MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gốm Chu Đậu thể hiện nét tinh hoa văn hoá gốm Việt và khẳng định Hội An là điểm trung chuyển mậu dịch quốc tế từ thế kỷ 15.

Báu vật từ lòng biển

Thuỳ Trang LDO | 24/01/2023 15:00
Cuối năm 2022, Bảo tàng Hội An đã khai trương phòng trưng bày chuyên đề gốm Chu Đậu được trục vớt tại vùng biển Cù Lao Chàm. Hồi hộp xen lẫn phấn khích là cảm xúc của những người làm văn hoá, di sản tại Hội An có mặt tại buổi lễ, bởi phải sau hơn 20 năm, những cổ vật mang trong mình tinh hoa gốm Việt được tìm thấy trên vùng đất Hội An mới được chính thức ra mắt người dân, du khách phổ cổ.

Tinh hoa gốm Việt dưới lòng biển Cù Lao

Trước ánh mắt nhìn tò mò của những em học sinh khi lần đầu được thấy những hiện vật còn nguyên vẹn của gốm Chu Đậu, nhiều người dù chẳng phải hướng dẫn bảo tàng nhưng lại chỉ rõ tường tận, đây là chiếc bình hoa được chế tác bằng tay từ 500 năm trước. Còn kia là một cái hộp có thể dùng để đựng mỹ phẩm của người xưa, rất nhỏ nhưng cũng được làm thủ công, hoa văn tinh xảo được vẽ bằng tay dù chi tiết rất nhỏ.

Xen lẫn trong giọng kể đó là sự tự hào, dù dòng gốm Chu Đậu không được sản sinh ra tại Hội An nhưng mảnh đất này lại có duyên nợ khi lưu giữ tinh hoa gốm Việt hàng trăm năm.

Bất kể người làm văn hoá nào ở Hội An cũng có thể kể tường tận câu chuyện ly kỳ về cuộc trục vớt ngoạn mục. Năm 1994, từ những món cổ vật được người dân đánh cá vớt được, bán cho thương lái, những người làm di sản Hội An đã nhận ra có điều gì đó bất thường. Lúc này, không ai biết đó là gốm gì, có người còn cho rằng là gốm nước ngoài vì Hội An từng là thuơng cảng lớn, tàu buôn qua lại nhiều.

Cho đến khi một số cán bộ văn hoá có dịp gặp những người chuyên nghiên cứu về các dòng gốm, cho họ xem những bức hình chụp thì mới nhận được câu trả lời bất ngờ. “Rất có thể là dòng gốm Chu Đậu” - ông Nguyễn Đức Minh - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An còn nhớ rõ câu nói khiến ông và nhiều người làm văn hoá, di sản Hội An kinh ngạc. Bởi, Chu Đậu là dòng gốm cổ của Việt Nam, đã thất truyền 500 năm.

Sau thông tin đó, ngay lập tức, ngành văn hoá, di sản của tỉnh Quảng Nam và cả nước đã vào cuộc, bắt tay cho một cuộc khai quật khảo cổ dưới lòng biển lớn chưa từng có - Dự án khai quật khảo cổ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam, do Bộ Văn hóa Thông tin, Công ty Saga (Malaysia), Công ty Visal (Bộ GTVT) và trường Đại học Oxford (Anh) phối hợp khai quật.

130 người gồm chuyên gia và thuỷ thủ đến từ 13 nước đã tham gia cuộc trục vớt kéo dài từ năm 1997 đến năm 1999, mang lên bờ hơn 243.000 hiện vật. Đây là cuộc khai quật một con tàu đắm dưới đại dương từ thế kỷ 15. Theo tư liệu nghiên cứu khi đó, con tàu này xuất phát từ Thái Lan sang làng gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương để mua hàng, khi quay ngược về đến vùng biển Cù Lao Chàm đã bị đắm. Độ sâu của con tàu nằm dưới 70m nước, dưới một ụ đất lớn, các chuyên gia phải dùng phương pháp thổi cát ra để thợ lặn vớt lên. Công việc này cũng rất nguy hiểm, do độ sâu lớn, khó khăn, mất nhiều thời gian, chưa kể không biết bao lần đang thực hiện công việc thì đoàn phải bỏ dở vì mưa bão.

Gốm Chu Đậu thể hiện nét tinh hoa văn hoá gốm Việt và khẳng định Hội An là điểm trung chuyển mậu dịch quốc tế từ thế kỷ 15.

Nhưng tất cả đều xứng đáng, dù số hiện vật được trục vớt lên chỉ là một phần của con tàu nhưng đủ khiến bất kỳ ai có mặt tại vùng biển Cù Lao Chàm lúc đó vỡ oà khi được nhìn tận mắt dòng gốm Việt cổ vang danh một thời. Làm sao không tự hào cho được khi một tinh hoa văn hoá gốm mà xưa nay chúng ta và cả thế giới cho rằng, chỉ nhìn thấy ở Trung Quốc là chính, nay được phát lộ ra những hiện vật do bàn tay người Việt thực hiện với những văn hoa mộc mạc, bình dị nhưng vô cùng tinh xảo.

Có những hiện vật mỏng như vỏ trứng nhưng được chế tác bằng gốm, vẽ hoa văn. Những chiếc dĩa lớn với hoạ tiết bình dân như cây tre, hoa sen đến bình hoa tì bà đầy tinh xảo... Đặc biệt, gốm Chu Đậu thời điểm đó đã tàn lụi, cuộc khai quật như một cú hích cho việc khôi phục làng nghề gốm để nay, danh tiếng Chu Đậu lại một lần nữa vang lên và phát triển mạnh mẽ.

Thương cảng Hội An không chỉ trong sử sách

Làng gốm cổ Chu Đậu và cuộc trục vớt vang danh Đông Nam Á là điều không cần phải bàn cãi. Thế nhưng, với người dân Hội An, còn một niềm hạnh phúc to lớn không kém khi việc phát hiện số lượng lớn gốm sứ từ lòng biển Cù Lao Chàm đã chứng minh rằng, Hội An từng nằm trong con đường gốm sứ của khu vực, là trung tâm trung chuyển mậu dịch quốc tế. Điều đó đã làm thoả lòng những người làm văn hoá, di sản, lịch sử và cả người dân Hội An bởi không còn là những câu chuyện, những dòng ghi chép nữa, một con tàu Thái Lan cách đây 500 năm đã chở hàng vạn hiện vật từng đi qua Hội An - minh chứng rõ ràng cho thương cảng sầm uất nhất Xứ Đàng Trong một thời.

Chính vì vậy, việc khai trương gian trưng bày gốm Chu Đậu tại Bảo tàng Hội An không chỉ có ý nghĩa về văn hoá, lịch sử gốm sứ Việt mà còn là lịch sử của phố cổ. Với Hội An, một con tàu đắm là dấu hiệu cho chúng ta biết rằng, vẫn còn nhiều kho báu nằm dưới lòng biển mà chúng ta chưa có điều kiện khai quật được. “Không chỉ có Chu Đậu, vùng đất Hội An còn có thể có cả gốm Ba Tư, loại gốm đã được tìm thấy ở Cù Lao Chàm khi khảo cổ trên mặt đất” - ông Minh cho hay.

Người dân Hội An sau hơn 20 năm mới được thưởng lãm một không gian trưng bày những cổ vật gốm Chu Đậu được trục vớt từ Cù Lao Chàm.

Thế nhưng, để có được không gian trưng bày với số cổ vật gốm Chu Đậu, người dân Hội An đã phải chờ hơn 20 năm. Bởi, phần lớn số cổ vật sau khi được trục vớt thì chia làm 5 phần mà tại Quảng Nam, đơn vị tiếp nhận là Bảo tàng Quảng Nam. Ông Phan Văn Quang - Phó Giám đốc Bảo tàng Hội An cho biết, đến năm 2000, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã chia sẻ, chuyển giao cho UBND thành phố Hội An 500 hiện vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích tàu đắm cổ này. Tuy vậy, phần lớn số hiện vật đều ở tình trạng bảo tồn không nguyên vẹn, đa số bị sứt bể và rất nhiều trong số đó chỉ là những mảnh vỡ.

Năm 2021, Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An đã có văn bản kiến nghị UBND Thành phố trình UBND Tỉnh xem xét chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu chuyển giao thêm một số hiện vật nguyên vẹn, có giá trị cao hơn để làm phong phú thêm bộ sưu tập cũng như hệ thống trưng bày phát huy gốm Chu Đậu.

Đề nghị này sau đó đã được chấp thuận, 103 hiện vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích tàu đắm cổ ở Cù Lao Chàm có tình trạng bảo tồn nguyên vẹn và đã có số kiểm kê, cùng với 40 hiện vật vỡ và 3 mảnh vỡ đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam được chuyển giao về Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An để bảo quản và phát huy lâu dài. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ Trung tâm tổ chức xử lý tẩy rửa muối các hiện vật bằng các giải pháp chuyên ngành.

“Ngay sau khi tiếp nhận số hiện vật trên, Trung tâm cũng đã khẩn trương triển khai ngay việc xây dựng hồ sơ hiện vật, ban hành Quyết định nhập hiện vật Bảo tàng Hội An. Cùng với đó, trên cơ sở đề xuất của Trung tâm, UBND Thành phố đã thống nhất chủ trương cho phép đầu tư bổ sung trưng bày phát huy giá trị số hiện vật này cùng với hiện vật đã có trước đây tại Bảo tàng Hội An. Trung tâm đã tập trung nghiên cứu, tuyển chọn những hiện vật tiêu biểu, xây dựng phương án thiết kế để thiết lập phòng trưng bày chuyên đề về “Gốm Chu Đậu” - ông Quang chia sẻ.

Từ thông điệp của các hiện vật gốm sứ được khai quật từ con tàu đắm cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm trưng bày tại đây, cũng sẽ phần nào giúp chúng ta hình dung được sự phát triển mạnh mẽ của đồ gốm Việt Nam trên con đường mậu dịch quốc tế, cũng như vai trò vị trí Cù Lao Chàm - Hội An trên tuyến đường hàng hải quốc tế trong nhiều thế kỷ trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn