MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hái chè Suối Giàng.

Chè Suối Giàng

Phạm Tiến Dũng LDO | 31/10/2021 16:38
Nằm ở độ cao 1.371m so với mực nước biển, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) là vùng chè cổ thụ lớn nhất cả nước. Trong đó, nhiều cây trên 300 năm tuổi, tán rộng, phải bắc thang leo ra các cành mới hái được...

Chè Shan Tuyết là loại cây mọc tự nhiên trên vùng núi cao, được nuôi dưỡng bằng sinh khí của đất trời nên búp và lá chè rất to, có màu xanh đậm; trên mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng trắng như tuyết. Vì vậy mà chè có tên Shan Tuyết (chè được ngậm tuyết trên núi cao). Vùng chè Shan Tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích khoảng 393ha, trong đó diện tích cây mọc tự nhiên là 293ha, với hơn 4 vạn cây có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm. Cây chè đại thụ có tuổi đời lâu nhất trên 400 năm được coi là một trong số cây chè thủy tổ của thế giới. Những người dân ở Suối Giàng gọi nó là cây chè Tổ. Lễ cúng cây chè Tổ được tổ chức vào mỗi dịp đầu xuân nhằm tri ân trời đất, cây chè đã giúp họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là nghi lễ truyền thống, nhằm thể hiện nét đẹp trong văn hóa của người Mông Suối Giàng.

Sao chè truyền thống.

Một năm chè Shan Tuyết được thu hoạch thành 3 vụ, trong đó vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch. Búp chè phải được hái vào lúc còn đọng sương sớm, vì theo quan niệm của người H’Mông, đây là thời điểm búp chè tích tụ nhiều nhất tinh túy của đất trời. Sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh. Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao, lửa phải thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải khéo léo sao cho búp chè săn, giòn tan, có màu trắng xám, hương thơm ngào ngạt. Đây là kinh nghiệm và bí quyết sao chè của người H’Mông.

Kiểm tra xem chè sau khi sao.

Suối Giàng có tới 98% dân cư là người H’Mông. Họ sống với nghề hái chè và sản xuất chè từ đời này qua đời khác. Mỗi sân nhà đều có vài gốc chè, mỗi gia đình đều có người làm nghề chè. Vì vậy, chè không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn thu nhập chủ chốt của những người dân nơi đây.

Pha chè.

Ngày 16.2.2016, quần thể 400 cây chè cổ của Suối Giàng đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Sản phẩm chè Shan tuyết.
 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn