MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Yanghwadaegyo bắc qua sông Hàn ở Seoul, nối Hapjeong-dong của Mapo-gu và Yangpyeong-dong của Yeongdeungpo-gu. Ảnh: SEOUL METROPOLITAN GOVERNMENT

Cảm hứng từ hình mẫu "kỳ tích sông Hàn"

Thanh Hà LDO | 27/02/2022 09:38
Seoul trải dài đôi bờ sông Hàn (phiên âm chính xác là Hán Giang) với những cây cầu, tuyến đường cao tốc, công viên mặt nước, cao ốc ven sông... có thể được xem là hình ảnh biểu tượng cho sự phát triển nhanh chóng, minh chứng cho sự phát triển huyền thoại thường được gọi là "kỳ tích sông Hàn" mà Hàn Quốc đạt được. 

Cuộc "nam tiến" vượt sông của đô thị cổ

Thành phố Seoul nằm ở trung tâm của bán đảo Triều Tiên với cấu trúc Seoul hiện đại hình thành vào cuối thế kỷ 19 khi mở cảng. Trong bài đăng gọi Seoul là "một thành phố cổ và hình mẫu hiện đại của đô thị Đông Á", các tác giả blog The Metropole chỉ ra, từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai đến những năm 1980, quy hoạch đô thị ở Seoul chịu 2 ảnh hưởng chính: Các chính sách của Nhật Bản được thiết lập vào thời chiếm đóng và các nhà quy hoạch phương Tây như Oswald Nagler người Mỹ. Nagler “đã giới thiệu, áp dụng và bản địa hóa các nguyên tắc quy hoạch phương Tây cho Hàn Quốc một cách nghiêm túc”, tác giả Sanghoon Jung, Đại học Harvard, nêu trong công trình nghiên cứu về kế hoạch phía nam Seoul của Viện Quy hoạch Nhà ở, Đô thị và Khu vực (HURPI).

Seoul tọa lạc trong một lưu vực tự nhiên với sông Hàn chia thành phố từ đông sang tây thành 2 phần nằm ở bờ bắc và bờ nam. Alan Timblick - người đứng đầu Seoul Global Center - cho hay, những năm 1970, Seoul nằm gần như hoàn toàn ở bờ bắc sông Hàn và con sông gần như được xem là giới hạn phía nam của thành phố. Việc điên cuồng xây dựng cầu bắc qua sông Hàn bắt đầu từ những năm 1980 vì từ thời điểm này đã có sự chuyển dịch dân số lớn đến các khu dân cư mới phát triển ở Gangnam - khu vực phía nam sông Hàn. Bởi thế, chẳng bao lâu sau, sông Hàn bớt là trở ngại và trở thành "sợi dây" kết nối 2 nửa Seoul lại với nhau.

Quá trình tạo lập đô thị lý tưởng 

Trong nửa thế kỷ, Seoul đã vượt qua nhiều vấn đề đô thị khác nhau để phát triển và tiến tới một thành phố thông minh, nơi sinh sống lý tưởng cho 10 triệu dân. Sự phát triển đương đại của đô thị Seoul có thể được chia thành 3 giai đoạn, theo trang Seoul Solution của chính quyền đô thị Seoul.

Những năm 1960 - 1970, Seoul trải qua nhiều vấn đề đô thị nghiêm trọng như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, hình thành các khu định cư bất hợp pháp và tình trạng thiếu nhà ở do lượng dân cư đổ về đông đúc và thiếu cơ sở hạ tầng xã hội. Để giải quyết những vấn đề này, chính quyền Seoul tập trung vào việc thiết lập một cơ sở hạ tầng cơ bản thông qua mở rộng đường sá, xây dựng các khu chung cư tại những khu định cư bất hợp pháp, xây cầu vượt Cheonggye và đảo Yeouido.

Những năm 1980 - 1990, chính quyền Seoul bắt tay vào một loạt chính sách cải thiện đô thị chuẩn bị cho Hàn Quốc đăng cai Asian Games 1986 và Olympic 1988. Một mặt, một kế hoạch phát triển chung cho sông Hàn được phác thảo với những con đường Gangbyeonbuk-ro và Olympic-daero được xây dọc sông. Đồng thời, chính quyền Seoul mở các tuyến tàu điện ngầm số 2-8 và thành lập các khu chung cư quy mô lớn ở Gangnam, Mok-dong, Godeok-dong, Gaepo-dong và Sanggye-dong để đáp ứng nhu cầu bùng nổ của tầng lớp trung lưu. Kết quả của dự án phát triển cơ sở hạ tầng mở rộng này là Seoul đảm bảo một mạng lưới cơ sở hạ tầng đô thị tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng cũng tạo ra một số tác động môi trường, xã hội.

Những năm 2000 tới nay, chính sách quản lý đô thị của Seoul chuyển hướng sang tạo ra một thành phố bền vững với công nghệ thông tin tiên tiến. Song song với một số dự án phát triển vành đai xanh như khôi phục suối Cheonggyecheon và lập rừng Seoul, cơ quan quản lý đô thị Seoul được số hóa. Gần đây, Seoul đã phải trải qua một sự thay đổi mô hình trong chính sách đô thị, thúc đẩy các dự án cải tạo như trung tâm mua sắm Seoullo 7017 và Sewoon.

East Asia Forum chỉ ra, trong quá trình Seoul phát triển, các tỉnh xung quanh Gyeonggi và Incheon, được tích hợp vào một khu vực rộng lớn được gọi là Vùng Thủ đô (CR). Để đối phó với tình trạng di cư ồ ạt và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của CR, Hàn Quốc ban hành các chính sách phân cấp và chính sách quản lý tăng trưởng từ năm 1982 nhằm giảm thiểu các vấn đề như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở và thúc đẩy phát triển công bằng trên toàn quốc. Ba phần luật chính đã được đưa ra trong CR để hỗ trợ kế hoạch quản lý tăng trưởng: Đạo luật Quy hoạch Điều chỉnh lại Vùng Thủ đô (CRRPA), Đạo luật Phát triển và Địa điểm Công nghiệp, Đạo luật Thành lập Nhà máy và Phát triển Cụm công nghiệp.

Điều quan trọng là, Ủy ban điều chỉnh của CR - chứ không phải chính quyền địa phương - có thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch để phát triển đất, bao gồm phát triển khu dân cư, công nghiệp và du lịch. Hạn ngạch lượng nhà máy được phép hoạt động trong CR cũng được đưa ra, để kiểm soát chặt chẽ việc thành lập và mở rộng nhà máy. Các trường đại học mới không thể thành lập và các trường hiện có không được mở rộng trong CR, việc xây dựng các tòa nhà văn phòng công bị kiểm soát và "phí quá đông" được áp dụng với các doanh nghiệp gây ra ùn tắc trong CR...

Hướng đến tương lai

Về phát triển đô thị bền vững, TheCityFix nhận thấy Seoul - thành phố được người Hàn Quốc thường tự hào gọi "Soul of Asia" (Linh hồn của Châu Á) - chính là hình mẫu. Giáo sư Myunggu Kang chuyên về quy hoạch và phát triển đô thị tại Đại học Seoul chia sẻ trên blog của Ngân hàng Thế giới rằng, với vấn đề giao thông, Seoul đã chủ động giải quyết cách đây gần 20 năm và chuyển giao thông vận tải của thành phố thành phương tiện di chuyển thông minh. Từ năm 1970 đến năm 2000, tỉ lệ người sử dụng xe buýt để đi lại trong thành phố đã giảm từ hơn 70% xuống dưới 30% còn người sử dụng ô tô tăng đáng kể. Sau khi thành phố áp dụng Cải cách Di chuyển Thông minh Seoul năm 2003, tỉ lệ người đi xe buýt và tàu điện ngầm tăng trở lại gần 70% và tỉ lệ đi ô tô dưới 30%.

Seoul gỡ thành công vòng luẩn quẩn nhờ công nghệ thông tin tiên tiến, bao gồm công nghệ hệ thống giao thông thông minh tiên tiến (ITS), Hệ thống quản lý xe buýt (BMS) và Hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Ví dụ, BMS là trung tâm điều khiển tích hợp có thể giám sát toàn bộ hệ thống trong thời gian thực sẽ thu thập thông tin về định vị phương tiện (vị trí và tốc độ), thông tin này được đến bảng điều khiển thông tin tại các điểm dừng xe buýt, các ứng dụng cho hành khách trên điện thoại di động và Internet. Lượng xe buýt được chỉ định cho bất kỳ tuyến đường nhất định nào có thể được điều chỉnh. Bất kỳ gián đoạn nào trong mạng lưới phương tiện có thể được quản lý tốt hơn vì trung tâm điều khiển liên lạc trực tiếp với từng tài xế xe buýt, thông tin này một lần nữa có thể thông báo nhanh chóng đến hành khách, giúp họ luôn hài lòng.

Quy hoạch thành phố thông minh của Seoul đặt nhiều nỗ lực vào việc mở dữ liệu của chính phủ và xây dựng sự đồng thuận thông qua sự tham gia của cộng đồng. Seoul đã tăng cường khả năng tiếp cận của công chúng với các dịch vụ và dữ liệu của chính phủ. Ví dụ, Seoul ra mắt Tổng đài 120 Dasan vào năm 2007 để xử lý khiếu nại qua điện thoại của chính quyền thành phố Seoul.

Trong định hướng đô thị thông minh, Seoul chú trọng tổ chức lại các không gian công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống và tính bền vững, trong đó giải quyết những vấn đề cũ theo cách mới có công nghệ hỗ trợ. Việc phục hồi suối Cheonggyecheon ở trung tâm thành phố Seoul là ví dụ điển hình. Trước năm 2003, một đường cao tốc trên cao chạy thẳng qua suối Cheonggyecheon dài 6km. Với khoản đầu tư 900 triệu USD, dự án kéo dài 2 năm và chịu chỉ trích nặng nề lúc đầu, thành phố dỡ bỏ con đường, khôi phục dòng suối và xây dựng những con phố hẹp hơn, ít xâm lấn hơn ở hai bên. Việc cải tạo dòng suối đã biến khu vực này của trung tâm thành phố Seoul thành một điểm đến hấp dẫn của đô thị, thay vì chỉ đơn giản là một hành lang trung chuyển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn