MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách nhặt rác cùng người dân Đà Nẵng làm sạch biển.

Biển Việt Nam đang ngập trong rác thải nhựa

thùy trang LDO | 19/08/2018 07:00
Đó là khẳng định của những chuyên gia về thực trạng của Việt Nam và cả thế giới. Rác thải nhựa là vấn đề của toàn cầu đang phải đối mặt mà nếu không có sự hành động ngay từ bây giờ, chỉ vài mươi năm nữa, biển sẽ ngập trong rác nhiều hơn là cá.

Rác thải nhựa đe doạ toàn cầu

Mới đây, Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp cùng UBND TP. Đà Nẵng và Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức chương trình chung tay bảo vệ đại dương. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ của kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Bộ trưởng Môi trường đang diễn ra tại Đà Nẵng. Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự lan toả, truyền cảm hứng chung cho cộng đồng quốc tế và trong nước về việc bảo vệ biển cũng như hạn chết rác thải nhựa ra môi trường.

Tham dự buổi lễ, bà Maimunah Mohn Shrif – Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chỉ ra thực tế, biển là nguồn tài nguyên quý giá nhất của con người. Tuy nhiên, biển đang đối mặt với việc con người đổ rác thải nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, đặc biệt là rác thải nhựa xuống biển.

Thống kê có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra hàng năm không thể phân huỷ được. Chúng có thể tồn tại trong môi trường hàng thiên niên kỷ, làm ô nhiễm biển và có thể bị những loài động vật biển nhầm lẫn là thức ăn. Ngoài việc phá huỷ đời sống tài nguyên biển, thì hành động thải rác thải nhựa ra đại dương đe doạ đến sinh kế của hàng triệu người đang phụ thuộc vào biển.

Riêng với Việt Nam, TS Quách Thị Xuân - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững Đà Nẵng cho biết trung bình mỗi người Việt Nam thải ra 1,2kg rác, trong đó 16% là rác thải nhựa. Như vậy mỗi ngày người dân Việt Nam thải ra môi trường 19.000 tấn rác thải nhựa. Đáng lo ngại hơn là lượng rác thải nhựa được tái chế còn rất thấp, nên số rác nhựa còn lại vẫn tồn tại trong môi trường và đi ra đại dương.

Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm nhựa đang rất nghiêm trọng. Nhựa đang gây ra những vùng chết trên đại dương, gây tổn hại đến trữ lượng cá. Có không ít những hình ảnh rùa biển bị chết do mắc vào lưới đánh cá hoặc ăn phải rác thải nhựa.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trên 109 quốc gia chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 17 về lượng xả thải rác thải nhựa. Việt Nam được biết đến là có số lượng rác thải nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Việt Nam nằm trong top 5 thế giới về số lượng rác thải nhựa ra đại dương là những con số đáng báo động. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không hành động ngay bây giờ thì đến năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn là cá.

Các chuyên gia nhận định nếu không hành động, đại dương sẽ nhiều rác hơn là cá.

Cam kết hành động

Tham dự buổi lễ phát động chung tay làm sạch đại dương tại Đà Nẵng, bà Maimunah Mohn Shrif – Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chia sẻ: “Một nửa dân số thế giới hiện nay và 3/4 dân số thế giới chúng ta là thành phố ven biển. Các thành phố là nhân tố chính gây ra ô nhiễm biển, rác thải nhựa. Vì vậy, các thành phố là đối tượng đóng góp quan trọng làm cho biển và đại dương trở nên tốt đẹp hơn.

Việt Nam đang có những bước đi trong việc quản lý chất thải rắn, nước sạch. Chúng tôi cam kết hỗ trợ các quốc gia tăng cường các nguồn lực quản lý bền vững trong đó có biển, nước sạch, đặc biệt là giảm nguồn rác thải. Chúng tôi ủng hộ và khuyến khích các dự án, các ngành công nghiệp tái chế rác thải. Rác thải đại dương còn xuất phát từ các hệ thống rác thải, cống thái, chính vì vậy chúng ta phải thay đổi thoát nước, thiết kế các hạ tầng xả thải”.

Cùng đóng góp ý kiến, bà Ariana Dinu – Giám đốc tài chính môi trường toàn cầu, chương trình phát triển Liên Hợp Quốc cũng chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ tài nguyên biển. “Chúng ta có thể làm ngay những việc như cam kết thu gom rác, không xả rác ra môi trường, giảm chất thải nhựa dùng một lần, thực hiện tốt quy hoạch quản lý chất thải trên đất liền và kết nối với các quốc gia khác để chung tay giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu”.

Tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia quốc tế, phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, hiện nay, các quốc gia đang có nhiều nỗ lực từ những hành động mang tính pháp lý để triển khai thực hiện, các dự án cụ thể để bảo vệ môi trường biển.

“Hoạt động làm sạch biển là dịp nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của nhân dân trong việc thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường biển, cũng như thúc đẩy sự phối hợp của các cấp chính quyền hoàn thiện thể chế chính sách, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát chất thải biển.

Sự tham dự của những đại biểu đến từ nhiều quốc gia, tổ chức xã hội thế giới chứng tỏ được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trước vấn đề toàn cầu này. Việt Nam cam kết tham gia với cùng cộng đồng quốc tế xây dựng mối quan hệ đối tác vì một đại dương không rác thải nhựa”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn