MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tác phẩm trong dự án ảnh về má của Lê Nguyễn Duy Phương. Ảnh chụp lại trong triển lãm Mơ Art Space (Hà Nội).

Câu chuyện cá nhân, vấn đề xã hội và góc nhìn độc đáo

Việt Văn (thực hiện) LDO | 28/05/2023 14:56
Sinh năm 1984, Lê Nguyễn Duy Phương là một trong số các nhiếp ảnh gia trẻ nổi bật. Anh đã giành 2 suất học bổng dành cho nghệ sĩ cư trú tại trường nhiếp ảnh ENSP (Arles, Pháp) và trường Oberlin College tại bang Ohio (Mỹ). Tác phẩm của anh đã được  triển lãm tại bảo tàng Quain Branly tại Paris (Pháp), phòng tranh của trường Oberlin College (Mỹ) và phòng tranh Saatchi tại London (Anh). Trong sự kiện biennal nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi’23, Phương là giám tuyển và cũng có ảnh trưng bày tại triển lãm “Đi tìm thời gian đã mất thời gian đi tìm” đang diễn ra tại Mơ Art Space (Hà Nội).­

Tác phẩm của Duy Phương mang chất đương đại và mạnh mẽ. Gây ấn tượng về hình và màu với đường nét tối giản và nhất quán theo một phong cách. Nó là sự tái hiện của ký ức, của những suy nghĩ, trăn trở thời hiện tại và mang chất dự báo nhiều khi là những mơ hồ có chủ ý về tương lai. Nó không bị mắc kẹt vào một cái bẫy “concept” (ý niệm) hay tạo hình nào mà luôn mở và gợi nhiều liên tưởng.

Quan niệm về nhiếp ảnh của Phương?  

- Từ khi ra trường Sân khấu Điện ảnh TPHCM, Phương đã chọn nhiếp ảnh tư liệu làm đường đi cho mình để phản ánh đời sống xã hội xung quanh với những soi chiếu từ bên trong nội tâm mình. Phương không phân định ra ảnh của mình thuộc dòng fine art (mĩ thuật) hay contemporary (đương đại) mà chỉ muốn kết hợp tính thi vị và chất tư liệu trong tác phẩm.

Vậy thực hành nhiếp ảnh của Phương có gì khác biệt? Và ý tưởng của bạn khởi nguồn từ đâu?

- Phương không làm ảnh đơn, chỉ thực hiện những dự án dài hơi, ít nhất là 3 tháng, dài nhất là 10 năm. Mọi khởi nguồn của các dự án đều tới từ cái duyên.

Như dự án chụp hình má tôi, hồi má tôi còn sống thì ngại chụp ảnh, đến khi má mất, tôi chỉ cho một ít đồ vào quan tài, còn giữ lại gần hết. Dự án về má tôi có ba dự án nhỏ là “Khi con nhớ má”, “Nơi đâu cũng có má” và “Đi tìm thời gian đã mất” với 20 ảnh/1 dự án. Hiện tôi mới chỉ bày 1 phần của dự án 1 và dự án 3. Có dự án, Phương chọn ảnh trong album gia đình và mang theo trong người. Đến những địa điểm khác nhau, Phương lấy hình ra, dùng smart phone chụp lại. Sau quay về phòng lấy máy chiếu slide chiếu hình đó lên tường, rồi chụp lại hình trên tường với không gian trong phòng bằng máy ảnh compact.

Tác phẩm của Duy Phương chụp lại từ triển lãm. Ảnh: Việt Văn

Những dự án ảnh lớn khác của Phương?

- Năm 2008 là dự án “Souvenir” chụp chân dung một số người Pháp và những đồ vật đi du lịch mang về từ Việt Nam. Rồi dự án ”Holding the water” tạm dịch là “Ôm nước”, chụp ở hồ Trị An, một trong những đập thủy điện lớn nhất ở miền Nam từ năm 2010 - 2015 với quan niệm “Con người là nước và nước là cuộc sống”, cùng với đó là dự án “Ở giữa lưng chừng” chụp ở Sài Gòn từ 2010 - 2017 về sự phát triển của đô thị và số phận con người.

Dự án “Những ảo ảnh” từ 2017 - 2022 là câu chuyện về những tấm pano quảng cáo ở những công trình vào ban đêm, trong những chuyến đi xuyên Việt của Phương... Nói chung, các dự án ảnh của Phương đều đề cập đến những vấn đề xã hội, lấy cảm hứng từ những gì gần gũi với mình nhất. Cái may là Phương sinh ra trong một gia đình chuyên làm ảnh, hiện ba em còn làm ảnh, má tôi thì đã mất. Cái hối tiếc nhất của tôi khi má mất là đã không kịp hỏi má còn muốn làm gì ngoài nhiếp ảnh.

Không chỉ là một nhiếp ảnh gia, Phương còn là giám tuyển (curator). Công việc của một giám tuyển khó khăn như thế nào?

- Gần 10 năm trước, Phương đã làm giám tuyển cho triển lãm “Một chuyến đi khác” của Pipo Nguyễn Duy, một nghệ sĩ Việt kiều sống ở Mỹ. Với Phương, giám tuyển là một công việc yêu thích, nhất là khi được bày ảnh chung với các nghệ sĩ khác, vì thế cũng không thấy khó (cười).  

Phương nghĩ gì về thẩm mĩ trong ảnh?

- Cái gì mình thích mình cho là đẹp. Phương không theo một trường phái hay xu hướng thẩm mĩ của phương Tây nào, với Phương thẩm mĩ trong ảnh nó là tổng hòa của nhiều yếu tố từ ấn tượng đầu tiên, đến cái cảm và cái hiểu....

Phương có bao giờ mất cảm hứng và khi đó bạn lấy lại bằng cách nào?

- Phương không làm việc theo cảm hứng mà như đã nói ở trên với Phương tất cả là một cái duyên. Có những dự án Phương suy nghĩ rất lâu về nó để tìm cách chụp và làm cho nó thú vị hơn.

Ngay khi thôi nôi, vật đầu tiên Phương bốc chính là cuộn phim và sau đó là cuốn sổ, cây viết. Phương cũng thích làm nhiều việc từ chụp ảnh, làm video tư liệu và cũng tự học nhạc, chơi nhạc (digital). Phương thích đủ thứ từ  nhạc thể nghiệm đến ca trù, cải lương...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn