MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Phan Phước Thắng, Phó Trưởng phòng, Phòng Vận hành máy Cobalt-60, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Chỉ có tình yêu với khoa học mới làm nên thành công

minh hà LDO | 22/10/2017 23:11

Chỉ có tình yêu đối với khoa học và khát khao làm chủ tri thức mới đem lại thành công lâu dài. Đây là chia sẻ của anh Phan Phước Thắng, Phó Trưởng phòng, Phòng Vận hành máy Cobalt-60, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Anh là 1 trong  3 cá nhân điển hình được Hội đồng Thi đua khen thưởng của Bộ KH&CN đã lựa chọn trong năm 2017. Nhân dịp này phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh Phan Phước Thắng.

Anh có thể chia sẻ về những nghiên cứu của mình trong thời gian vừa qua?

Anh Phan Phước Thắng: Trong thời gian qua, tôi đã cùng các đồng nghiệp đã chủ động nghiên cứu thiết kế chu trình thời gian tối ưu cho hệ đảo hàng và thiết kế, chế tạo cơ khí chi tiết và hệ thống đảo hàng cho máy chiếu xạ công nghiệp nguồn Cobalt-60, đáp ứng tính năng an toàn và đạt chuẩn quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), hệ thống và các chi tiết này trước vẫn phải nhập khẩu. Đây là một sáng kiến lớn, tăng hiệu suất sử dụng nguồn; tăng độ bền, do đó làm tăng tuổi thọ thiết bị; giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, tôi cũng tập trung thiết kế, chế tạo hệ điều khiển và các hệ cơ khí cho toàn bộ một máy chiếu xạ công nghiệp; cải tiến hệ điều khiển cho phù hợp với công nghệ máy tính thế hệ mới, nâng cao khả năng tự động hoá cho dây chuyền chiếu xạ. Có khả năng thay thế dễ dàng; Thiết kế nâng cấp phần mềm hệ thống điều khiển, có tính năng “mở”; Hệ thống nạp và dỡ hàng được thiết kế tự động, giúp giảm sức lao động của người làm việc, đồng thời tăng năng suất lao động.

Ngoài ra, tôi đã được Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cử tham gia Nhiệm vụ Nghị định thư và được cử sang giúp Cuba thiết kế, cải tiến, chế tạo và lắp đặt dây chuyền công nghệ chiếu xạ trong điều kiện của phía bạn có nhiều khó khăn. Quá trình vận hành thử đạt kết quả tốt và được phía bạn đánh giá cao.

Những kết quả nghiên cứu và tôi và đồng nghiệp đã được ứng dụng trực tiếp trên thiết bị hiện có của Trung tâm. Năm 2017,Trung tâm sẽ lắp đặt 2 thiết bị chiếu xạ công nghiệp nguồn Cobalt-60 cho cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam tại Đà Nẵng và Trung tâm chiếu xạ Đồng Nai mà những kết quả này sẽ được áp dụng trên hai thiết bị này.

Đâu là nguyên nhân giúp anh có được thành công ngày hôm nay?

Anh Phan Phước Thắng: Mỗi con người, trước khi được giáo dục trong nhà trường và trong xã hội, họ đã được đắm mình trong “văn hóa gia đình”. Vả lại, khi lớn lên, đi học và trưởng thành, gia đình vẫn là một trong ba trụ cột (cùng với nhà trường và xã hội) làm nên nhân cách của mỗi con người. Vì thế, đối với bất cứ ai, gia đình là cội rễ và là bệ phóng cho mỗi thành công trên các ngả đường đời.

Nhờ những kiến thức học được ở Trường Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, sau đó là kinh nghiệm trong thời gian đi làm ở xưởng của Thầy trong quá trình làm đồ án tốt nghiệp. Khi vào Trung tâm làm việc tôi học hỏi được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm của các anh đồng nghiệp trong cơ quan.

Công việc nghiên cứu có chiếm nhiều thời gian của anh không? Anh làm thế nào để hài hòa giữa công việc chuyên môn và chăm sóc gia đình?

Anh Phan Phước Thắng: Công việc nghiên cứu cũng chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Phần lớn thời gian nghiên cứu tôi đều làm tại nhà. Hiện tại, vợ và con tôi đang sống chung với gia đình ở quê nên tôi có nhiều thời gian nghiên cứu hơn. Thường cuối tuần tôi về thăm gia đình một lần. Sự chia sẻ, cảm thông của gia đình, người thân luôn là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Anh có thể chia sẻ chặng đường nghiên cứu của mình? Trên con đường ấy đã bao giờ anh gặp phải thất bại, động lực nào giúp anh vượt qua thất bại ấy?

Anh Phan Phước Thắng: Từ khi vào Trung tâm làm việc năm 2009, tôi đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, cấp cơ sở, cấp bộ, nghị định thư hợp tác... Thất bại thì chưa có nhưng gặp khó khăn thì cũng tương đối nhiều. Động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn đó là đam mê với nghề, với chuyên môn của mình.

Anh có đề xuất gì với cơ quan nhà nước, cụ thể là Bộ KH&CN trong việc đưa ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích những tài năng trẻ đam mê nghiên cứu, sáng tạo?

Anh Phan Phước Thắng: Rất cần một môi trường làm việc khoa học để các nhà khoa học trẻ có thể hết mình với những nghiên cứu và sáng tạo ý tưởng mới. Cùng với đó, sự đánh giá và ghi nhận phải đảm bảo đúng theo năng lực và sản phẩm tạo ra, để họ có thể đảm bảo nguồn lực tài chính cho nghiên cứu và cho cuộc sống.

Cơ chế đánh giá khoa học cũng cần minh bạch và trong suốt; cơ chế hỗ trợ tài chính đa dạng hơn và dài hơi hơn, hướng đến các mục tiêu dài hạn để những nghiên cứu viên trẻ có thể theo đuổi đam mê nghiên cứu, từ ý tưởng và cho đến ra sản phẩm cuối cùng.

Nghiên cứu khoa học không đơn giản là ngồi viết ra những suy nghĩ của bản thân, không đơn giản là chép lại những tài liệu mà chúng ta tìm được, mà nghiên cứu khoa học là sự tìm tòi, trăn trở và tốn nhiều công sức cho quá trình thực hiện. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; Khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ những đề tài nghiên cứu ứng dụng đặc biệt là các thiết kế, chế tạo các thiết bị trong nước thay thế các thiết bị nhập khẩu.

Là người thành công sớm trên con đường nghiên cứu, anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ cũng đang đi theo con đường nghiên cứu không? Đâu là điều quan trọng nhất để có được thành công trên con đường nghiên cứu vốn không dễ dàng?

Anh Phan Phước Thắng: Trong nghiên cứu khoa học thì không phải lúc nào cũng thuận lợi và thành công, mình chỉ có lời khuyên này dành cho những bạn trẻ cũng đang đi theo con đường nghiên cứu là dù có khó khăn hay thất bại thì vẫn kiên định với con đường mình đã chọn thì thành công sẽ đến dù sớm hay muộn.

Bên cạnh đó, đam mê có vai trò rất quan trọng, là điều kiện cần nhất để dẫn đến thành công. Đối với bạn trẻ, từ đam mê sẽ có mọi thứ. Đam mê biết cách học, biết cách làm việc để có hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, theo tôi ngoài đam mê thì nghiên cứu khoa học cần nhất sự trung thực. Có trung thực ta mới biết mình đang ở đâu, làm được những gì và chưa làm được những gì để tiến bước. Và tôi cũng rất thành thực chia sẻ rằng, những thành công vừa qua không chỉ của riêng tôi mà là công sức của cả nhóm, của tập thể Trung tâm.

Anh có thể chia sẻ hướng nghiên cứu của mình trong những năm tới? Anh có mục tiêu như thế nào trong sự nghiệp nghiên cứu lâu dài của mình?

Anh Phan Phước Thắng: Hướng nghiên cứu của tôi trong những năm tới là tiếp tục hoàn thiện thiết kế về cơ khí của thiết bị chiếu xạ công nghiệp nguồn Cobalt-60 (tote box và carrier) tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị chiếu xạ công nghiệp nguồn Cobalt-60.

Mục tiêu trong sự nghiệp nghiên cứu dài lâu là cùng với đồng nghiệp trong Trung tâm làm chủ hoàn toàn công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị chiếu xạ công nghiệp (Cobalt-60 và EB).

Xin cảm ơn anh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn