MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CĐCS Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam trao đổi về các quy định phòng, chống COVID-19. Ảnh: Ngọc Ánh

Cần thu hút người giỏi vào làm Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở

Linh Nguyên LDO | 26/06/2021 17:42
Năng lực của đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐ cơ sở (CĐCS) Thủ đô trong tình hình mới đã và đang được đặt ra. Bởi đây chính là những người trực tiếp sát cánh đoàn viên, người lao động. Từ thực tế tại cơ sở, anh Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội - khẳng định: Vai trò của cán bộ CĐCS trong tình hình mới là đặc biệt quan trọng; cán bộ CĐ trong thời kỳ mới cũng cần xem xét cân nhắc kỹ lưỡng để có thể hoàn thành được vai trò, trách nhiệm của tổ chức CĐ trong thời gian tới.

Nên chăng xây dựng một khung tối thiểu đối với cán bộ CĐCS

Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, tổng số cán bộ công nhân viên cho đến thời điểm hiện tại là 1.250 người. Hiện, Công ty đảm bảo chế độ cho người lao động, nhất là luôn chấp hành tốt Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội cũng như các luật khác của Việt Nam. Anh Nhân chia sẻ rất chân thành rằng cán bộ CĐCS chịu rất nhiều áp lực vì nhận lương từ chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, nếu cán bộ CĐCS dám đấu tranh mạnh mẽ thì sẽ xây dựng được nền tảng cho việc đấu tranh cho quyền lợi cho đoàn viên, người lao động, mà một trong số đó chính là thương lượng về lương thưởng và thương lượng để ký kết được Thoả ước lao động tập thể có nhiều điểm có lợi cho người lao động.

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Nhân nhấn mạnh cán bộ CĐCS phải có kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể, phương pháp làm việc hoạt động khoa học. Làm cán bộ CĐ, việc đàm phán thương lượng là cực kỳ quan trọng, phải có kỹ năng và khả năng thuyết phục để những đề xuất, kiến nghị của người lao động có khả năng được đáp ứng cao. Để có được kỹ năng đàm phán tốt, cán bộ CĐ phải có hiểu biết và kinh nghiệm đứng trước những cuộc đàm phán quan trọng; thường là những đàm phán về lương, thưởng cuối năm và những phúc lợi trên luật của người lao động yêu cầu.

Anh Nhân cũng cho rằng cán bộ CĐ phải thật sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, sẵn sàng chịu khó khăn vất vả. Bởi, để vận động mọi người tham gia các hoạt động, hưởng ứng các phong trào thì mình phải là người đi đầu trong phong trào đó; phải nhiệt tình tham gia, tổ chức các hoạt động để người lao động có được sân chơi bổ ích sau những ngày làm việc vất vả như các phong trào văn hóa thể dục thể thao, thi văn nghệ, cắm hoa, tổ chức các giải thể thao trong công ty, tổ chức tết thiếu nhi và nhiều các hoạt động khác. Bên cạnh đó cán bộ CĐ phải biết quan tâm và chia sẻ với người lao động lúc gặp khó khăn bằng các hoạt động chung vui, chia sẻ khó khăn với người lao động...

Từ cơ sở thực tiễn và sự phân tích cụ thể, anh Nguyễn Đức Nhân đặt vấn đề nên chăng cần xây dựng 1 khung tối thiểu đối với cán bộ CĐCS, ví dụ phải có một bằng cấp thuộc lĩnh vực nào đó để có thể đứng ra đàm phán, thương lượng. Bởi, cán bộ CĐCS cần có kiến thức nền vững để có thể lập luận khi bảo vệ ý kiến, yêu cầu hợp pháp của đoàn viên, người lao động. CĐCS chỉ có thể làm tốt được chức năng đại diện bảo vệ người lao động khi cán bộ CĐCS hiểu biết, nắm bắt được hệ thống pháp luật của Việt Nam, từ Bộ luật lao động, Luật CĐ, Luật Bảo hiểm xã hội và các hệ thống văn bản pháp luật khác. Khi hiểu biết các văn bản pháp luật thì có thể tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng nội quy lao động của công ty; xây dựng thương lượng Thỏa ước lao động tập thể... Đặc biệt là can thiệp, giải quyết các sự việc liên quan đến người lao động như kỷ luật lao động, chế độ bảo hiểm, chi trả tai nạn lao động, lương, thưởng cũng như các vấn đề liên quan đến các quy định của pháp luật...

Phải là người truyền lửa cho đội ngũ cán bộ CĐ trong đơn vị

Cũng trao đổi về yêu cầu đối với cán bộ CĐCS, chị Phạm Thị Vân Hương, Chủ tịch CĐ chuyên trách Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội - nơi có 2.500 đoàn viên, người lao động hoạt động trải dài qua 33 đầu mối CĐ - cho rằng để có được sự quan tâm giúp đỡ, sự tạo điều kiện của chính quyền trong doanh nghiệp thì cán bộ CĐ phải có phương pháp và kỹ năng tổ chức các hoạt động gắn với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Trong triển khai các hoạt động phong trào, điều vô cùng quan trọng là cán bộ CĐCS phải thực sự là thủ lĩnh của người lao động; biết truyền lửa, truyền nhiệt huyết của mình đến đội ngũ cán bộ CĐ trong toàn đơn vị.

Chị Hương cho biết thêm cán bộ CĐCS phải trung thực, thẳng thắn, quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động, vì sự phát triển của doanh nghiệp; có phương pháp hoạt động khoa học để tập hợp quần chúng, công nhân viên chức lao động quý mến và tin tưởng.Trong quá trình hoạt động, cán bộ CĐCS phải đồng hành cùng doanh nghiệp, vận động doanh nghiệp chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Để làm được điều này, chị Hương cho rằng cán bộ CĐCS phải liên hệ mật thiết với đoàn viên, người lao động; bám sát với thực tế sản xuất kinh doanh, để nắm được tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người lao động trong đời sống; hiểu được những đề xuất hoặc sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến lề lối làm việc của công nhân lao động cũng như tình hình thực tế sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Nói về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐCS, Chủ tịch CĐ chuyên trách Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Phát triển Thủy lợi Sông Nhuệ Nguyễn Xuân Hoà cho rằng CĐ các cấp và toàn thể cán bộ cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tầm quan trọng của cán bộ CĐ đối với các phong trào thi đua và hoạt động CĐ. Các cấp ủy, lãnh đạo cần chú trọng việc xây dựng, thực hiện chiến lược cán bộ CĐ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần tích cực vào việc thực hiện chiến lược cán bộ của Đảng trong tình hình mới.

Một yếu tố khác là cần xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ. Tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ một cách rõ ràng, tạo cơ hội cho cán bộ được cống hiến và phấn đấu, động viên, khuyến khích cán bộ có khả năng đảm nhiệm trọng trách làm cán bộ CĐ. Tạo cơ chế, tạo điều kiện về thời gian, công việc để cán bộ CĐ yên tâm công tác, thu hút cán bộ giỏi vào làm công tác CĐ.

* Bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội: Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức, mỗi cán bộ CĐ cũng cần không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, và nỗ lực, vận dụng các mối quan hệ để nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức CĐ

* Ông Vũ Anh Đức - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN: Để xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của CĐ Thủ đô cần tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức CĐ; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy Cơ quan LĐLĐ thành phố; Cơ quan CĐ cấp quận, huyện và các đơn vị trực thuộc đảm bảo linh hoạt, hiệu quả...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn