MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lẩu mực Đại Lãnh.

Cắn miếng mực tươi dưới chân đèo Cổ Mã

Bài và ảnh AN LÊ LDO | 14/07/2024 09:00

Đèo Cổ Mã có một nét liêu trai kỳ dị khác thường so những con đèo có chữ Mã trấn danh như đèo Mã Phục (Trà Lình, Cao Bằng), đèo Mã Yên (Chi Lăng, Lạng Sơn). Bởi đây là chốn địa đầu của vùng “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” đã khiến bao người phải dựng tóc gáy, phải đi nhẹ, thở khẽ để cầu đi qua bình yên.

*

Ấy thế mà, đứng dưới chân con đèo kỳ vĩ đó, ngửa cổ cắn ngang con mực tươi roi rói, giòn sần sật, dẻo quánh vị mặn mòi của đại dương vẫn giần giật trong thớ thịt mực ngọt lừ, thì đúng là thống khoái. Nhai thêm một quả ớt xanh, rồi chiêu một hớp rượu Bàu Đá đậu xanh lớn, cũng cảm thấy mình anh hùng lắm chứ bộ.

Đây là chỗ giao giới giữa dãy Trường Sơn hùng vĩ và biển Đông bao la. Nguyên địa thế đó đã khiến chỗ ngồi để thưởng thức miếng ngon, rượu tốt này có khí phách hào sảng, hùng tráng lắm rồi. Bởi nhạc hầu chính tiếng sóng vỗ miên viễn bất tận, còn mua vui đã có những dải mây trắng mềm mại dâng khúc Nghê Thường.

Nhưng thôi, hãy gạt qua yếu tố anh hùng đó đi, chỉ là ăn một miếng ngon của đất này thôi mà. Một miếng ngon đã khét tiếng trên con đường thiên lý Bắc - Nam, nằm lòng trong đầu các tay giang hồ bôn tẩu xuyên Việt hay cánh lái xe đường dài. Hễ nhìn thấy đèo Cổ Mã thì phải dừng lại xơi lẩu mực Đại Lãnh.

Trên con đường cái quan Quốc lộ 1, đoạn giữa đèo Cả (thuộc địa phận tỉnh Phú Yên) và đèo Cổ Mã (thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa) có một vùng biển trời tuyệt đẹp xứng đáng được gọi là giang sơn cẩm tú. Đó chính là Đại Lãnh, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Ở chân đèo Cổ Mã, có rất nhiều lựa chọn thăm thú như bãi biển Điệp Sơn với đường đi nằm dưới làn nước biển trong veo, cung trekking Đầm Môn - Mũi Đôi (Điểm cực Đông của Việt Nam, nơi đón ánh mặt trời sớm nhất đất nước), hay ngọn hải đăng Mũi Điện đánh dấu ngón chân của dãy Trường Sơn chạm vào sóng biển Đông....

Cảnh trời biển núi rừng ở đây đã mê đắm lòng người nhưng con mực Đại Lãnh còn hấp dẫn hơn. Có lẽ cấu tạo địa lý của vùng biển sâu, đầy nắng gió này đã sinh sản ra loại mực ngon hàng đầu Việt Nam. Thế nên, trên con đường dẫn vào cửa hầm xuyên đèo Cổ Mã, chi chít những hàng lẩu mực.

Đấy cũng là đích đến của chúng tôi sau một ngày hành xác, mất cả buổi tối và đêm để đi qua các đồi cát chằng chịt dây leo, xương rồng, dứa dại nhằm hướng về phía biển. Để rồi, khi ánh bình minh đầu tiên ló rạng, chúng tôi đã đứng ở Mũi Đôi chờ đợi khoảnh khắc đó. Và sau đó là hành trình quay về điểm xuất phát bằng thuyền, trong tình trạng đói khát, thèm một nồi lẩu mực nóng hổi hơn bất cứ thứ gì.

Tất nhiên, biển ở đây không chỉ có mực mà còn muôn vàn loại hải sản khác. Thế nhưng, con mực ở đây ngon xuất sắc hơn tất cả các nơi khác, vậy nên nói đến Đại Lãnh là nói đến con mực, và nói đến mực tươi, mực nháy, lẩu mực là phải nói đến Đại Lãnh, vùng biển lúc nào cũng có mực ngon, bất kể Xuân, Hạ, Thu, Đông.

**

Ngư dân Đại Lãnh chuyên nghề câu mực, đánh bắt mực bằng cách giăng lưới mành hoặc nhử bằng bẫy lồng. Cứ mỗi khi chập choạng tối, hàng trăm tàu thuyền bật đèn neon sáng rực để dụ mực, tạo thành những thành phố sao sa nổi trên biển. Vì vậy lúc nào ở đây cũng có đủ các loại mực ống, mực cơm, mực nang tươi rói.

Mực có nhiều loại, nhưng dùng để nấu lẩu kiểu Đại Lãnh thì chỉ chọn mực cơm, mực ống tươi rói, thuộc loại don don vừa miếng, lúc dọn lên bàn ăn cho thực khách thả vào nổi lẩu, con mực còn tươi nguyên, óng ánh, mắt như còn hấp háy, da nhấp nháy đổi màu, thịt mực trong veo như ngọc thạch. Chỉ nhìn cũng biết ngon thế nào.

Do nguyên liệu chính đã tươi ngon nên các thứ đi kèm khá đơn giản, không cần cầu kỳ để không làm giảm hương vị của mực. Nước lẩu (tiếng địa phương là nước lèo) cũng đơn giản, tuy nhiên, sự mộc mạc của nước lèo lại là cái nền tuyệt vời để tôn vinh cho mực, bổ khuyết cho miếng ngon thêm tròn đầy.

Nước lèo được chế biến với công thức rất đặc biệt. Đó là sự tổng hợp của các nguyên liệu, gia vị có vị nhẹ để không lấn át mùi vị đặc trưng của mực. Nếm chút nước lèo, nhận thấy ngay vị chua chua, cay cay, dìu dịu nhờ sự kết hợp của gừng tươi đập dập cả củ, miếng thơm (dứa) chín nhưng vẫn chua chứ không ngọt, một ít sa tế hoặc bột điều chưng cho có màu đỏ hấp dẫn. Chỉ như thế thôi, không cầu kỳ như những thứ lẩu khác.

Ngoài nồi nước lèo, đĩa mực tươi, còn có đĩa rau thả kèm gồm mồng tơi, rau má, măng tươi, giá đậu, bắp còi, hành tây, hành lá và một đĩa bún tươi. Không hiểu sao, rau mùng tơi lại hợp với lẩu mực Đại Lãnh đến vậy. Tiếp đến là rau cải xanh cay tê tê cũng vô cùng ăn ý với thứ nước lèo này.

Khi nồi nước lèo sôi thì cho mực và rau vào, đợi nước sôi lại là có thể dùng được. Mực tươi chấm với nước mắm nguyên chất, ở đây gọi là mắm rin, có ít ớt xiêm xanh nhỏ như đầu bút chì nhưng cay nồng và rất thơm, húp một chút nước lèo nóng hổi, thêm ít rau xanh mới thấy hương vị tuyệt vời.

Nếu cầu kỳ, muốn miếng mực nào cũng ngon đúng độ thì gắp từng con và nhúng vào nồi lẩu đang nghi ngút tỏa nhiệt canh đúng độ chín ưa thích thì gắp ra bát. Muốn hưởng trọn hương vị của mực thì chấm với nước mắm ớt ăn luôn.

***

Mới chỉ cắn nhẹ, miếng mực sần sần đã tỏa ra vị ngọt không bút nào tả xiết, khiến người ăn phải nghi ngờ về những cái gọi là mực tươi mình đã ăn trước đây. Lẩu nóng sốt, mực giòn tươi ngon, cắn miếng ớt hiểm mồ hôi túa ra như đánh trận. Vị ngon thấm vào trong máu thịt, vị ngon trào ra ngoài theo tuyến mồ hôi, thật là sung sướng quá đi.

Miếng mực ở đây ngọt lừng khoang miệng, một vị ngọt rất đậm đà, phảng phất hương vị đại dương chứ không dai ngoách, trờn trợt như mực đông lạnh. Cứ tưởng mực khô nướng mới thơm, nhưng mực tươi ở Đại Lãnh ăn còn thơm hơn. Mùi thơm cứ vấn vít bắt người ta phải ăn hết con này đến con khác.

Cứ chấm nước mắm, cắn ngang con mực rồi nhai miên man, thỉnh thoảng cắn thêm miếng ớt cho cái lưỡi rùng mình để hiểu rõ thế nào là “ngon man rợ” của mực Đại Lãnh. Một cái vừa giòn nhưng mềm, một cái cắn nghe rộp nhưng lại cay tê lưỡi, một cái mặn mòi hòa lẫn ngọt ngào tạo thành vị umami tuyệt diệu.

Sau khi đã chán chê với mực rồi thì bạn có thể đổi kiểu ăn. Gắp mực cho vào bát, thêm mùng tơi nhúng mềm, tỏa hương ngai ngái. Cho thêm ít bún tươi, bẻ đôi quả ớt xiêm xanh rồi chan cái thứ nước nóng rãy thơm cay kia lên. Quả là một "màn đại hội" của mùi và vị hoành tráng. Cầm đũa lùa đến đâu, biết đến đấy.

Lẩu mực ăn hôm trời nóng có cái khoái lạc là được gió biển trong lành thổi lồng lộng từ đại dương vào quạt hầu. Mồ hôi vừa tứa ra, đã thấy cơn mát len theo lỗ chân lông thấm vào hạ nhiệt, những chỗ lộ da thịt lại được gió mơn man. Lúc này mới hiểu câu ví von: “Một làn gió thoảng bằng cả vạn quân hầu”.

Đến hôm trời mưa lạnh, ăn lẩu mực Đại Lãnh càng thống khoái quá đi. Ngồi quanh nổi lẩu sôi sục, hơi ấm phả ra từ ngọn lửa, từ làn khói nóng, được ăn con mực giòn giã kèm miếng ớt cay cay, chiêu thêm chén rượu trắng nữa thì đúng là lối hưởng thụ thần tiên “Nóng tắm ao sen, lạnh ăn lẩu mực”.

Ở lần đầu ăn lẩu mực Đại Lãnh cách đây 5 năm, chúng tôi đã bị sốc khi tính tiền. Một nồi lẩu dành cho 4 người ăn no, có giá chỉ 200.000 đồng. Còn bây giờ, giá đã tăng lên gấp đôi, nhưng thiết nghĩ, một nồi lẩu mực chất lượng như thế mà chỉ khoảng 400.000 - 450.000 đồng vẫn cứ là ổn.

Thời gian, tình cảm, giá tiền có thể thay đổi, nhưng chất lượng của con mực Đại Lãnh, lẩu mực Đại Lãnh vẫn cứ trơ trơ ở đẳng cấp tầm cao nhất: “Trời, nếu đây là lẩu mực thì những thứ lẩu mực ăn trước đây nó là cái tả pí lù gì vậy?”. Tuyệt vời, lẩu mực Đại Lãnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn