MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bay cùng Phạm Phú Thái

NGUYỄN THỤY KHA LDO | 10/09/2016 13:13
(Đọc “Lính bay” tập 1, Hồi ký của Phạm Phú Thái, NXB Hội Nhà văn 2016, 519 trang)  

Gặp Phạm Phú Thái trong chương trình “Giai điệu tự hào”, tôi rất ngạc nhiên. Khó nghĩ một trung tướng đã ở giữa tuổi U70 lại vẫn trẻ và đẹp trai (chứ không đẹp lão) đến thế. Anh có mặt trong “Hội đồng bình luận” vì trong chương trình có ca khúc “Hà Tây quê lụa” của Nhật Lai, mà trong ca khúc ấy có câu hát: “Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc”. Người xem rất muốn nghe tâm sự của một phi công về câu hát ra sao. Phạm Phú Thái nói rất sôi nổi. Cũng qua chương trình được biết anh sắp ra mắt tập đầu hồi ký mang tên “Lính bay” và được nhìn thấy cả bìa hồi ký. Hôm ra mắt sách, tôi được Phạm Phú Thái mời đến. Đấy là ngày vui chung của anh em “lính bay” chứ không riêng Phạm Phú Thái. Chúng tôi được gặp lại phi công anh hùng tên tuổi một thời. Vui, song tôi chỉ lo cái vui đó lớn hơn tầm vóc cuốn sách. Nhưng tôi đã lo thừa. “Lính bay” của Phạm Phú Thái quả thật là một hồi ký có tầm vóc và độc đáo. Phạm Phú Thái không chỉ nói về mình mà qua các trang hồi ký của mình đã mang đến cho người đọc một cảm xúc bi tráng của lực lượng phi công quân đội trong cuộc chiến tranh Việt Nam với Mỹ.

Cho đến ngày hôm nay, người đọc thừa biết nhiều trang viết về chiến tranh mà toàn thấy “ta thắng, địch thua” đã hóa thành những trang viết thảm hại, vô nhân tâm “tô hồng lại hóa bôi đen” “cuộc chiến tranh vĩ đại đã được tạo ra từ biết bao xương máu, biết bao dâng hiến và hy sinh”.

Phạm Phú Thái đã không bị trượt theo lối mòn trơ trẽn đó. Anh đã thực lòng xúc cảm quá khứ và đưa nó tràn trề lên trang viết. Qua “Lính bay”, ta thấy rõ công lao đào tạo của Liên Xô cũ trong lĩnh vực không quân đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Lại thấy tấm lòng người dân đất nước rộng lớn này với Việt Nam thời chống Mỹ. Qua “Lính bay”, ta hiểu thêm sức mạnh của Không lực Mỹ - một Không lực chuyên nghiệp tầm cỡ số 1 thế giới phải đối đầu với một không lực du kích nhưng không dễ đè bẹp. Có những điều lần đầu chúng ta biết, Phạm Phú Thái vào lính không quân chưa tròn 16 tuổi, chưa học hết lớp 8, được sang Liên Xô học chỉ có 2,5 năm, trở về làm phi công mang hàm binh nhất. Anh đã không ngần ngại kể về những tổn thất không nhỏ của không quân ta trong các trận đánh, của đồng đội như Nguyễn Hồng Nhị (bắn rơi 8 máy bay có người lái và không người lái của Mỹ) nhưng cũng 2 lần bị Mỹ bắn hạ, Vũ Ngọc Đỉnh cũng 3 lần bị Mỹ bắn rơi, còn chính anh lần đầu lái Mig 21 vào trận chưa làm nên chuyện gì cũng bị bắn phải bỏ máy bay để nhảy dù…

Cũng qua hồi ký, bạn đọc còn biết thêm về sự đóng góp và hy sinh của các phi công CHDCND Triều Tiên, sự giúp đỡ to lớn của các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô.

Tập 1 của “Lính bay” chủ yếu viết về thời kỳ 1968, Phạm Phú Thái có hứa với bạn đọc, cuối năm 2017, anh sẽ hoàn thành tập 2 để kể về giai đoạn 1969 - 1975 tới lúc anh nghỉ hưu 2010 - trên cương vị Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng. Anh cho rằng, “Lính bay” tập 2 có thể làm khó cho NXB và chính tác giả vì “những điều có thể chưa tiện công bố”. Điều đó cũng có nghĩa là tập 2 sẽ rất đáng đọc, bởi tập 1 theo ý kiến riêng tôi cũng còn hơi dàn trải.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn