MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

CHhiến tranh lạnh mới Nga - Phương Tây: Vì sao nên nỗi?

KHÁNH MINH (Tổng hợp) LDO | 23/10/2016 20:30
Thật khó tưởng tượng cả một giai đoạn từ sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ Nga - Mỹ lại tồi tệ đến như vậy trong tình cảnh hiện nay. Vì sao Nga và phương Tây không thể làm lành? Ai là người có lỗi? Liệu thế giới đang bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?

Theo chuyên gia Paul R Pillar của Trung tâm Nghiên cứu An ninh, Đại học Georgetown và là cựu quan chức cấp cao CIA, sai lầm đầu tiên nằm ở phương Tây. Ông Pillar cho rằng, mối quan hệ trở nên tồi tệ vì phương Tây không hoan nghênh Nga gia nhập cộng đồng các quốc gia mới, mà thay vì thế lại đối xử với Nga như một nhà nước kế tục Liên Xô, đó là nguyên nhân chính khiến phương Tây mất lòng tin. Sai lầm nguyên thủy này trở nên phức tạp bởi sự nhiệt tình mở rộng NATO của phương Tây, kết nạp thêm các nước như Ba Lan, Czech và Hungary, và cả 3 nước Baltic - những quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Giới phân tích cho rằng, không có lý do gì để Nga không ngăn cản Gruzia hay Ukraina gia nhập quỹ đạo của phương Tây. Nói tóm lại, Nga tin rằng họ bị đối xử bất công kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

 

 

Quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng.

Điều này, tất nhiên không phải là quan điểm được phương Tây đồng tình, mà họ tập trung vào "chính sách trả thù" của Nga và Tổng thống Putin - người mô tả sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị lớn nhất" của thế kỷ 20. Hiện đang có một cuộc tranh luận thú vị giữa các chuyên gia Mỹ về vấn đề này. Một phe tập trung vào những sai lầm chiến lược ban đầu của phương Tây trong việc đối phó với một nước Nga mới, còn phe kia tập trung vào những hành vi quyết đoán gần đây của Nga ở Gruzia, Syria và Ukraina.

Ông John Sawers, cựu giám đốc Cục tình báo mật của Anh (MI6), cựu Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc là người đã theo sát ngoại giao Nga trong những năm gần đây. Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Sawers nói rằng, phương Tây đã không để ý đến việc xây dựng quan hệ chiến lược đúng đắn với Nga trong 8 năm qua. "Nếu có một sự thấu hiểu rõ ràng giữa Washington và Moskva về những quy tắc chung, không cố tình hạ bệ nhau, thì việc giải quyết những vấn đề khu vực như Syria, Ukraina hay Triều Tiên sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn" - ông Sawers nói.

Một số chuyên gia lại chỉ ra sự cứng rắn trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Obama và những tín hiệu lẫn lộn mà họ phát đi. Quyền lực tuyệt đối của Mỹ có thể đang bị suy giảm, nhưng đôi khi nước này không rõ ràng về việc sử dụng nhiều đòn bẩy quyền lực còn lại. Liệu Mỹ đang xoay trục về Châu Á đến mức độ hạ thấp vai trò của mình ở Châu Âu và Trung Đông? Liệu Mỹ có thực sự suy ngẫm về những ảnh hưởng của lập trường với Nga? Năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, Tổng thống Putin phát biểu trước Duma quốc gia Nga, "cần nhớ rằng, nếu ấn lò xo đến giới hạn cuối cùng, nó sẽ bật lại với lực cực mạnh". Liệu Mỹ và Nga đang thực sự bên bờ vực xung đột về Syria? Liệu thế giới đang bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?

Chuyên gia Paul Pillar được BBC dẫn lời nhận định rằng đây không phải là một thuật ngữ đúng. "Không có kiểu cạnh tranh ý thức hệ toàn cầu đặc trưng của Chiến tranh Lạnh, và may mắn là chúng ta không có một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân nữa" - ông Pillar nói. "Nhưng điều đang diễn ra là sự cạnh tranh quyết liệt về ảnh hưởng, và Nga yếu thế hơn so với Liên Xô trước đây và Mỹ ngày nay".

Vậy tương lai tới đây là gì? Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, Nga có thể tin rằng, họ sẽ rảnh tay trong thời điểm này. Trên thực tế có bằng chứng cho thấy Nga định tận dụng thời cơ để định hình một loạt vùng xung đột theo cách thức đưa tân tổng thống Mỹ vào sự đã rồi. Tình hình gợi nhớ năm 2008 khi quan hệ Nga - Mỹ bị đóng băng sau cuộc chiến chớp nhoáng Nga - Gruzia, để lại cho chính quyền tổng thống Bush chính sách với Nga trong tình trạng hỗn độn, mà tổng thống kế nhiệm Obama được "thừa hưởng". Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có cụm từ nổi tiếng là "reset" (thiết lập lại) quan hệ với Nga.

Đại sứ John Sawers nói, theo quan điểm của ông, tổng thống kế tiếp của Mỹ (mà ông hy vọng là bà Clinton) có trách nhiệm lớn trong việc xây dựng một loại hình quan hệ khác với Nga. "Chúng ta tìm kiếm quan hệ nồng ấm hơn, chứ không phải băng giá hơn với Nga" - ông John khẳng định. "Những gì chúng ta đang tìm kiếm là một sự hiểu biết chiến lược với Mátxcơva và cách chúng ta đem đến sự ổn định trên toàn cầu, sự ổn định ở Châu Âu giữa Nga với Mỹ, để sự ổn định cơ bản của thế giới có nền tảng vững chắc hơn bao giờ hết".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn