MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể dự án xây dựng thành phố Vạn Tường và khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất (tháng 7.1995). Ảnh: NXB Trẻ

Chất ngọc ánh lên ngàn điểm sáng

Ngọc dủ (lược ghi) LDO | 20/11/2022 06:00
Trong tập sách mới nhất kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 23.11.2022), có tên “Chất ngọc Võ Văn Kiệt”, độc giả phần nào hiểu rõ hơn về những công lao và thành tựu của cố Thủ tướng.

Trong cuốn sách của tác giả Nguyễn Chiến Thắng, đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những người tiên phong trong đổi mới. Trên cương vị của mình, đồng chí đã nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra nhiều chính sách có tính đột phá như xóa bỏ chỉ tiêu pháp lệnh, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; thực hiện thương mại hóa tư liệu sản xuất, cho phép các doanh nghiệp lớn, cả Trung ương và địa phương được trực tiếp xuất nhập khẩu, chấm dứt tình trạng hai giá; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước, chuyển dần từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, đưa đời sống kinh tế đất nước dần vào thế ổn định.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 - 2022), tập sách "Chất ngọc Võ Văn Kiệt" của tác giả Nguyễn Chiến Thắng như là món quà thể hiện tình cảm dành cho vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước được nhân dân tin yêu, kính trọng và tưởng nhớ.

Khi viết lời tựa cho tập sách, ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết: "Chất ngọc Võ Văn Kiệt luôn ánh lên nhiều điểm sáng nhưng quyển sách này chỉ nêu được phần nào sự nghiệp của đồng chí. Từ tâm niệm "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây", hưởng thụ thành quả của công cuộc đổi mới, tác giả biết ơn một trong những người tiên phong cho sự nghiệp đưa đất nước thoát khỏi khủng khoảng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân".

Trong "Chất ngọc Võ Văn Kiệt", cố Thủ tướng được khắc học với những dấu ấn lịch sử bằng tầm nhìn chiến lược với nhiều công trình trọng điểm quốc gia như đường dây truyền tải điện 500 KV Bắc - Nam; ký quyết định xây dựng Khu công nghiệp Dung Quất; định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm phát triển ĐBSCL; đưa ra ý tưởng xây dựng đường Hồ Chí Minh... 

Trong đó, câu chuyện về việc ký quyết định xây dựng Khu công nghiệp Dung Quất và đưa ra ý tưởng xây dựng đường Hồ Chí Minh được khắc họa rõ nét trong tập “Chất ngọc Võ Văn Kiệt”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến với công trường xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ảnh: NXB Trẻ

Khu công nghiệp Dung Quất

Theo báo cáo của ngành dầu khí thì thềm lục địa nước ta có nhiều dầu mỏ với trữ lượng lớn. Từ khi khai thác mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, ta chỉ xuất khẩu dầu thô giá rẻ, trong khi hằng năm phải nhập khối lượng dầu rất lớn. Việc xây dựng nhà máy lọc dầu để có được các sản phẩm như dầu hỏa, benzen, xăng, sáp parafin, nhựa đường, dầu diesel, khí đốt... là cần thiết. Nhà máy lọc dầu ra đời sẽ hút vốn đầu tư, đào tạo tay nghề, tạo ra việc làm, từ đó nâng cao đời sống của cư dân trong vùng.

Sau một thời gian tìm hiểu, thì Total, tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Pháp rút lui, nhân dịp này, nhiều ý kiến phản đối quyết liệt. Có người lúc đầu nhất trí tán thành, bây giờ nói khác đi. Đồng chí Võ Văn Kiệt bình tĩnh nói thẳng: “Nếu tôi là công ty Total, tôi cũng nói như Total, vì đây là quyền lợi của họ, nhưng tôi là Thủ tướng Chính phủ, tôi phải nói và quyết định theo quyền lợi của nhân dân”.

Câu hỏi đặt ra là nên xây dựng nhà máy ở đâu? Ở Dung Quất hay ở Tuy Hạ, địa điểm gần Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi gắn với các khu công nghiệp? Nơi đặt vị trí nhà máy lọc dầu đòi hỏi nguồn nước ngọt phục vụ cho lọc dầu, phải có cảng nước sâu để nhập nguyên liệu và vận chuyển dầu đi các nơi khác? Vấn đề cuối cùng là khu nhà máy có gắn với khu dân cư hay không? Trước khi ra quyết định, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ ban ngành đi khảo sát nhiều nơi, nơi được đặc biệt quan tâm là Quảng Ngãi, mà cụ thể là vùng đất Dung Quất.

Năm 1992, sau khi nghiên cứu 12 cửa biển miền Trung, đồng chí Võ Văn Kiệt nói: “Giờ đây, chúng ta phải ra sức phát huy thế mạnh của vùng duyên hải miền Trung, xây dựng và phát triển kinh tế vùng duyên hải vững mạnh, để làm tiền đề cho công cuộc xây dựng và phát triển Tây Nguyên”.

Dọc theo duyên hải miền Trung, nhà máy lọc dầu Dung Quất nằm trong hệ thống khu công nghiệp kéo dài từ Nghi Sơn, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong, Nam Phú Yên, Cà Ná, Nam Bình Thuận...

Sau khi khảo sát, ngày 11.4.1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt bút ký ban hành Quyết định số 207/QĐ- TTg phê duyệt Quy hoạch chung khu công nghiệp Dung Quất. Ngày 10.7.1997 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 514/QĐ-TTg phê duyệt dự án Nhà máy lọc dầu số 1 - Dung Quất), Thủ tướng nói: “Ai cũng biết tỉnh Quảng Ngãi rất nghèo, nếu ta xây dựng khu công nghiệp Dung Quất sẽ giúp tỉnh Quảng Ngãi trở thành giàu có”.

Điều đáng chú ý là Thủ tướng nói xây dựng khu công nghiệp Dung Quất chứ không phải nói nhà máy lọc dầu Dung Quất. Vì nhà máy này không chỉ làm ra xăng dầu, mà nó còn sản xuất ra mấy chục sản phẩm công nghiệp khác. Nếu việc xây dựng khu công nghiệp Dung Quất đưa tỉnh Quảng Ngãi và một số tỉnh lân cận phát triển, thì sẽ phát huy hiệu quả rất lớn. Thủ tướng Võ Văn Kiệt có tầm nhìn cả về kinh tế lẫn chính trị, trước mắt và lâu dài.

Khu công nghiệp Dung Quất có diện tích trên 13.000ha, trong đó có nhiều ngành công nghiệp quy mô lớn gắn với cảng nước sâu Dung Quất (có người gọi là Cảng Mỹ Hàn), sân bay Chu Lai, nhà máy lọc dầu Dung Quất... Sau khi được xây dựng, khu công nghiệp Dung Quất sẽ trở thành khu công nghiệp hiện đại của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có ý nghĩa về kinh tế lẫn quốc phòng.

Đúng như dự kiến, 44 tháng sau, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, và nhiều tháng chạy thử an toàn, ngày 22.2.2009, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành, có 12 cơ quan thông tấn báo chí trên thế giới đăng ký tham dự.

Từ tháng 8.2009, mỗi tháng nhà máy sản xuất 150 ngàn tấn xăng, 240 ngàn tấn dầu diesel, 23 ngàn tấn khí hóa lỏng LPG, 8 ngàn tấn roylene, 30 ngàn tấn xăng máy bay và 25 ngàn tấn dầu FO. Trong tương lai không xa, công suất nhà máy sẽ tăng từ 6 triệu tấn/năm lên 10 triệu tấn/năm, đáp ứng 30% nhu cầu trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Nhân dịp khánh thành nhà máy lọc dầu Dung Quất, chiều ngày 22.2.2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi công bố việc đặt tên đường Võ Văn Kiệt để ghi nhớ công lao người đặt nền móng cho Quảng Ngãi cất cánh, gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt đã được mời đến dự.

Sách “Chất ngọc Võ Văn Kiệt”. Ảnh: NXB Trẻ

Đường Hồ Chí Minh

Với đường Hồ Chí Minh, hay còn gọi là đường Trường Sơn công nghiệp hóa, hay xa lộ Bắc - Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là người đưa ra ý tưởng xây dựng con đường này. Sau khi xây dựng xong đường Thăng Long - Nội Bài, đường Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long), đầu xuân năm 1996, đồng chí Võ Văn Kiệt đặt vấn đề với Bộ Giao thông Vận tải là cần khảo sát lập dự án xây dựng xa lộ Bắc - Nam.

Theo đồng chí: “Đường Trường Sơn năm xưa góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì đường Hồ Chí Minh ngày nay không chỉ là con đường của thời đại công nghiệp hóa, làm cho dân giàu nước mạnh, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia, mà còn là sự liên hệ máu thịt giữa hai miền Nam - Bắc”.

Yêu cầu của xa lộ Bắc - Nam là phải đảm bảo được dòng giao thông liên tục thông suốt. Phải đủ lớn cho lưu lượng xe hàng chục ngàn chiếc mỗi ngày/đêm. Quanh năm không xảy ra cảnh ách tắc xe vào mùa bão lụt, khiến giao thông tê liệt trong nhiều ngày.

Sau khi các chuyên gia đi khảo sát thực địa, thì trình lên hai phương án: Đường phía Đông và đường phía Tây. Phương án xây dựng đường phía Đông không hợp lý. Vì địa hình đi dọc theo đồng bằng duyên hải, đất thấp, muốn vượt lũ phải tôn cho đủ chiều cao, tốn khối lượng đất lớn, diện tích lúa nước bị chiếm dụng lớn, ảnh hưởng tới sản lượng lương thực... đó là chưa kể đến khi giải tỏa khu dân cư, số tiền đền bù ngang với kinh phí làm đường.

Phương án xây dựng đường phía Tây có nhiều ưu điểm, 90% chiều dài hiện hữu chưa được phân cấp thuộc loại đường nào. Nhiều năm qua chưa có đầu tư, có tới 70% tuyến đường chạy dọc theo đường Trường Sơn trong chiến tranh, nay không đi lại được nên bị bỏ hoang... Vùng đất phía Tây có tiềm năng lớn với hàng chục triệu hécta đất lâm nghiệp, nhiều tài nguyên phong phú, trong 10 triệu dân có 70% là đồng bào dân tộc, những người hết lòng theo cách mạng. Mở đường phía Tây chẳng những giải được bài toán kinh tế, mà còn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sở tại.

Công trình nào lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, do nhiều người có tư duy cục bộ, tầm nhìn thiển cận, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không thấy cái lợi về sau. Chuyện hưởng thụ từ kết quả công trình thì ai cũng muốn, nhưng khi góp ý để tìm giải pháp sao cho hiệu quả thì không mặn mà.

Sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lắng nghe ý kiến nhiều chiều, ông đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam với 14 thành viên đại diện cho các bộ, ngành như Bộ Quốc phòng: Thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Xuyên; Bộ Xây dựng: Thứ trưởng Nguyễn Hồng Quân; Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường: Giáo sư, Thứ trưởng Chu Hảo... Giáo sư Đỗ Quốc Sam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư được giao nhiệm vụ thẩm định dự án.

Hơn 1.000 kỹ sư, chuyên gia, công nhân trong nhiều lĩnh vực, sử dụng nhiều phương tiện khảo sát suốt cả năm từ Bắc vào Nam trên tuyến đường dọc phía tây dãy Trường Sơn với chiều dài 1.700 km; khảo sát cả quốc lộ 1A và 63 trục đường ngang.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt bận nhiều việc, nhưng ông đã dành thời gian trực tiếp đi thị sát dọc tuyến dự án ngay từ những ngày đầu, đi cả tuyến đường từ phía Bắc vào Tây Nguyên, lúc đó, đoạn đường này chưa được láng nhựa. Ở miền Trung, ông tận mắt chứng kiến có những đoạn nếu có cầu thì chỉ đi vài trăm mét, nhưng khi chưa có cầu phải đi vòng mất cả 30km, trẻ em ở đây muốn tới trường phải đi 30km, chưa kể còn phải lội đồng, lội rừng, lội suối. Trong kháng chiến, để ủng hộ cách mạng, đồng bào vùng này đã làm được việc “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người!”, thực tế này càng thôi thúc đồng chí phải đẩy nhanh tiến độ làm đường.

Cũng tại nơi đây, khi người dân đau ốm, muốn đi chữa trị rất khó khăn, muốn “xem vô tuyến” cũng phải đi hàng giờ mới tới điểm đóng quân của bộ đội biên phòng “xem nhờ” văn nghệ, tin tức. Theo đồng chí Võ Văn Kiệt: “Không có đường sá thì mức sống của đồng bào rất thấp, khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Không có đường thì văn minh bao giờ mới “bò” được tới đây. Hòa bình gần 30 năm rồi, mà hạnh phúc đơn sơ nhất của đời người, là có đoạn đường tốt, đi lại dễ dàng, mà đến giờ hàng triệu đồng bào vẫn còn phải mong ước”. Xây dựng đường Hồ Chí Minh là hành động để đền ơn đáp nghĩa với đồng bào.

Ngày 24.9.1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra Quyết định số 789/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Xa lộ Bắc - Nam với điểm đầu tại Hòa Lạc (Hà Tây, nay là Hà Nội), điểm cuối tại ngã tư Bình Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), tổng chiều dài xấp xỉ 1.800km, cơ bản bám theo hướng của các quốc lộ 21A, 15A, 15B, 14 và 13. Đây là văn bản cuối cùng mà đồng chí ký trong 6 năm giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 8.1998, dự án được Bộ Chính trị thông qua và chính thức đặt tên là đường Hồ Chí Minh. Bước đầu con đường sẽ đi từ Thủ đô Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, và sau đó sẽ nối lên phía Bắc và xuống phía Nam. Sau khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường Hồ Chí Minh sẽ phát huy hiệu quả, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng chí Võ Văn Kiệt đặc biệt quý trọng các chuyên gia từ Cuba sang giúp giám sát toàn tuyến công trình, hoan nghênh tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của các chuyên gia Cuba, cũng như các nhà khoa học, các công nhân lao động Việt Nam, vì để làm được những cây số đường, những thước cầu, họ đã đổ biết bao mồ hôi và công sức.

Đồng chí Võ Văn Kiệt nhiều lần đến thăm đường Hồ Chí Minh cũng như tỉnh Nghệ An, thăm tuyến đường 130km đường Hồ Chí Minh chạy qua tỉnh Nghệ An. Tại đây đường xây dựng đến đâu thì làng thanh niên lập nghiệp phát triển đến đấy. Vườn cây ăn trái sum xuê xanh tươi. Nhà máy trà, nhà máy đường, nhà máy chế biến hàng xuất khẩu mọc lên, vùng quê nhanh chóng thay da đổi thịt. Đồng chí Võ Văn Kiệt trân trọng niềm vui với quê hương của tuyến đường mang tên Bác.

Theo tác giả 

Nguyễn Chiến Thắng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn