MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn viên Cao Thái Hà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cao Thái Hà: “Tôi được giác ngộ sau khi đi qua mất mát, sóng gió”

Hào Hoa thực hiện LDO | 27/11/2022 08:52
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động, Cao Thái Hà cho biết, những biến cố liên tiếp xảy ra, việc đột ngột phải chia tay với những người thân, khiến cô nhận ra chân giá trị và thay đổi quan điểm sống.

Bộ phim “Mẹ rơm” hiện đang được chú ý trên sóng giờ vàng. Ở những tập đầu, phim tái hiện bi kịch của các thành viên trong một gia đình ở làng Mô. Nhiều ý kiến cho rằng, phim lạm dụng những cảnh bi kịch, gào thét, cãi vã giữa các nhân vật tạo nên không khí quá ồn ào, khiến khán giả mệt mỏi. Ý kiến của chị?

- Tôi hiểu dụng ý của đạo diễn Nguyễn Phương Điền. Ở 10 tập đầu, đạo diễn sẽ đẩy kịch tính, cao trào trong mâu thuẫn giữa các nhân vật lên đỉnh điểm, để từ đó, khắc họa sự sâu sắc trong mối quan hệ phụ tử sau này giữa nhân vật Mô “Gù” (Thái Hòa) và bé Hạt Dẻ.

Diễn những cảnh cãi vã, xung đột, rất mất sức. Chúng tôi bị gọi là gia đình ồn ào nhất làng Mô. Nhưng từ sau tập 10, phim sẽ không còn những cảnh ồn ào, cãi vã nữa, thay vào đó là sự sâu lắng, cảm động. Tôi tin tưởng rằng, khán giả sẽ khóc khi xem “Mẹ rơm”. Tôi thán phục diễn xuất của anh Thái Hòa.

Tôi vào vai Xuân, thuộc tuyến phản diện, ghê gớm, nanh nọc. Tôi có nhiều cảnh diễn chung với anh Thái Hòa. Dù đóng phản diện, nhưng khi đứng “diễn mồi” (diễn thoại nhưng không lấy hình- PV) cho Thái Hòa, tôi phải bật khóc trước diễn xuất của anh ấy.

Đoàn làm phim chúng tôi hơn 40 người từ quay phim, đạo cụ, ánh sáng đến phục trang, diễn viên... từng ngồi khóc khi xem Thái Hòa nhập vai. Anh ấy thực sự là một tài năng.

Vai Xuân của chị đang được ví là vai diễn cứu cả sự nghiệp diễn xuất của Cao Thái Hà. Có phải, khi đóng cùng những diễn viên kỳ cựu như Thái Hòa, Cao Minh Đạt... chị có động lực cố gắng để không bị lấn át, lu mờ?

- Khi vai Hạ Lam ở “Bão Ngầm” nhận những ý kiến trái chiều, những lời chê, nhiều người sẽ nghĩ tôi chán nản, nhụt chí, nhưng tôi chọn cách khác, tôi lắng nghe tất cả và tiếp tục cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, mỗi ngày.

Tôi có rất nhiều động lực để cố gắng, trong đó có lời chê của khán giả, và cả việc được đóng cùng những bạn diễn kỳ cựu như anh Thái Hòa, anh Cao Minh Đạt hay anh Minh Luân ở “Mẹ rơm”.

Điều quan trọng nhất, tôi thực sự yêu nghề diễn, kính nghiệp. Tôi yêu nhân vật Xuân, tôi muốn cô ấy có được sức sống, dấu ấn riêng trên màn ảnh. Bởi vậy, tôi đã cố gắng bằng tất cả những gì mình có cho vai Xuân.

Tôi xin với đạo diễn, cho tôi được cuốn lô đầy đầu ở 10 tập đầu để xây dựng 2 tạo hình khác nhau cho Xuân, ở 2 giai đoạn khác nhau. Xuân sẽ có những biến động trong đời sống, cô ấy sẽ có sự thay đổi, và tôi muốn khán giả cảm nhận được sự thay đổi diễn biến thế nào với Xuân, từ ngoại hình đến tính cách.

Tôi đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng hồ sơ, diễn biến tâm lý, phân tích những điều thẳm sâu bên trong Xuân để từ đó tìm ra cách thức thể hiện nhân vật này trên màn ảnh.

Cao Thái Hà trong phim “Mẹ rơm“. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Bước ngoặt lớn nhất giúp chị có được vai Xuân - vai diễn được ví là cứu cả sự nghiệp diễn xuất, là gì?

- Là khi tôi hoang mang, lo lắng, hồi hộp trước những phân cảnh đầu tiên quay ở Ninh Thuận, anh Thái Hòa đã nói với tôi: “Em hãy nghĩ thế này, khi mình dành trọn thời gian sống với nhân vật giống như mình đi tu tập trong vài tháng, cực khổ mấy cũng là quá trình rèn luyện, tu tập. 20-30 năm nữa, khi mình về già, ngồi xem lại những phim mình đóng, nếu mình đóng không tốt - lúc ấy mình sẽ rất tức giận và thất vọng về bản thân. Tại sao khi còn trẻ, khỏe, có sức như thế mà không làm vai tốt nhất có thể? Khi đã về già, dù có muốn, chúng ta cũng không còn sức để làm tốt được nữa”.

Câu nói của anh Thái Hòa đã khiến tôi mất ngủ. Nhờ có anh Thái Hòa, cảm xúc của tôi cho vai Xuân được đẩy lên hết mức, để tôi có thể nhập vai như khán giả và chị đã thấy. Có những cảnh tôi bị Khoản tát. Cảnh quay này phải quay đi quay lại 4-5 lần. Tôi đều nói với anh Cao Minh Đạt (diễn viên đóng vai Khoản) hãy tát thật, tát mạnh để tôi có cảm xúc.

Tôi của bây giờ đã làm nghề với tâm thế rất khác. Nếu như trước đây, khi làm nghề, tôi bị chi phối bởi rất nhiều thứ, từ lịch chạy show, từ tiền cát-xê, đến thu nhập hàng tháng, kiếm nhiều tiền... Nhưng bây giờ, tôi chỉ còn quan tâm đến chất lượng vai diễn.

Tôi sinh năm 1990, tôi làm nghề bây giờ chỉ với tâm thế cống hiến, được khóc cười cùng nhân vật. Nhận một vai diễn bây giờ tôi chỉ đặt ra cho mình những câu hỏi như, tôi có yêu nhân vật không, tôi có muốn trải nghiệm cảm xúc với cuộc đời nhân vật ấy không? Tôi có muốn thể hiện nhân vật không?

Điều gì khiến tiền không còn chi phối đến chuyện làm nghề của chị? Khi chỉ 1-2 năm trước, Cao Thái Hà mỗi lần xuất hiện luôn là hình ảnh phủ đầy hàng hiệu đắt đỏ?

- Những biến cố lớn xảy đến dồn dập khiến tôi có cái nhìn khác về cuộc sống. Khi ba tôi mất, ông đã mang đi quá nhiều thương nhớ, đã để lại trong cuộc sống của tôi khoảng trống lớn.

Khi bạn thân tôi mất, tôi gần như suy sụp. Bạn thân của tôi, sinh năm 1988, đã mất giữa đại dịch COVID-19, khi đại dịch bùng phát. Bạn để lại cho tôi một bức di thư. Tôi không dám đọc. Phải mất một năm sau, tôi mới dám mở di thư ra đọc. Trong thư có một câu là, “Hãy rải tro cốt của tao ở biển Nha Trang, vì chúng ta đã có rất nhiều kỷ niệm vui ở đó”.

Tôi nhận ra, trước khi chúng ta chết đi, thứ chúng ta có thể nhớ lại và mang theo không phải là siêu xe, biệt thự, túi xách hàng hiệu... mà điều khiến chúng ta nhớ mãi khi rời xa cõi này là, chúng ta đã có những kỷ niệm gì trong quá khứ, với ai, ở đâu, kỷ niệm vui hay buồn?

Khi chúng ta già đi, cuộc sống chỉ giá trị khi đầy ắp kỷ niệm để nhớ lại.

Sau sóng gió, mất mát, tôi giờ đây trân trọng mỗi ngày được sống. Tôi học cách tìm niềm vui, giữ tâm bình an, thanh thản. Tôi sẽ sống những ngày thật đáng sống, thật trọn vẹn, tôi vui từ khi mở mắt ra đón ngày mới cho đến lúc đi ngủ.

Có những điều, nói sẽ dễ hơn làm. Những điều chị nói đang truyền cảm hứng đến cho tôi. Tôi cũng rất muốn được sống mỗi ngày thật vui, vui từ khi mở mắt ra đón ngày mới cho đến khi đi ngủ. Tuy nhiên, áp lực cuộc sống, những nỗi buồn, sự mệt mỏi... vẫn tồn tại như một phần tất yếu.

- Tôi học cách chuyển hóa cảm xúc. Điều này không dễ, đó là cả một quá trình, cần đến sự học hỏi, biết chấp nhận, biết đủ biết dừng. Tôi rời xa những nguồn năng lượng độc hại, khi những yếu tố độc hại tác động đến mình, tôi lập tức sẽ phải chuyển hóa cảm xúc, để mình không bị ảnh hưởng, không bị chi phối bởi những suy nghĩ tiêu cực.

Khi không còn tham sân si, cuộc sống rất bình yên thanh thản. Tôi đi học các khóa thiền. Ngày nào có thời gian tôi cũng tập thiền định, tìm đến chân giá trị cuộc sống, để lòng thanh tịnh.

Cát-xê, tiền bạc, hàng hiệu đắt đỏ... trở nên phù phiếm. Tất cả suy cho cùng chỉ là những con số, chỉ là suy nghĩ của chúng ta bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là chưa đủ. Tôi cũng từng bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc, thích trưng diện hàng hiệu, thích cuộc sống xa hoa. Nhưng bây giờ, tôi nhận ra rằng, làm ra 10 triệu nếu biết cách tiêu vẫn sống đủ. Có 10 triệu tiêu 10 triệu, có 5 triệu tiêu 5 triệu... mức thu nhập nào cũng có thể sống được, chỉ cần chúng ta biết cân bằng.

Hạnh phúc đến từ bên trong, chứ không đến từ những thứ bên ngoài, tôi nhận ra điều ấy, nhận ra cuộc sống này ngắn ngủi biết nhường nào, tôi không để sự giận dữ, buồn bực, tham sân si tồn tại trong cuộc sống của mình.

Tôi muốn mỗi ngày của mình đều trở nên đáng sống. Để khi già đi, khi nhìn lại cuộc đời mình, tôi chỉ thấy tràn ngập những kỷ niệm vui, ý nghĩa, và tôi sẽ không phải hối hận, khi đã sống một cuộc đời đầy cố gắng.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn