MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo tàng nằm trên căn nhà 3 tầng cổ kính ở số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, TPHCM.

Bên trong căn nhà cổ nơi thời gian như quay ngược

Bài và ảnh diệu mi LDO | 22/12/2023 10:07

Trên con đường Trần Quang Khải, Quận 1, TPHCM rợp bóng cây xanh, bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định nằm trong một căn nhà ba tầng với dáng vẻ cổ kính.

Bên trong căn nhà lịch sử

Từ tầng trệt, chúng tôi được hướng dẫn đi thang máy để lên tầng 2 của căn nhà. Thang máy khá cổ nhưng vẫn còn hoạt động tốt, bên ngoài là khung sắt trang trí hoạ tiết tinh xảo, bên trong là thùng gỗ có lỗ thoáng khí, cảm giác dễ chịu, không bị bí bách.

Thang máy đến tầng 2, chúng tôi bước ra, tiếng xe cộ ngoài đường phố vẫn nhộn nhịp, nhưng ai nấy cảm giác như chiếc đồng hồ vừa “quay ngược thời gian” khi nhìn thấy nhiều vật dụng, bàn ghế cổ xưa, nhà lợp ngói, cột gỗ, tường vàng. Từ đây, mọi sự xô bồ của phố thị lùi về phía sau, không gian nhường lại cho sự yên tĩnh, trang nghiêm và có phần ấm cúng.

Góc tưởng niệm lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trang trọng đặt những bông hoa trắng.

Võ Minh Chiến, thuyết minh viên của bảo tàng, dẫn chúng tôi khám phá hiện vật và tư liệu bên trong. Minh Chiến cho biết ngôi nhà nơi chúng tôi đang đứng được xây dựng từ năm 1963, từng là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập với tên gọi Nghiệp đoàn Ngọc Quế, do Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai quản lý. Tuy nhiên, đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Thực chất căn nhà là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Thuyết minh về những cuộc tấn công của Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Vừa nói, Chiến vừa chỉ những dụng cụ đục đẽo, gia công đồ nội thất, máy may rèm trang trí trong Dinh Độc Lập của nghiệp đoàn lúc xưa được sưu tầm, gìn giữ tới bây giờ. Cạnh đó là phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, bàn ghế, tủ, tivi vẫn còn nguyên vẹn của gia đình Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai khi hoạt động tại căn nhà này.

Kỷ vật kể chuyện

Tham quan xong, chúng tôi di chuyển tới khu vực trưng bày dấu ấn những trận tập kích của lực lượng Biệt động Sài Gòn vào khách sạn Caravelle (1964), cư xá Brink (1964), nhà hàng nổi Mỹ Cảnh (1965), khách sạn Metropole (1965), khách sạn Victoria (1966)...

Theo dõi hình ảnh được trình bày sinh động và nội dung trực quan, chúng tôi càng ngưỡng mộ thế hệ cha anh đã dũng cảm, mưu trí hoạt động bất chấp hiểm nguy, tấn công vào những địa điểm tưởng chừng như được bảo vệ nghiêm ngặt của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa lúc bấy giờ.

Những vật dụng sinh hoạt của gia đình Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai.

Thuyết minh viên Minh Chiến giải thích thêm, vì lực lượng biệt động hoạt động trong nội đô Sài Gòn, nên việc cung cấp hậu cần vũ khí gặp không ít khó khăn. Dù vậy, các chiến sĩ cách mạng đã nghĩ cách dùng những khúc gỗ to khoét rỗng bên trong để chứa lựu đạn. Ngụy trang cần xé đựng rau củ, còn phía dưới là vũ khí, nhìn bên ngoài rất khó phát hiện.

“Đây là chiếc xe Velo Solex mà ông Trần Văn Lai giao cho giao liên Nguyễn Ngọc Huệ làm công tác vận chuyển thư từ, tài liệu, tiền vàng từ năm 1964 đến năm 1967. Chiếc xe này ngày xưa đáng giá bằng một căn nhà. Các chiến sĩ biệt động sử dụng những chiếc xe đắt tiền như thế này để địch không nghi ngờ”, Chiến nói.

Kỷ vật quý giá trong bảo tàng.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định không quá lớn nhưng trưng bày hàng trăm hiện vật, tư liệu như: các loại vũ khí lực lượng biệt động sử dụng trong hai thời chống Pháp và chống Mỹ, thư từ, vật dụng sinh hoạt, thiết bị thông tin liên lạc. Trong đó, một bản đồ lớn được dựng lại, thể hiện các mũi tiến công của Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Đặc biệt, bảo tàng có một góc trang trọng dành để tưởng niệm lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, du khách có thể ngồi lại và viết cảm nhận của mình sau khi tham quan. Bảo tàng mở cửa từ 7h đến 21h30 phút mỗi ngày. Dịp lễ Tết, lượng khách đến đây khá đông.

Chiếc bàn cho khách dừng chân, uống nước và ngắm phố trong chuyến tham quan.

Tránh đông đúc, du khách có thể đến vào buổi chiều và tối, chỗ đậu xe khá thuận tiện. Ở tầng 2 của bảo tàng có không gian cà phê nghỉ chân với nhiều cây xanh, khá “chill”, khách có thể ngồi lại uống nước, “sống chậm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn