MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuốn “Chẩn trị COVID-19 bằng Đông - Tây y” với những lời khuyên chi tiết về thói quen sinh hoạt, những bài thuốc từ thảo dược kết hợp bấm huyệt hay châm cứu cho đến các bài tập luyện nhẹ nhàng, tất cả đều nhằm mục đích giúp “phòng bệnh ngay từ khi chưa có bệnh, phù trợ chính khí để tránh bệnh tật”. Ảnh: Omega Plus cung cấp.

Chẩn trị COVID-19 bằng Đông - Tây y

Trần Thế Vinh (tổng hợp) LDO | 13/06/2021 16:26
“Chẩn trị COVID-19 bằng Đông - Tây y” là cuốn sổ tay giới thiệu các phương pháp chẩn đoán và điều trị COVID-19 trong y học cổ truyền Trung Hoa và phương Tây. Cuốn sách được biên soạn bởi Trương Bá Lễ và Lưu Thanh Tuyền - hai chuyên gia có tiếng về Trung y truyền thống, đã trực tiếp tham gia quá trình chống dịch COVID-19.

Cuốn sách mang đến cái nhìn trực diện cho độc giả bằng cách tiếp cận căn bệnh trên nhiều khía cạnh, bao gồm: Đặc điểm lâm sàng, cơ chế ủ bệnh và phát bệnh, nguồn và cách lây nhiễm, tiêu chuẩn và quy trình chẩn đoán bệnh, tiến triển của căn bệnh trên toàn thế giới.

Theo hai tác giả, điểm nổi bật của Tây y là phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus và kháng sinh, thuốc miễn dịch, thuốc điều chỉnh hệ sinh thái đường ruột, sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏe mạnh, áp dụng lọc máu liên tục ngoài thận... Tuy nhiên, cuốn sách cũng đề cao ưu điểm của Đông y trong cách dự phòng, chẩn đoán và hồi phục, dựa trên kinh nghiệm thực tế của tác giả khi làm việc ở bệnh viện dã chiến và các nghiên cứu lâm sàng về thuốc Đông y.

Xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách này tới bạn đọc.

Nghiên cứu đặc điểm và nguồn gốc

Các nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật của các quốc gia đã tiến hành nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau như cấu tạo virus SARS-CoV-2, nghiên cứu phát triển vaccine, thủ thuật xét nghiệm, khả năng lây truyền, nghiên cứu thuốc và sàng lọc...

Về nguồn gốc của virus có nhiều cách nói chưa thống nhất, tuy nhiên ngày càng nhiều chứng cứ chứng minh rằng virus không có khởi nguồn từ Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu người Trung Quốc đã thu thập số liệu về bộ gen virus SARS-CoV-2 từ 93 mẫu thuộc 12 quốc gia trong 4 châu lục (tính đến 12.02.2020), phát hiện trong số 93 mẫu này có 58 loại đơn bội. Mối quan hệ của sự biến đổi kiểu gen đơn bội cho thấy, kiểu gen đơn bội H13 và H38 là loại đơn bội tương đối “già”, có mối liên hệ với virus corona RaTG13 ở dơi thông qua một vật dẫn trung gian - mv1 (có thể là tổ tiên của loại đơn bội, cũng có thể đến từ vật chủ trung gian hoặc “bệnh nhân số 0”), đồng thời thông qua loại đơn bội H3 biến đổi thành loại đơn bội H1. Đối với những bệnh nhân có mối liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam, loại đơn bội của những bệnh nhân này đều là loại đơn bội H2, H8-H12, chỉ có một mẫu bệnh phẩm của Vũ Hán có kết quả là loại đơn bội H3, cũng chính là loại đơn bội “cha chú” H3 và không có liên quan gì đến chợ hải sản Hoa Nam.

Dựa vào những bằng chứng đó, kết hợp với thời gian phát bệnh và thời gian lây nhiễm trong cộng đồng, nhóm nghiên cứu đã kết luận: Virus SARS-CoV-2 tại chợ hải sản Hoa Nam là từ nơi khác truyền đến, đã lây nhiễm nhanh chóng trong khu chợ và lây lan ra cả bên ngoài. Chợ hải sản Hoa Nam không phải nơi khởi nguồn của virus.

Các nhà nghiên cứu tại Mỹ phát hiện, virus SARS-CoV-2 không có “cấu trúc chính của virus đã từng sử dụng trước đây”, do đó không phải do con người tạo nên, có thể là do một loại virus được phát hiện trong cơ thể dơi và một loại khác trong cơ thể tê tê kết hợp lại mà thành.

Virus SARS-CoV-2 và virus corona tìm thấy trong cơ thể dơi có tính tương đồng 96%, 4% khác biệt chính là để giải thích vì sao SARS-CoV-2 có tính truyền nhiễm cao đến thế. Đột biến của protein trên bề mặt virus có thể là nguyên nhân gây ra đại dịch lần này, tuy nhiên trước khi dẫn đến tình trạng như hiện tại, một phiên bản cũ hơn của virus này đã lây nhiễm trên con người vài năm nay, thậm chí hàng chục năm nay.

Do đó, quan điểm virus SARS-CoV-2 có khởi nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán Trung Quốc là chưa có cơ sở.

Điều trị bằng thuốc, vaccine và các phương pháp khác

Nghiên cứu và điều chế thuốc

Đối với các loại thuốc điều trị COVID-19, hiện nay có ba loại chủ yếu đang được sử dụng, bao gồm thuốc hóa học (thuốc Tây y), thuốc Đông y và tác nhân sinh học.

Các thuốc Tây y như remdesivir, chloroquine phosphate, favipiravir, arbidol, ribavirin... đều có ứng dụng trên lâm sàng, hiệu quả của các thuốc như chloroquine phosphate, favipiravir... cũng đã được khẳng định ở mức độ nhất định. Sử dụng thuốc Đông y trong việc điều trị COVID-19 đã đạt được sự khẳng định to lớn, thuốc sắc bài độc thanh phổi, thuốc viên uống kim hoa thanh cảm, viên nang liên hoa thanh ôn, viên nang sơ phong giải độc cùng một vài loại thuốc khác trong lần chiến đấu chống virus này đã được ứng dụng rất rộng rãi, đặc biệt là đã giành thắng lợi to lớn trong việc phòng và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ. Các chủng loại trong việc ứng dụng tác nhân sinh học có rất nhiều, bao gồm kháng thể đơn dòng, huyết tương, thymosin, interferon, tế bào gốc, tế bào NK... Những tác nhân sinh học này cũng đã phát huy tác dụng quan trọng trong việc phòng và điều trị COVID-19 lần này.

Phương pháp điều trị bằng tế bào gốc

Tế bào gốc có nguồn gốc từ lớp trung bì phôi và lớp ngoại bì phôi (như tổ chức tủy, mỡ, cuống rốn), có những ưu điểm như có tác dụng điều tiết khống chế miễn dịch, tính gây miễn dịch thấp, có tính cận tiết, tính hóa ứng động có định hướng đối với các tổ chức bị tổn thương, dễ thu được, có chức năng hồi phục thương tổn, phát triển ở bên ngoài cơ thể nhanh chóng, tiềm năng phân hóa đa hướng, không độc và không có tác dụng phụ, cũng như không có tranh cãi về luân lý. Tế bào gốc có thể tiết ra các yếu tố ức chế viêm để ngăn cản phản ứng đáp ứng miễn dịch quá độ của cơ thể mà virus gây ra. Mặt khác, tế bào gốc còn có thể thông qua tính hóa ứng động của mình để quay trở về với tổ chức bị tổn thương, kích hoạt chức năng của tế bào điều hòa miễn dịch, nâng cao tính nhắm đích của đáp ứng miễn dịch. Có thể nói, tế bào gốc là chất điều hòa phản ứng viêm lý tưởng trong điều trị COVID-19. Ngoài ra, tế bào gốc sau khi được truyền qua tĩnh mạch sẽ quay trở về phổi đầu tiên, sau đó tiết ra nhiều yếu tố tăng trưởng làm cải thiện môi trường vi mô của tế bào phổi, có tác dụng bảo vệ và hồi phục phổi; hơn nữa tế bào gốc bản thân nó có khả năng kháng virus rất mạnh, do đó tác dụng kháng virus tại chỗ cũng rất rõ ràng.

Nghiên cứu và điều chế vaccine

Thông thường một loại vaccine từ khi nghiên cứu cho đến khi đưa ra thị trường tối thiểu cần khoảng 8 năm, thậm chí là 20 năm. Nếu nghiên cứu và phát triển vaccine theo phương pháp truyền thống, chỉ sàng lọc gốc độc, giảm độc của gốc độc, tiến hành nghiên cứu tính thích ứng và sự ổn định của quá trình sinh sản giữa gốc độc và môi trường nuôi cấy, tiến hành các bước nghiên cứu tiền lâm sàng như thiết lập mô hình động vật..., tất cả phải mất từ 5-10 năm. Cộng thêm giai đoạn nghiên cứu lâm sàng, báo cáo xin phê chuẩn, sản xuất, càng cần thêm nhiều thời gian để nghiên cứu và cần hỗ trợ một lượng vốn lớn.

Sau khi dịch bệnh bùng phát, các nhà nghiên khoa học Trung Quốc đã gấp rút tìm hiểu và điều chế vaccine dành cho bệnh COVID-19 dựa theo năm đường lối kỹ thuật, lần lượt là vaccine bất hoạt, vaccine tiểu đơn vị tái tổ hợp gen, vaccine vector adenovirus, vaccine vector virus cúm mùa giảm độc và vaccine axit nucleic. Tiến triển về vaccine trên cả năm phương hướng đều thuận lợi.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã hoàn thành xét duyệt vaccine mRNA dành cho virus SARS-CoV-2 - vaccine “mRNA-1273”. “mRNA-1273” là loại vaccine RNA nhằm vào virus SARS-CoV-2, mã hóa protein quan trọng trên bề mặt virus - glycoprotetin S. Điều cần chú ý là, trong số các phương hướng để phát triển vaccine, kỹ thuật vaccine mRNA có tuổi đời tương đối trẻ, với ưu thế là có thể nhanh chóng xây dựng nên ứng cử viên vaccine và chế tạo mẫu thử.

Phương pháp điều trị bằng huyết tương

Ngay từ xa xưa, huyết tương đã được ứng dụng trong việc điều trị bệnh. Năm 1891, nhà khoa học người Đức Behring đã báo cáo ca bệnh đầu tiên sử dụng huyết thanh có kháng độc tố bạch hầu để điều trị khỏi bệnh, ông cũng đã đạt giải Nobel năm 1901 với cống hiến xuất sắc này. Trong vòng 100 năm sau đó, phương pháp sử dụng huyết tương của bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục đã được sử dụng để đều trị các bệnh truyền nhiễm trong giai đoạn bùng phát như bệnh viêm tủy xám (1916), cúm Tây Ban Nha (1917-1919), sởi, sốt xuất huyết Argentina, thủy đậu, nhiễm virus cytomegalo, AIDS, MERS, SARS (2002-2003), cúm A H1N1 (năm 2009 ở Mỹ).

Trong dịch bệnh SARS năm 2003, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những bệnh nhân tiếp nhận phương pháp điều trị bằng huyết tương của người trong giai đoạn hồi phục đều có kết quả lâm sàng tiến triển tốt. Một nghiên cứu hồi cứu cho thấy nhóm sử dụng phương pháp điều trị bằng huyết tương giảm 23% nguy cơ tử vong.

Ngày 27.03.2020, Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) đã đăng tải kết quả của một nghiên cứu có liên quan đến việc sử dụng huyết tương để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Nghiên cứu này chỉ ra, sau khi sử dụng huyết tương của người trong giai đoạn hồi phục để tiến hành điều trị cho năm bệnh nhân mắc COVID-19, bệnh tình của những người này đều tiển triển tốt lên ở các mức độ khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn