MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm "Người Mỹ giúp con ham đọc sách". Ảnh: Tân Việt

"Cây cầu tri thức", thắp lửa văn hoá đọc

Hoàng Minh (thực hiện) LDO | 22/08/2020 19:43
Trong những không gian đắt đỏ tại trung tâm Thủ đô, Chủ tịch HĐQT của Tân Việt Books - Nguyễn Kim Thoa - đã cho ra đời những “cây cầu tri thức" và ở đó, có đủ lượng sách và các sản phẩm liên quan trị giá tiền tỉ. Có khu vực cà phê sách được thiết kế ấn tượng, có khu vui chơi đủ hạng mục thời thượng cho con trẻ. Có không gian lớn để người đọc sách chia sẻ suy nghĩ rồi nhà sách thường xuyên mời diễn giả tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Được biết, chị Nguyễn Kim Thoa từng được tặng Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) với các thành tích tôn vinh văn hóa đọc; cũng là một diễn giả được nể trọng với các cuộc nói chuyện "truyền lửa" về vấn đề này ở nhiều trường đại học và các diễn đàn uy tín khác. Nhân dịp khai trương một loạt các không gian sách - không gian của tri thức đẹp và rộng lớn nhất Việt Nam ở các trung tâm thương mại như Vincom Royal City, Vinhome Ocean Park, Vincom Plaza Tuyên Quang... chị Nguyễn Kim Thoa đã có cuộc trao đổi thẳng thắn xung quanh vấn đề thắp lửa văn hoá đọc, khơi gợi niềm đam mê đọc sách cho giới trẻ. 

Hoạt động "tôn vinh" sách tại các Trung tâm thương mại, các khu đô thị hiện đại của chị và cộng sự được bắt đầu như thế nào, thưa chị?

- Thú thật, do đặc thù công việc, nghề nghiệp nên tôi có nhiều dịp đi công tác nước ngoài. Tôi thật sự rất ấn tượng với không gian sách của các nước phát triển. Chúng tôi có thể quên ăn, nhịn uống, chìm đắm trong những không gian sách tuyệt vời ấy của họ. Sau khi về nước, tôi cứ trăn trở và ước ao đến một ngày nào đó mình cũng sẽ làm được một phần như họ trên đất nước Việt Nam, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội.

Và rồi những ước mơ ấy của tôi cứ lớn dần, cho đến bây giờ thì có lẽ chúng tôi cũng đủ duyên để hành động, đủ duyên để biến ước mơ thành hiện thực. Chúng tôi đã hành động và hành động đến quên ăn, quên ngủ trong suốt quãng thời gian vừa rồi.

Không gian sách rộng rãi ngay tại trung tâm Thủ đô phục vụ các bạn đọc đến vui chơi, thư giãn. Ảnh: Tân Việt

Có lẽ, suốt bao năm qua, không có một quyết định nào khó khăn hơn đối với tôi như lần này. Đó là khi đứng trước "đôi ngả": Đầu tư hay không đầu tư cho không gian sách "Tân Việt Bookstore" tại các trung tâm thương mại lớn. Bởi, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu COVID-19 đang diễn ra khá phức tạp, rủi ro luôn rập rình. Giữa cháy bỏng đam mê và sự thực ở đời, giữa thành công và thất bại luôn có những ranh giới rất mỏng manh. Đôi khi, nó còn là những câu hỏi "án ngữ" trong tâm trí tôi suốt những ngày qua.

Và rồi cuối cùng, mặc cho đại dịch, mặc cho mọi người can ngăn, tôi đã quyết định lựa chọn đầu tư lớn để tạo ra bằng được không gian sách - không gian của tri thức tại nhiều trung tâm thương mại lớn để kịp khai trương trong năm 2020 này.

Và công việc triển khai các dự án không gian sách của chúng tôi được tiến hành ngay sau khi Chính phủ có quyết định kết thúc giãn cách xã hội.

Chị thuê hàng nghìn mét vuông chỉ để "chăm bẵm" sách ở các trung tâm mua sắm "đất vàng" Thủ đô như thế, liệu có xa xỉ quá không?

- Đúng là cũng có phần lãng mạn và liều mình ở đây, bởi tôi rất yêu những không gian sách đích thực. Tôi muốn đem đến cho bạn đọc Thủ đô và bạn đọc cả nước có được những không gian sách - không gian thực sự của tri thức, không thua kém bất cứ một không gian sách lớn nào trên thế giới.

Ước mơ và ý tưởng tạo ra không gian sách hiện đại, thân thiện cho bạn đọc đã có trong suy nghĩ của tôi từ rất lâu. Tôi liên tưởng tới nhiều nội dung, ý tưởng trong một số cuốn sách mà tôi đã đọc. Rằng, khi bạn mong muốn một điều gì, bạn luôn suy nghĩ về nó thì bạn sẽ nghĩ ra rất nhiều cách để thực hiện theo hướng mà cả vũ trụ cũng sẽ xoay quanh để hỗ trợ bạn.

Tôi là người luôn dám chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đối mặt với các thử thách. Tôi luôn coi thử thách là điều tất yếu của sự phát triển. Vì vậy, đối với tôi, việc đầu tư cho các không gian sách lần này có một áp lực khá lớn cả về tài chính, tiến độ và thị trường. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ cho cả tôi và cộng sự, nhưng chúng tôi đã làm tất cả điều đó một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, và không có gì gọi là xa xỉ cả.

Tôi hiểu rằng, sách không phải là hàng hóa thông thường. Sách là hàng hóa đặc biệt, hàng hóa của tri thức - trí tuệ nên cần có đất riêng cho chúng. Tôi thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại, với diện tích không hề nhỏ rồi lao vào thiết kế, chỉnh sửa cùng các nhóm chuyên gia để tạo ra bằng được không gian xứng tầm cho sách. Tạo được không gian cho sách cũng chính là chắp cánh gieo mầm trí tuệ. Để rồi hy vọng và tin tưởng về một ngày không xa, những hạt giống đó sẽ đơm hoa kết trái với những mùa quả ngọt, vì một xã hội trí tuệ, nhân ái và thành công.

Là người được đặt chân đến nhiều quốc gia và chịu khó nghiên cứu cách đưa sách vào đời sống của nước bạn, có phải chị muốn hướng mọi người tới giá trị trân quý của sách thông qua các hoạt động kể trên? Như mọi người lo lắng, văn hóa đọc đang "mai một" dần, nếu đúng thế thì lỗi là do đâu?

- Tôi rất tâm đắc khi đọc được câu văn "Gieo suy nghĩ, gặt hành động/ Gieo hành động, gặt thói quen/ Gieo thói quen, gặt tính cách/ Gieo tính cách, gặt số phận". Và quả thật, đem những điều này tham chiếu với cuộc sống hàng ngày của chúng ta thấy rất đúng. Bất kỳ một thói quen nào cũng cần được tập luyện. Thói quen không phải từ khi sinh ra đã có mà nó được hình thành trong quá trình rèn luyện. Vấn đề là hành động ấy, thói quen ấy cần phải có sự cổ vũ, động viên, định hướng từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Trở lại với câu hỏi trên: Lỗi tại ai? Tôi cho rằng tại người lớn chúng ta mà thôi. Chúng ta chưa quan tâm, chưa định hướng sát sao cho con trẻ đến với sách, biết yêu sách, hiểu được giá trị thực sự của sách thì làm sao chúng ta tập cho trẻ có thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Ngược lại, nếu người lớn biết quan tâm, biết cổ vũ, biết định hướng cho con trẻ đến với sách, làm bạn với sách, yêu sách từ nhỏ thì chắc chắn chúng ta sẽ có được một thế hệ lớn lên biết say mê đọc sách.

Tôi tâm đắc nhiều điều trong cuốn "Người Mỹ giúp con ham đọc sách". Hàng chục nghìn cuốn sách đã được Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tặng miễn phí cho cha mẹ Việt. Tôi cũng từng đọc một số sách của những người nổi tiếng và thành công trên thế giới và họ nói rằng, sự thành công của họ đều ảnh hưởng và bắt nguồn rất nhiều từ những trang sách mà họ học, đọc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Rất tiếc, những điều lớn lao và các giá trị tuyệt vời này của sách còn chưa được nhiều người nhận ra và thật sự muốn hướng tới.

Giới trẻ của chúng ta đọc sách chưa nhiều? Quả thật đúng như vậy. Số liệu của các cơ quan chuyên môn đã chỉ ra rồi. Tôi cũng đã nhiều lần thực hiện các bài trắc nghiệm về vấn đề này trong những buổi thuyết trình, truyền cảm hứng đọc sách cho sinh viên tại một số trường đại học. Tôi không ngạc nhiên, bởi đó là thực tế, nhiều người đã biết. Trước đó, tôi cũng quan sát và được biết đến một số tài liệu, số liệu thống kê cụ thể về việc này. Vậy, giải pháp cho vấn đề này là gì? Đây là một vấn đề lớn và giải quyết được vấn đề này cho xã hội không phải là việc có thể làm được ngay và dễ dàng. Nó là vấn đề lâu dài nhưng rất cần một hành động cụ thể, kiên trì ngay trong mỗi gia đình, trong mỗi lớp học, trong mỗi ngôi trường, và đặc biệt là cần có sự vào cuộc một cách quyết liệt ngay từ hôm nay của các cơ quan ban ngành thì mới có thể đẩy lùi và chữa được căn bệnh lười đọc sách của không ít người trẻ.

Xin cảm ơn chị và chúc cho tâm huyết tôn vinh sách của chị thành công!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn