MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bình minh trên ruộng muối. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Bình minh trên cánh đồng muối Long Điền

ý yên LDO | 28/05/2023 07:28
Cách TPHCM chưa đầy 100 cây số, Long Điền được xem như một trong những vựa muối lớn nhất của Bà Rịa - Vũng Tàu với những cánh đồng phẳng lặng như gương trải rộng mênh mang. 

Dọc vùng biển Long Hải hoang sơ của Bà Rịa - Vũng Tàu, du khách đi theo tỉnh lộ 44A đến huyện Long Điền sẽ thấy những ruộng muối trải dài đến cuối chân trời. Bên này có người đang cào những lằn muối nổi trên mặt nước, đằng kia từng hàng xe cút kít nối đuôi chở muối chất lại thành từng đống trắng xóa một góc... dưới ánh nắng đầu ngày. 

Vốn đam mê ghi lại những khoảnh khắc đẹp của người lao động, nhiếp ảnh gia tự do Nguyễn Khánh Vũ Khoa (TPHCM) tìm đến xứ muối Long Điền vào một ngày tháng 3.2023. Để thấy trọn vẹn một ngày làm việc của diêm dân, anh Khoa cùng một người bạn thức giấc từ 3h30 sáng, men theo con đường nhỏ xuyên qua đồng.

Đi giữa những dây muối. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Tới một chòi tôn nhỏ bên ruộng muối, hơn chục diêm dân đang đợi hai vị khách cùng những người khác đến cho đủ mới cùng ra đồng. Những người cào muối nhỏ có, lớn có, già cả có, nhưng có lẽ nghề này quá khắc nghiệt nên không thấy bóng dáng phụ nữ. Anh Khoa cùng bạn ngồi lại uống chén nước, lắng nghe những câu chuyện thường ngày của họ trước khi cùng bắt đầu một ngày làm việc với những diêm dân.

Cả đoàn hơn hai chục người lên những chiếc ghe đi sâu vào trong những dây muối chờ diêm dân cào. Khi ghe dừng, tất cả xuống lội trên đường sình lầy để ra ruộng.

“Đường sình lầy lún tới gối, quả thật lúc đó mình nghĩ chắc kẹt lại tới tối quá, nhưng bò mãi cũng tới nơi”, anh Khoa chia sẻ, “Đường đi do người dân lấy sình đắp lên chờ khô, đi xe máy bùn sẽ sạt ngang trượt xuống ruộng nên chỉ có đi bộ. Đường từ sình nên chỉ đi chân không, giày dép đi một hồi dính sình khô lại, nhắc chân không nổi”.

Đến nơi, trước mắt anh bao la là ruộng muối trải dài tít tắp đến chân trời. Một ngày của diêm dân trong vụ muối bắt đầu từ khoảng 4h. Đầu tiên, họ gom muối đã kết tinh thành đống cho ráo nước, rồi xúc lên xe đẩy đến nơi tập kết bán cho thương lái. Xong xuôi, một guồng quay lặp lại từ khâu dẫn nước mặn vào ruộng để làm mẻ muối mới.

Muối chất thành đống đợi chuyển đi. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Diêm dân chỉ làm từ 4h đến 8h30, 9h là nghỉ. "Vì người ta làm cái giờ trước khi mặt trời lên, chứ mặt trời lên nắng lắm chịu không nổi. Hơi muối, nước biển bốc lên làm không khí nóng khủng khiếp" - anh Khoa kể.

Mỗi vụ muối ở Long Điền hàng năm bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau theo lịch âm, trùng với mùa khô để muối kết tinh thành những hạt to, trắng, chắc và đậm vị nhất. Ngày càng nắng gắt, diêm dân càng phải tranh thủ cào muối vì chỉ cần một cơn mưa đổ xuống là bao nhiêu sức đổ xuống sông xuống bể, mất luôn một ngày công.

Nghề muối nghe có vẻ đơn giản, chỉ bơm nước biển vào ruộng đợi muối kết tinh là xúc mang đi bán, nhưng thực tế cực trăm bề. Muối được mùa mất giá, được giá mất mùa, diêm dân quanh quẩn với cái nghề người ta vẫn gọi vui là “làm một ngày, ăn cả năm”. Muối mặn ngấm vào da thịt, vào quần áo bạc màu. Dưới tiết trời nắng nực, áo người lao động lúc nào cũng đẫm mồ hôi. 

“Nghề này quá cực, nước da của những người lao động đen bóng, bàn tay ngâm nước muối bong tróc, chai sạn. Nghề này có câu nói về nỗi vất vả mà ai trong nghề mới hiểu hết: Giọt mồ hôi còn mặn hơn cả muối" - anh Khoa tâm sự.

Bữa sáng trên đồng. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Vất vả là vậy, một ngày công của họ lại thuộc hàng thấp nhất - khoảng 200.000 đồng, giá muối bán cho thương lái cũng chỉ vài nghìn đồng 1 kg. Thu nhập bấp bênh, phụ thuộc thời tiết nắng mưa, không ít người chuyển sang làm công việc khác, chỉ còn một số diêm dân vẫn bám trụ với nghề.

Phải đến, mắt thấy, tai nghe mới cảm nhận phần nào cái nhọc nhằn của nghề muối, trân trọng những hạt muối tinh mặn mòi của miền biển Long Hải và thêm trân quý những diêm dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên đồng muối phẳng như gương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn