MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm "Bảy chuyện kể Gothic". Ảnh: Nhà xuất bản

"Bảy chuyện kể Gothic": Cứ nếm thử đi, bạn sẽ ngấu nghiến!

Nguyễn Tuấn Bình LDO | 26/05/2024 08:00

Để cảm nhận tầm vóc của một nhà văn, bạn hãy tìm kiếm gương mặt họ trên đồng tiền quốc gia. Vinh dự đó không dành cho nhiều người, ở Nhật có Natsume Soseki trên tờ 1.000 Yên; ở Anh là Jane Austen trên tờ 10 bảng Anh; và trên tờ 50 Kroner của Đan Mạch là hình ảnh một người phụ nữ ở tuổi chừng sáu mươi, mang gương mặt quý phái và ánh mắt tinh anh, đội chiếc mũ rộng vành và cổ áo lông thú, đó là Isak Dinesen.

Hầu hết bạn đọc Việt Nam mới chỉ biết đến bà kể từ năm 2020 qua tác phẩm "Châu Phi nghìn trùng" với bản dịch ngọt ngào của Hà Thế Giang, đạt giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2021 ở thể loại Văn học dịch. Và tôi cũng như các bạn, biết đến và yêu mến Isak Dinesen qua cuốn hồi ký về những năm tháng bà sống tại châu Phi trên đồn điền cà phê ấy.

Tôi bắt đầu muốn tìm hiểu nhiều hơn về nhà văn Đan Mạch này, run rủi thế nào đưa đẩy tôi đến với cuốn "Thú đọc sách" của Charles Van Doren, vốn là Tổng Biên tập bộ "Bách khoa thư Britannica". Ông chia sẻ với chúng ta những tâm tình về một đời đọc sách của mình, giới thiệu tác giả và tác phẩm tiêu biểu trên quan điểm cá nhân, và tôi tìm thấy những trang viết giàu cảm xúc về Isak Dinesen, ở đó Van Doren đề xuất chúng ta tìm đọc một tác phẩm của bà bằng lời giới thiệu như sau: “Những câu chuyện trong "Bảy chuyện kể Gothic" được đặt vào một quá khứ không có niên đại, chỉ biết là nằm ngoài tầm với, vượt ngoài trí nhớ của những con người còn đang sống. Những chuyện kể phức tạp, thường chứa đựng hai, ba cốt truyện phụ - chuyện trong chuyện. Xen kẽ giữa những chuyện kể dày đặc tình tiết là những bình luận bên lề rất thú vị”.

Phần cuối sách, Van Doren còn đề xuất một kế hoạch đọc sách dài tới mười năm, đưa ra 100 tác phẩm, trong đó có "Bảy chuyện kể Gothic" của Isak Dinesen. Đấy là lý do tại sao tôi bắt tay vào việc chuyển ngữ tác phẩm này, như một cách tìm hiểu sâu hơn về cá tính nhà văn nữ Đan Mạch.

Isak Dinesen đã bốn mươi chín tuổi khi "Bảy chuyện kể Gothic" ra mắt vào năm 1934. Bà có một cuộc đời giàu trải nghiệm - Dinesen thường nói rằng, nếu bà không mất đi đồn điền tại châu Phi, chắc hẳn bà sẽ không trở thành nhà văn. Dẫu đã đăng đàn một số chuyện kể trên tạp chí Đan Mạch với bút danh Osceola, nhưng với đa phần mọi người, "Bảy chuyện kể Gothic" ghi dấu ấn cho sự khởi đầu văn nghiệp của Isak Dinesen.

"Bảy chuyện kể Gothic" tràn ngập những người kể chuyện, sử dụng hình thức chuyện kể lồng chuyện kể điển hình trong những chuyện kể ngày xưa, như "Ngàn lẻ một đêm" hay "Mười ngày của Boccaccio". Đó là “khung sườn” - chẳng hạn như đám đàn ông trên thuyền giết thì giờ bằng cách kể câu chuyện đời, như trong “Những kẻ sống trong mơ”; rồi một trong những chuyện kể đó lại dẫn đến chuyện kể khác, cứ thế chúng nối lại với nhau, cái sau theo cái trước... Như trong "Scheherazade", nhiều chuyện được kể (và kể cả là diễn biến trong chuyện kể) diễn ra trong màn đêm.

Bức hình chụp Isak Dinesen trên tạp chí Life quãng những năm 1950. Nguồn: INT

Dù đã có lời dặn dò trước của Charles Van Doren, quả thật khi bắt tay vào đọc hiểu và chuyển ngữ "Bảy chuyện kể Gothic", tôi mới thấy nó như một câu đố, một mê cung, không gian đa chiều, chuyện kể lồng trong chuyện kể, hết lớp này đan cài vào lớp kia, các manh mối dần dần được nhúng vào văn bản để mỗi lần đọc lại độc giả tiếp tục tái khám phá thêm. Dinesen để lại cả những “trang trống” trong mạch văn, khoảnh khắc các nhân vật kể chuyện bỗng dưng im lặng và trí tưởng tượng của bạn đọc được kỳ vọng sẽ lấp đầy vào khoảng trống đó, bởi vậy, trải nghiệm mỗi bạn đọc Dinesen có thể rất khác nhau.

Dẫu sao, càng nhận thức rõ hơn những chỉ dấu ngầm, manh mối, lời bóng gió ám chỉ và ý nghĩa ẩn giấu trong mạch chuyện, độc giả sẽ càng cảm nhận sâu sắc về tác phẩm. Để giúp cho bản thân và các bạn đọc hiểu hơn về phong cách viết Dinesen, tôi có trích dịch toàn bộ phần phân tích cả bảy chuyện kể từ tập tiểu luận đặc sắc "Understanding Isak Dinesen" (Để hiểu Isak Dinesen) giới thiệu về văn nghiệp của Isak Dinesen của Susan C.Brantly.

Vào năm 2013, Folio, nhà xuất bản chuyên làm ấn bản sách đẹp, cho ra mắt phiên bản "Bảy chuyện kể Gothic" lộng lẫy với mười tranh minh họa kỳ ảo của họa sĩ Kate Baylay, và đặc biệt có lời giới thiệu của nữ nhà văn tài danh Margaret Atwood (mà độc giả Việt Nam rất quen thuộc qua tác phẩm "Chuyện người tùy nữ").

Bà chia sẻ: "Những niềm vui thú bà" (Isak Dinesen) mang đến cho bao độc giả đã vượt qua thời gian. "Bảy chuyện kể Gothic" là dấu ấn mở màn cho sự nghiệp văn chương nổi bật, tác phẩm đưa Dinesen vào danh sách các tác giả quan trọng của thế kỷ hai mươi. Và bao bạn đọc và cả người viết văn có thể nhớ mãi về Isak Dinesen như là: “Bà ơi, người kể chuyện lão luyện, bà lúc nào cũng đem lại những điều có ích cho tôi”.

Và thú thật, tôi cảm thấy tâm trạng mình khi hoàn thành chuyển ngữ "Bảy chuyện kể Gothic" hệt như nhà văn Mỹ Dorothy Canfield đã thốt lên khi lần đầu thưởng thức: “Chúng ta đưa ra đủ mọi điều vô nghĩa lý khi gắng diễn đạt về thứ gì đó - sách vở hay món ăn - khi nó đem tới cho chúng ta thứ cảm giác mới lạ. Nhưng làm sao mà khơi gợi lên ngôn từ diễn đạt bất kỳ cảm giác nào trừ phi người ta đã phải biết đến cảm giác đó rồi! Thôi thì đành phải nói thế này cho phải lẽ: Cứ nếm thử đi, bạn sẽ ngấu nghiến ngay thôi mà!”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn