MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nhà trọ công nhân tại khu công nhân bắc Thăng Long. Ảnh: Hải Nguyễn

Cần định hình loại nhà ở cho công nhân khu công nghiệp

Linh Nguyên LDO | 26/12/2021 16:00
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà ở tiếp tục là vấn đề bức thiết đối với công nhân, lao động đặc biệt là ở khu công nghiệp, khi mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Một bộ phận lớn công nhân, lao động nhập cư phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Tuy nhiên, từ thực tế cũng có thể thấy một vấn đề nữa là việc định hình loại nhà ở theo nhu cầu của công nhân chưa được rõ.

Loại nhà ở nào phù hợp? 

Chị Nguyễn Thị Lan, từ Nghệ An ra Hà Nội. Đầu tiên chị làm cho một Công ty tại khu công nghiệp Thạch Thất. Quá trình làm việc, chị Lan gặp người bạn đời cũng là công nhân tại khu công nghiệp Thạch Thất. Hai người nên vợ nên chồng. Khi sinh con đầu lòng, vợ chồng chị Lan cũng nghĩ tới việc mua một căn nhà nhỏ gần nơi làm việc để ổn định. Số tiền gia đình hai bên hỗ trợ cộng với tiền chắt chiu nhiều năm làm việc và vay ngân hàng, gia đình chị Lan có thể mua một ngôi nhà cấp 4 ở khu vực thuộc “vùng sâu” của huyện. Nhưng rồi, chị Lan lại chuyển công việc sang khu công nghiệp Thăng Long. Kế hoạch mua nhà phải tạm dừng. Cả nhà chuyển sang thuê nhà trọ tại Đông Anh. Cho đến nay, sau một thời gian cân nhắc, gia đình chị Lan quyết định tiếp tục ở trọ vì suy nghĩ có thể thay đổi địa điểm làm việc.

Cùng là người lao động di cư, chị Lê Thu Bình từ Tuyên Quang xuống Hà Nội làm cho một Công ty may ở khu công nghiệp Phú Nghĩa. Chị Bình đã có nhà ở quê và xác định sau một thời gian làm việc ở Hà Nội, khi có một số tiền nhất định sẽ trở về quê sinh sống. Vì vậy, chị chỉ chọn thuê nhà trọ với giá thấp nhất để tiết kiệm tiền. Những người chị Bình khá nhiều vì tâm lý chung của người lao động di cư là đến các khu công nghiệp - chế xuất làm việc, dành dụm cho cuộc sống sau này ở quê.

Khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề nhu cầu nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp - chế xuất, những người thực hiện Dự án Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân (ECOW) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ kể lại câu chuyện một nam công nhân may - là đối tượng khảo sát của Dự án - còn độc thân, làm việc tại khu công chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết ở anh ở trong ký túc xá dành cho công nhân. Tiền nhà, điện, nước hết 500.000 đồng/tháng. Bạn gái anh làm cùng Công ty nhưng ở trọ bên ngoài cùng chị gái thì được hỗ trợ 200.000 đồng/tháng theo chính sách cho những người không ở trong ký túc xá.

Thực tế, có khu chế xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù quy mô của nhà ở tại đây còn rất nhỏ so với nhu cầu của công nhân nhưng đã cung cấp được chỗ ở cho công nhân với nhiều loại hình phòng, như phòng cho người đã có gia đình, công nhân nữ độc thân, công nhân nam độc thân. Đây là điều rất thuận lợi cho công nhân bởi nhiều khu ký túc xá của doanh nghiệp chỉ cung cấp chỗ ở cho công nhân độc thân. Một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã thuê lại các tòa nhà trong khu ký túc xá và cho công nhân thuê với mức giá hợp lý và thấp hơn rất nhiều so với các nhà trọ ở bên ngoài. Tuy nhiên, công nhân chỉ có thể ở đó một mình mà không thể ở cùng bạn bè hoặc người thân nếu người đó không phải là công nhân của doanh nghiệp.

Phân tích về nhu cầu nhà ở của công nhân đang làm việc tại nhiều khu công nghiệp - chế xuất, TS. Đỗ Tá Khánh - Giám đốc Dự án ECOW đặt vấn đề các cơ quan quản lý nói nhiều đến việc phải xây dựng nhiều nhà cho công nhân nhưng việc định hình loại nhà ở thế nào vẫn chưa được làm rõ. Nghiên cứu cho thấy, công nhân di cư có nhu cầu về nhà ở là nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, liệu họ có định cư tại nơi làm việc hay không? Đa số công nhân đều đã có nhà ở quê hoặc được thừa kế nhà ở quê. Họ cũng không rõ về tương lai việc làm của họ trong khu công nghiệp - chế xuất.

Các cuộc phỏng vấn cho thấy, đa số công nhân trả lời sẽ về quê sau khi không còn làm việc ở khu công nghiêp - chế xuất nữa. Đa số họ cũng thường gửi tiền tiết kiệm về quê để mua đất, xây dựng/sửa nhà cửa. Trong số trên 3.000 công nhân tại 9 khu công nghiệp được phỏng vấn trực tiếp thì tỉ lệ công nhân gửi tiền về quê chiếm 64,4% và tỉ lệ hiện có nhà ở quê cũng tương đương, chiếm 64,2%; 35,8% công nhân còn lại chưa có nhà ở quê. Dù có nhà ở quê hay không thì đa số công nhân khẳng định chưa có ý định mua nhà (chiếm 80%). Chỉ có 20% có ý định sẽ mua nhà ở nơi đang làm việc hoặc một nơi khác. Có rất nhiều lý do khiến công nhân không lựa chọn mua nhà ở nơi đang làm việc hay một nơi khác. Đầu tiên phải kể tới là rào cản về tài chính. Hầu hết các khu vực có khu công nghiệp - chế xuất đều là các khu vực có giá nhà đất đã rất cao và việc có thể mua được một ngôi nhà hoặc một căn hộ chung cư là chuyện không dễ dàng với đa số công nhân. Một khía cạnh khác quan trọng không kém là rất nhiều công nhân chưa xác định được tương lai, hoặc nếu có, họ lựa chọn quay trở về quê hương, nơi họ có người thân và, trong nhiều trường hợp, họ được thừa kế nhà từ cha mẹ của họ. 

Xây dựng nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

Năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị về một số nội dung liên quan đến việc xây dựng nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tổ chức khảo sát tại một số địa phương, từ đó đề xuất Quốc hội, Chính phủ theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chính sách nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp tại Luật Nhà ở 2014 và pháp luật khác liên quan, trọng tâm là cơ chế chính sách về quy hoạch quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư; cơ chế ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp...

Liên quan đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp - chế xuất, cũng cần cần xây dựng quy chuẩn về phòng trọ công nhân để khắc phục tình trạnghiện tại nhiều địa phương, dân cư gần khu công nghiệp xây dựng những dãy nhà trọ tồi tàn, tạm bợ - để giảm giá thành xây dựng - nhằm thu hút công nhân thuê với giá rẻ. Ở trong những phòng trọ như vậy không thể đảm bảo về sinh hoạt, sức khoẻ cho công nhân. 

Đối với những công nhân đang ở trong các khu nhà trọ, các cấp Công đoàn trong cả nước cũng đã nỗ lực cùng địa phương vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê để công nhân bớt khó khăn trong đợt dịch COVID-19. Đơn cử như Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở Hà Nội đã phối hợp với chính quyền và công an địa phương tuyên truyền, vận động 1.650 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê từ 30-100% cho công nhân lao động với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn