MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Sống lưng khủng long” nhấp nhô giữa núi non trùng điệp ở Bình Liêu, Quảng Ninh. Ảnh: Trung Hiếu

Chinh phục “sống lưng khủng long” ở Bình Liêu

Bích Ngọc LDO | 21/04/2024 06:42

Nếu bạn đang cần nạp năng lượng sau những ngày dài làm việc, hãy tạm rời xa phố thị xô bồ đến với Bình Liêu - mảnh đất núi non bao la hùng vĩ nơi biên cương.

“Sống lưng khủng long”

Bình Liêu là một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 270km. Địa hình miền núi cao đa dạng, khí hậu ôn hòa quanh năm cùng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp. Bởi vậy, không phải tự nhiên mà Bình Liêu được ví như “Sa Pa thu nhỏ” của miền Đông Bắc.

Bình Liêu được biết đến với những rặng cỏ lau trắng muốt chạy dọc trên cung đường tuần biên, hay những ruộng bậc thang vàng ươm khi mùa lúa chín. Nhưng đó chưa phải tất cả những gì mà Bình Liêu có. Nơi đây còn có một điểm đến được ví như “sống lưng khủng long”.

Chinh phục “sống lưng khủng long” cũng chính là một trải nghiệm khó quên mà gia đình nhỏ của tôi đã có khi dành trọn 2 ngày 1 đêm tại đây. Đường tới “Sống lưng khủng long” cách thị trấn Bình Liêu khoảng 30km, dẫn đến cột mốc 1305 - cột mốc cao nhất trên đường tuần tra biên giới. Đường đi có khoảng 2.000 bậc thang. Để vượt qua thử thách chinh phục cột mốc này, du khách mất khoảng 3 tiếng cả thời gian đi lên và đi xuống.

Tuy nhiên, đổi lại cho những vất vả là khoảnh khắc chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên mênh mang, những ngọn núi ngút ngàn nối tiếp nhau, những con đường quanh co uốn lượn...

Chúng tôi chinh phục cột mốc 1305 vào buổi sáng để có nhiều thời gian đắm mình trong thiên nhiên và tận hưởng ánh sáng ban mai, cùng tiếng chim kêu ríu rít như đang chào mừng những vị khách ghé thăm không gian tuyệt đẹp này. Chuyến khám phá của gia đình nhỏ chúng tôi bắt đầu chậm rãi, vừa để cô con gái nhỏ có khoảng nghỉ, vừa để thư thả thu lại hết vào tầm mắt cảnh sắc biến đổi theo độ cao.

Cứ leo được một quãng chừng 200 - 300 bậc, chúng tôi nghỉ một chút và quay lại nhìn đoạn đường vừa đi qua. Giây phút ấy như để tiếp thêm động lực cho cả nhà đặt chân tới đích đến. Quả thật, không ngoài mong đợi của chúng tôi, từ độ cao hơn 1.305m trên cột mốc 1305, thiên nhiên hiện ra thật hùng vĩ, những dãy núi cao ngút, bên trên là mây lững lờ bay.

Nhìn từ trên đỉnh của cột mốc 1305, dáng hình Tổ quốc hiện ra đẹp đến nao lòng. Chỉ cần lặng lẽ ngắm nhìn, gia đình nhỏ của tôi đã cảm thấy mãn nguyện cho chuyến đi này.

Cô con gái nhỏ đang nhí nhố hỏi chuyện bố mẹ bỗng im lặng để ngắm nhìn cảnh vật từ trên cao đang hiện ra trước mắt bé. Không chỉ núi non, mà những con vật nhỏ xíu đang bò trên bậc cầu thang hay vài đôi bướm bay rập rờn cũng làm con thấy phấn khích.

Đường dài không ngại bước chân. Ảnh: Bích Ngọc

Bình Liêu mùa nào đẹp nhất?

Với tâm hồn lãng khách mộng mơ, Bình Liêu lúc nào cũng đẹp. Tuy nhiên bạn có thể tới đây vào những khoảng thời gian đẹp nhất như mùa lúa chín trải dài trên các cánh đồng và những thửa ruộng bậc thang từ tháng 8 - 10, tháng 10 - 11 là mùa cỏ lau trắng muốt như bức tranh huyền ảo, và tháng 11 - 12 kéo dài tới tận tháng 1 là mùa hoa sở nở rộ.

Lịch trình di chuyển tham khảo từ Hà Nội là khởi hành vào 7h30. Bạn đi xe khách hoặc lái xe riêng theo hướng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, từ quảng Ninh đi thêm 110km nữa là tới thị trấn Bình Liêu. Tổng thời gian di chuyển khoảng 4 tiếng.

Bạn có thể về khách sạn, homestay nghỉ trưa và dành cả buổi chiều khám phá ẩm thực địa phương, trải nghiệm văn hóa trong bản người Tày ở Lục Hồn, bản người Dao ở Đồng Văn, hay bản làng của người Sán Chỉ ở Húc Động.

Bắt đầu ngày thứ hai, bạn hãy xuất phát lúc 6h30 để tới chân cột mốc lúc 7h15. Trưa, bạn trở lại thị trấn ăn uống và nghỉ ngơi. Sau đó, 13h xuất phát về lại Hà Nội.

Còn vài lưu ý nhỏ khác bạn cần ghi nhớ phải kể đến đường đi. Quãng đường từ trung tâm thị trấn Bình Liêu tới chân cột mốc 1305 dài khoảng 25km, chủ yếu là đường đèo uốn quanh co theo ven núi.

Nếu bạn di chuyển bằng xe máy, hãy giữ tay lái thật vững vì trên đường sẽ có những chướng ngại vật bất ngờ như đàn bò, hay là xe máy đi ngược chiều từ khúc cua xuất hiện. Còn nếu bạn đi ôtô, hãy chuẩn bị hành trang sức khỏe thật tốt để không bị say xe khi đi qua đoạn đèo này. Bù lại, phong cảnh hai bên đường chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.

Ngoài ra, nếu bạn tới đây vào ngày cuối tuần, tại khu vực chân cột mốc sẽ có người dân phục vụ ăn uống. Vào ngày thường, không có dịch vụ phục vụ ăn uống, bạn nên tự chuẩn bị. Với nhóm đông người, bạn có thể liên hệ trước với người dân để họ sắp xếp và lên nhà khách ở chân cột mốc để phục vụ ăn uống.

Bạn hãy chuẩn bị cho mình đủ nước uống, một chút đồ ăn nhẹ, mũ có vành và chú ý sử dụng loại giày chuyên dụng để đi bộ hoặc leo núi, hoặc loại thoải mái nhất. Và điều không thể thiếu chính là chuẩn bị cho mình sức khỏe thật tốt để chinh phục cột mốc cao nhất.

Nếu không tự tin với hành trình dài, bạn có thể thử sức leo lên cột mốc 1297/4 thuộc xã Bắc Xa (huyện Đình Lập, Lạng Sơn), giáp với xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh), nơi có mùa cỏ lau trắng vào khoảng tháng 10.

Hàng quán ở thị trấn Bình Liêu chưa có nhiều nhưng thực khách có thể tham khảo một số địa chỉ như nhà hàng Thanh Mai, Đông Hoa... Đặc sản địa phương nên thử là gà Tiên Yên, bánh gật gù, thịt ngan đen, miến rong Bình Liêu...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn