MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên trong trung tâm sàng lọc bệnh nhân COVID-19. Ảnh: CNA

Bên trong trung tâm sàng lọc COVID-19

gia minh LDO | 25/05/2020 06:11
Khi số ca mắc bệnh COVID-19 tiếp tục gia tăng, các y bác sĩ, y tá và nhân viên y tế tại Bệnh viện Tan Tock Seng và Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore càng bận "tối mặt tối mũi" để sàng lọc hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày.

Gỡ bỏ khẩu trang như được thở lại!

Tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NCID), một thứ quan trọng trong quá trình chống lại đại dịch không gì khác là... kem. Charmaine Manauis không đùa khi nói điều đó. Cô là cố vấn chính trong các vấn đề về bệnh truyền nhiễm tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Tan Tock Seng - nơi chịu trách nhiệm sàng lọc bệnh nhân COVID-19. "Kem khá quan trọng. Nó khiến chúng tôi thấy vui vẻ. Ngoài ra, chúng tôi cảm thấy khá nóng nực khi mặc các bộ đồ bảo hộ kín mít. Do đó, chúng tôi thích ăn kem trong giờ nghỉ" - Manauis cho hay.

Thực vậy, cô cùng các đồng nghiệp thường phải mặc bộ đồ bảo hộ màu vàng, đội mũ trùm đầu, đeo găng tay, kính bảo hộ và khẩu trang N95 từ 7-10 giờ mỗi ngày. "Khi tôi cởi bỏ bộ đồ màu vàng, người tôi thường đầm đìa mồ hôi. Khi gỡ khẩu trang, tôi cảm giác như có thể thở lại được" - Manauis chia sẻ.

Đó là cách mà các nhân viên trực ở cả Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tan Tock Seng (TTSH) và NCID phải "sống chung" trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành.

Và không chỉ các bác sĩ trực cấp cứu mới theo dõi các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19. Tại bộ phận này, khoảng 20 bác sĩ thay ca nhau bất cứ vào thời điểm nào trong ngày, kể từ Tết Nguyên đán đến nay. Hàng trăm bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác nhau tại bệnh viện, từ Khoa tiết niệu, Tai-mũi-họng đến Phẫu thuật thẩm mỹ, đều được huy động để đào tạo cùng thực hiện nhiệm vụ liên quan đến COVID-19. Theo đó, kể từ trường hợp đầu tiên ở Singapore được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 vào ngày 23.1, hơn 400 bác sĩ của TTSH đã được chỉ định làm việc tại Trung tâm sàng lọc NCID ở bên kia đường. Và người phối hợp đào tạo đội ngũ này là Charmaine Manauis - cố vấn cấp cao hàng đầu về sàng lọc bệnh truyền nhiễm, trong đó có COVID-19.

"Bão" COVID-19 đến vào ngày nghỉ

Người phụ nữ 42 tuổi cũng như "sếp" của cô - Giáo sư Ang Hou là Trưởng khoa Cấp cứu, đều đang trong kỳ nghỉ vào tháng 12 năm ngoái khi lần đầu tiên họ nghe về một căn bệnh bí ẩn xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc). 

"Tôi nghĩ có thể là một vấn đề gì đó. Vì vậy, tôi trở lại làm việc, thì cơ quan đã bắt đầu tiến hành sàng lọc những du khách đến từ Vũ Hán" - Manauis kể lại.

Đó là ngày mà Bộ Y tế Singapore tuyên bố rằng, họ đang theo dõi chặt chẽ sự bùng phát của căn bệnh gây ra viêm phổi cấp này.

Những tiếng thì thầm nhắc nhớ về Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) bắt đầu loang ra tại TTSH. Những ký ức sống lại. Đặc biệt khi bạn bè, đồng nghiệp của họ đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Ngay cả trước khi đưa ra cảnh báo màu cam về tình hình dịch bệnh, số người mắc COVID-19 tăng nhanh mỗi ngày đến mức họ phải chuyển sang nơi rộng rãi hơn, ông Ang cho biết thêm. Đến ngày 29.1, trung tâm sàng lọc chính thức được thành lập và hoạt động 24/24 giờ.

Xây dựng lều dã chiến

Trong vài tuần đầu tiên trung tâm đi vào hoạt động, những người như Manauis cực kỳ bận rộn.

"Chúng tôi tiếp nhận cuộc gọi 24/7. Thứ 7 hàng tuần, chúng tôi sẽ đào tạo (nhân viên). Trong tuần, chúng tôi sẽ xem xét cách thức, quy trình hoạt động có tốt hay không" - Manauis cho hay.

Một trong những điểm nghẽn là các phòng chụp X-quang. "Nếu trung tâm sàng lọc chật kín bệnh nhân, thì sẽ có hàng dài bệnh nhân chờ chụp X-quang. Vì vậy, chúng tôi cần làm việc hiệu quả hơn nữa, cũng như cần nhiều máy chụp chiếu hơn" - cô nói.

Dựa trên lịch sử đi lại, kết quả chụp X-quang, các bác sĩ sẽ quyết định xem bệnh nhân có phải nằm viện hay không. Đối với những bệnh nhân cần nhập viện, thời gian nằm viện chưa thể biết được sẽ là bao lâu. Gia đình họ thì sao? Giáo sư Ang kể lại những băn khoăn vào thời điểm đó.

Nhiều người phải đến trung tâm sàng lọc vì họ đã tiếp xúc gần và thường xuyên với du khách đến từ Trung Quốc: Từ tài xế taxi, tài xế xe buýt, những nhân viên tại các điểm du lịch hay khách sạn, tại sân bay, sòng bạc... Tất cả họ đều phải qua khám, xét nghiệm sàng lọc. Vì vậy, sau quá trình khử khuẩn, sàng lọc, TTSH tham khảo ý kiến của Bộ Y tế và cho những đối tượng này xuất viện để dành giường cho những bệnh nhân thực sự mắc bệnh, cần điều trị.

Song, họ biết rằng, số bệnh nhân sẽ sớm hay muộn tiếp tục tăng, nhất là khi dịch bệnh đã bùng phát trên khắp thế giới, theo ông Ang. "Do đó, chúng tôi quyết định dựng lều dã chiến để có thêm địa điểm tiến hành tiếp nhận và sàng lọc bệnh nhân" - Giáo sư Ang nói.

Vào ngày 23.3, đội ngũ ở TTSH phải tiến hành sàng lọc số lượng bệnh nhân kỷ lục: Hơn 520 người. "Chúng tôi gọi đó là ngày thứ Hai khủng khiếp nhất. Bệnh nhân ồ ạt đến vào chiều và tối. Chúng tôi phải làm việc ở lều dã chiến đến 3 giờ sáng và rất nhiều bệnh nhân phải chờ rất lâu. Đó thực sự là một cuộc chiến" - Manauis cho biết.

Bác sĩ Charmaine Manauis phải thay đổi cách thức điều trị thường xuyên để thích ứng với sự phức tạp của COVID-19. Ảnh: CNA

Một thách thức mới - lao động nhập cư

Vẫn còn hàng trăm bệnh nhân cần được sàng lọc hàng ngày. Sự tăng đột biến các ca nghi ngờ từ lao động nhập cư khiến các căn lều dã chiến tràn ngập người. "Chúng tôi cần khu vực chờ rộng hơn nữa" - Manauis cho hay.

Những ca có xét nghiệm âm tính cũng phải chờ để được đưa trở lại ký túc xá của họ. Nhưng số lượng nhiều quá, nên họ có thể phải chờ từ 18-20 tiếng. Mặc dù hiện nay, đã có thêm các cơ sở cách ly như Swab hay CherryLoft, song cũng thường chật kín người. "Mỗi ngày, chúng tôi đều tự hỏi liệu còn chỗ trống nào không" - Manauis chia sẻ.

Sau đó, một thông tư của Bộ Y tế đưa ra những cập nhật mới về các tiêu chí xác định căn bệnh, bao gồm cả các triệu chứng mất cảm giác về mùi, tiêu chảy, nôn mửa... Thậm chí, mất cảm giác về mùi chỉ một phần hoặc toàn bộ. Kể từ đó, Manauis bắt đầu thực hiện những quy trình lâm sàng và hướng dẫn thêm cho nhân viên tại TTSH về sàng lọc, kiểm soát nhiễm khuẩn với 61 hướng dẫn để nhân viên tuân theo. Ngoài ra, còn có một quy trình làm việc với 17 hướng dẫn đối với lao động nhập cư ở ký túc xá.

Gồng mình chống dịch lâu dài

Manauis cũng đã đào tạo 9 nhóm bác sĩ đến từ nhiều khoa khác nhau, với 51 người trong mỗi đợt. Họ làm việc theo chu kỳ 10 ngày như một phần của đội ngũ hơn 100 người gồm các y tá, nhân viên y tế, cùng làm việc tại trung tâm sàng lọc. Hầu hết trong số họ, kể cả chuyên gia cao cấp, đều là tình nguyện viên. Một số người đã quay vòng làm việc tại bộ phận này nhiều lần.

Công việc sàng lọc rất khác với những gì họ làm hàng ngày. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi họ hơi e ngại. Nhưng họ rất sẵn lòng giúp đỡ thực hiện nhiệm vụ, Manauis cho hay. Và cô thấy biết ơn tất cả những sự hỗ trợ. "Chúng tôi thực sự cần sự giúp đỡ của các bạn trên tuyến đầu. Thay mặt phòng cấp cứu, chúng tôi cảm ơn các nhân viên tình nguyện" - Manauis xúc động nói.

Có một điều là, bộ phận của cô không chỉ làm việc ở trung tâm sàng lọc, mà còn tham gia vào các trường hợp khẩn cấp thông thường. Để thực hiện được tốt nhiệm vụ, các nhân viên của trung tâm huỷ hết nghỉ phép và giảm cả ngày nghỉ của mình. 

"Mọi người đều hy sinh, không chỉ tôi hay các bác sĩ... Nhưng chúng tôi sẵn sàng làm điều này vì chúng tôi biết rằng đây là công việc của mình" - Manauis nói.

"Đối với chúng tôi, những người từng thực hiện nhiệm vụ tại đây một thời gian, trải qua các đợt bùng phát khác nhau, đều biết rằng có khả năng tình trạng này sẽ kéo dài" - Giáo sư Ang chia sẻ.

"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để góp sức mình trong công cuộc chống dịch của đất nước, đặc biệt hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 đang ngày càng tăng. Chúng tôi vẫn ổn. Chúng tôi vẫn có kem, nên rất vui" - Manauis cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn