MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trang trại năng lượng mặt trời Amazon Fort Powhatan ở Disputanta, Virginia, Mỹ, tháng 8.2022. Ảnh: AFP

Chờ đợi một cuộc cách mạng năng lượng tái tạo

TS Nguyễn Hồng Quang (Học viện Ngoại giao) LDO | 02/10/2022 20:00
“Chuyển đổi năng lượng sạch là kế hoạch hòa bình vĩ đại nhất mà thế giới từng biết đến”. Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer M. Granholm trong chuyến thăm Châu Âu vừa qua. Trên thực tế, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Mỹ đang được thúc đẩy mạnh mẽ dưới thời chính quyền đảng Dân chủ, với nhiều thuận lợi nhờ nguồn lực dồi dào và nền tảng công nghệ phát triển, song cũng phải đối mặt với không ít lực cản chính trị, kinh tế - xã hội.

“Sinh sau đẻ muộn”

Năng lượng tái tạo không phải một ngành mới tại Mỹ. Rút ra bài học từ sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sau khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970, Mỹ đã tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, phát triển một số công nghệ nền tảng dù chưa đưa vào khai thác thương mại đại trà.

Sang đến thập niên đầu của thế kỷ 21, khi vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng được quan tâm và được đưa vào cương lĩnh tranh cử của đảng Dân chủ, năng lượng tái tạo đã có những bước tiến đáng kể trong thị trường năng lượng Mỹ. Ông Al Gore là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đầu tiên coi biến đổi khí hậu là một trong những mối đe doạ lớn nhất của nhân loại.

Từ 2010 đến 2020, sản lượng điện mặt trời tại Mỹ đã tăng 73 lần, điện gió tăng 3,5 lần. Năng lượng tái tạo chiếm 12% tổng năng lượng tại Mỹ năm 2020 (so với 8% năm 2010), điện từ nguồn năng lượng tái tạo chiếm 19% sản lượng điện tiêu thụ tại Mỹ năm 2020 (so với 14% năm 2010).

Mặc dù vậy, năng lượng tái tạo vẫn là một ngành “sinh sau đẻ muộn” tại Mỹ, yếu thế so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là ngành dầu khí - vốn có tác động rất lớn tới chính trị Mỹ. Hiện nay, Mỹ vẫn là quốc gia tiêu thụ và sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, riêng mức tiêu thụ dầu là khoảng 20 triệu thùng/ngày. Từ năm 2019, Mỹ đã trở thành quốc gia sản xuất dầu và khí lớn nhất thế giới, vượt Nga và Saudi Arabia. Biến đổi khí hậu tuy được quan tâm hơn, song vẫn là vấn đề gây tranh cãi tại Mỹ, ngay cả trong giới khoa học.

Như vậy, xét tổng thể, ngành năng lượng tái tạo Mỹ thời gian qua tuy đã có những bước phát triển đáng kể song còn khiêm tốn, vẫn cần một “cú hích” về chính sách.  

Cuộc “cách mạng” của chính quyền Tổng thống Joe Biden

Việc đảng Dân chủ đắc cử, nắm quyền điều hành cả Chính phủ và Quốc hội Mỹ sau bầu cử 2020 là một tín hiệu tích cực với ngành năng lượng tái tạo Mỹ.

Cá nhân Tổng thống Joe Biden và đặc biệt là Đặc phái viên Tổng thống về biến đổi khí hậu John Kerry là những người thực sự tin vào vấn đề biến đổi khí hậu. Cùng với sự hậu thuẫn của nhóm cấp tiến đang có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong đảng Dân chủ và các hãng truyền thông tự do (New York Times, Washington Post, CNN...), chính quyền Tổng thống Biden muốn tạo ra một cuộc “cách mạng” năng lượng tái tạo tại Mỹ và trên thế giới.

Ngay trong ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Biden đã đưa Mỹ trở lại thỏa thuận COP-21, đặt mục tiêu tham vọng đến 2035 ngừng sản xuất điện bằng năng lượng truyền thống, và đến 2050 đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Bên cạnh đó, ông Biden đã ký ban hành hàng loạt sắc lệnh hành pháp, đạo luật với nhiều nội dung, biện pháp đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng tại Mỹ, đáng chú ý có việc kích hoạt đạo luật sản xuất quốc phòng để tăng sản xuất pin mặt trời, đầu tư 25 tỉ USD cho các dự án điện gió tại 25 tiểu bang, đầu tư 66 tỉ USD cho mạng lưới giao thông công cộng chạy bằng điện, nâng cấp mạng lưới truyền tải điện toàn quốc.

Đặc biệt, Tổng thống Biden cũng triển khai một số chính sách hạn chế khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch, bao gồm ngừng cấp phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, giới hạn khai thác dầu khí trên lãnh thổ liên bang, nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường, qua đó “mở đường” để ngành năng lượng tái tạo củng cố thị phần trong nước.

Về đối ngoại, chính quyền Tổng thống Biden đưa biến đổi khí hậu trở thành trọng tâm chính sách, đưa nội dung năng lượng sạch vào nhiều cơ chế hợp tác, trong đó có Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).

Đặc phái viên Kerry thời gian qua cũng tích cực triển khai “ngoại giao biến đổi khí hậu”, là thành viên nội các duy nhất của chính quyền ông Biden hai lần thăm Trung Quốc kể từ đầu nhiệm kỳ, thúc đẩy hợp tác xử lý biến đổi khí hậu với Trung Quốc ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược căng thẳng.

Tuabin của trang trại gió Roth Rock tại Oakland, Maryland, Mỹ, tháng 8.2022. Ảnh: AFP

Bước tiến về công nghệ

Cùng với nguồn đầu tư quy mô lớn từ chính quyền liên bang, những bước tiến về công nghệ thời gian qua cũng đang tạo động lực không nhỏ cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo Mỹ.  

Về điện mặt trời, các nhà nghiên cứu thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đã phát triển thành công pin mặt trời với hiệu suất chuyển đổi năng lượng lên tới 47,1% (so với hiệu suất trung bình 15-18% hiện nay trong khai thác thương mại), đồng thời đặt mục tiêu nâng hiệu suất lên 50% trong thời gian tới. Những tấm pin mặt trời thế hệ mới sẽ không còn nặng và cồng kềnh, gây lo ngại về môi trường như thế hệ trước nữa, mà sẽ mỏng như những cuộn phim.

Về điện gió, hãng General Electric đã vận hành tua-bin gió Haliade-X thế hệ mới với công suất 14 MW, là tua-bin gió ngoài khơi có công suất cao nhất thế giới đang được vận hành, vượt trội so với công suất 4 - 5 MW của các tua-bin khai thác thương mại phổ thông.

Về xe điện, hãng Tesla vào tháng 7.2022 đã công bố công nghệ pin mới, cải tiến từ công nghệ pin 4680 hiện nay, có thể nâng phạm vi hoạt động của xe điện lên 700 km/lần sạc. Hãng ONE mới đây cũng đã giới thiệu công nghệ pin GeminiTM mới, có thể giúp xe điện di chuyển 1.200 km/lần sạc.

Những thách thức không dễ vượt qua     

Với quyết tâm chính trị và nguồn lực của chính quyền liên bang, cùng những đột phá về công nghệ đầy triển vọng, ngành năng lượng tái tạo Mỹ đang có nhiều thuận lợi để phát triển, tạo ra một cuộc “cách mạng xanh”, bắt đầu một kỷ nguyên không lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, câu chuyện chuyển đổi năng lượng thực tế tại Mỹ chắc chắn sẽ không thuận chiều mát mái.

Như đã nêu ở phần trên, ngành năng lượng hóa thạch, nhất là dầu khí và phần nào là than, vẫn có tác động lớn đối với chính trị Mỹ. Vừa qua, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraina đẩy giá dầu lên cao, chính quyền ông Biden đã phải nhượng bộ, kêu gọi doanh nghiệp Mỹ tăng công suất khai thác và lọc dầu, đồng thời nối lại cấp phép khoan dò dầu khí trên lãnh thổ liên bang.

Chưa hết, thói quen phụ thuộc, thậm chí “nghiện” dầu của người tiêu dùng Mỹ vẫn là bài toán khó giải. Dù chỉ chiếm chưa tới 5% dân số thế giới song nước Mỹ tiêu thụ hàng ngày 20% sản lượng dầu thô của thế giới. Việc từ bỏ thói quen này chắc chắn cần không ít thời gian, thậm chí phải cần nhiều thế thế hệ người Mỹ.

Tuy nhiên, cản trở lớn nhất có lẽ là việc duy trì chính sách trong thời gian đủ dài để đạt được những thay đổi về chất trong chuyển đổi năng lượng tại Mỹ. Nếu đảng Cộng hòa trở lại nắm quyền Nhà Trắng sau bầu cử 2024, không loại trừ khả năng các chính sách thúc đẩy năng lượng sạch tại Mỹ sẽ bị đảo ngược hoàn toàn, tương tự những gì cựu Tổng thống Donald Trump đã làm trong nhiệm kỳ của mình (rút Mỹ khỏi COP-21, “cởi trói” cho năng lượng truyền thống).       

Tóm lại, về nguồn lực và công nghệ, Mỹ hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu đề ra. Các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền ông Biden cùng với những tiến bộ công nghệ của các công ty Mỹ vừa qua đã tạo được “cú hích” bước đầu trong chuyển đổi năng lượng của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực điện mặt trời và điện gió.

Tuy vậy, ngay cả với những thuận lợi trên, lực cản về chính trị, kinh tế - xã hội tại Mỹ vẫn còn khá lớn. Quá trình này nhiều khả năng sẽ diễn ra tiệm tiến, từng bước theo xu thế chung của kinh tế toàn cầu là chuyển đổi sang các mô hình thông minh hơn, sạch hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn