóng. Đây là những chiếc có kích thước nhỏ nhất, âm phát ra là những âm thuộc âm khu cao nhất trong dàn.

Để có âm thanh hay, các dụng cụ làm ra bộ cồng chiêng và dùi đánh được chế tác rất đặc biệt. Ảnh: Thanh Tùng

12 chiếc chiêng trong dàn còn được người Mường gọi tên theo thứ tự chiêng mốt, chiêng hai cho đến chiêng mười hai với phân loại âm chiêng mốt là cao nhất, chiêng mười hai là trầm nhất.

Khi trình diễn dàn chiêng, người ta thường đánh những tiếng chiêng mở đầu gọi là chiêng gióng với ý nghĩa gióng lên trước để hướng dẫn dàn chiêng cũng như sự chú ý của người nghe. Bộ này gọi là bộ gióng với các chiêng từ chiêng ba đến chiêng bảy. Dùi để đánh cồng, chiêng được làm từ gỗ ổi, gỗ sến hay gỗ cây vông (cây quả nhấm), đầu dùi được bọc bằng da, bằng vải có đan sợi gai bên ngoài. Da bọc dùi thường được chọn từ da của bộ phận sinh dục các loại trâu, nai, hoẵng, bò,...

Chiêng có buộc dây để có thể xách trên tay khi đánh. Dây chiêng thường được bện bằng dây sợi gai hoặc bằng vỏ cây dó cho êm và không bị mất tiếng.

Dù xã hội đã phát triển trong thời gian rất dài, nhưng vượt qua tất cả, cồng chiêng vẫn luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Mường. Nó theo suốt cuộc đời họ từ khi sinh ra đến lúc trở về cõi vĩnh hằng, có mặt ở cả những cuộc vui lẫn khi có chuyện buồn để chia sẻ cùng họ.

Có thể nói, cồng chiêng không chỉ có giá trị rất lớn về vật chất, mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần với người Mường. Đến nay, dù có những thay đổi về đời sống, quan niệm, nhưng những giá trị về cồng chiêng vẫn được các gia đình, làng bản coi trọng và gìn giữ như một tài sản vô giá đối với người Mường ở Hòa Bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn