MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chùa Thiểm Khê, chứng tích cho chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Ảnh: Tư liệu

Chùa cổ Thiểm Khê chứng tích về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288

Nguyễn Hữu Mạnh LDO | 21/01/2024 12:32

Do vị trí hiểm yếu, xã Liên Khê (Trúc Động xưa), huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng được chọn là trận địa chốt giữ, đánh chặn không cho chiến thuyền Mông - Nguyên ra biển bằng sông Giá. Ngôi chùa Thiểm Khê ở xã Liên Khê được dựng lên như một tượng đài về trận chiến Trúc Động lẫy lừng trong chiến thắng Bạch Đằng thủa ấy.

Ngôi chùa gắn với chiến thắng Bạch Đằng

Ngày 7.3 Âm lịch (tức ngày 8.4.1288), trên đường rút lui, đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi sau nhiều ngày hành quân mệt mỏi, rẽ vào sông Giá để thoát ra sông Bạch Đằng, liền bị quân ta chặn đánh quyết liệt, với chiến thắng Trúc Động lừng lẫy của quân dân ta. Vậy là dân làng Trúc Động cùng đạo quân của Trần Hưng Đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chặn giặc, bịt đường sông Giá để bảo đảm bí mật cho trận địa mai phục.

Với chiến thắng Trúc Động đã buộc toàn bộ binh thuyền của địch phải xuôi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng, dấn thân vào trận địa do Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã bố trí sẵn, góp phần quan trọng cho chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Gian thờ nơi Tam Bảo, những báu vật quý của cha ông. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã đi vào lịch sử dân tộc, vào tâm hồn và cuộc sống của nhân dân Việt Nam như một tượng đài chiến thắng, một biểu tượng của tinh thần yêu nước, của trí thông minh, sáng tạo và ý chí quyết thắng giặc ngoại xâm. Để rồi, chùa Thiểm Khê được xây dựng từ thủa ấy nhằm ghi dấu cho chiến công lừng lẫy của cha ông.

Tương truyền, thung lũng chùa Thiểm Khê đã được Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chọn làm nơi chiêu binh, luyện mã, là vị trí tập kết kỵ binh của quân đội nhà Trần. Tại khu vực chùa Thiểm Khê còn ngôi đền Tinh Quang thờ Đức Thánh Trần lưu đôi câu đối ở trụ hiên về truyền thuyết đó:

Đại tướng Trần Triều hạ mã điều binh chiến
Thắng trận Bạch Đằng sử lưu địa Diệm sơn

Tạm dịch:
Đại tướng Triều Trần xuống ngựa điều quân chiến đấu
Thắng trận Bạch Đằng sử lưu đất Diệm sơn

Ngoài ra, trên địa bàn xã Liên Khê ngày nay còn có một ngôi chùa khác với quy mô to lớn và đã từng là một trung tâm Phật giáo trong danh tiếng của Thiền phái Trúc Lâm. Nơi ấy trong cuộc kháng Mông - Nguyên cũng là một thung lũng, tương truyền đã từng là kho quân lương tiền phương của quân đội nhà Trần, đó là chùa Mai Động.

Những bảo vật của cha ông

Chùa Thiểm Khê tên chữ là Hoa Linh tự hoặc Liên Trì tự được dựng trên sườn Nam của núi Thiểm (tên khác là núi Diệm Sơn, Thiên Sơn). Bên phải có núi Chùa Hang, bên trái là núi Mẫu Ba mà theo phong thủy, chùa Thiểm Khê tọa lạc trên khu đất mang thế ỷ ngai, hai bên có tay long, tay hổ.

Về kiến trúc, chùa đã bị giặc phá hoại hồi kháng chiến chống Pháp nên hầu hết những công trình hiện thời tuổi đời còn rất non trẻ. Chùa có cấu trúc mặt bằng hình chữ công gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, tòa điện phật nằm ở trung tâm và là kiến trúc trọng yếu nhất của chùa, phía sau còn có điện thờ Mẫu 2 gian và tòa điện thánh 3 gian, tôn thờ 7 vị thành hoàng làng.

Chùa Thiểm Khê, di tích cấp Quốc gia ở Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu

Dù cho phong cách kiến trúc thiếu vắng những nét đẹp của nghệ thuật truyền thống nhưng còn bảo lưu nhiều hiện vật, pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật, mỹ thuật nổi bật: Cây hương có niên đại thời Lê Trung Hưng, các tảng kê chân cột có niên đại thời Lê - Nguyễn, bộ Tam Thế, bộ Di Đà Tam Tôn, Quan Âm Chuẩn Đề, hai pho Bồ Đề Đạt Ma, Tượng Bồ Tát, Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu, Thích Ca sơ sinh và tượng Đức Ông Đức Thánh Tăng. Hai pho tượng có niên đại cổ nhất và cũng là những pho tượng đẹp nhất là tượng Quan Âm Chuẩn Đề và tượng A Di Đà.

Pho A Di Đà tọa ở trung tâm Phật Điện, hai bên có trợ thủ là Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát hợp thành bộ Di Đà Tam Tôn. A Di Đà là một pho tượng to cao nhất chùa. Bộ mặt tượng thanh tú, mắt khép hờ, miệng thoáng cười. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu mỹ thuật thì thời gian đã làm phai nhạt màu sơn son thếp vàng khiến cho màu sơn cánh gián nổi lên thật đậm và bóng, tạo cho tượng một giá trị cao hơn gấp bội về nghệ thuật.

Pho Quan Âm Chuẩn Đề trong tư thế ngồi kiết già mang nhiều nét kế thừa tượng Quan Âm chùa Bút Tháp, chùa Bối Khê. Mặt tượng trái xoan thon thả, nhân từ, sang quý, cổ cao ba ngấn. Miệng thoáng như đang mỉm cười cảm thông cứu độ. Đây là pho tượng được làm rất tỉ mỉ, từng chi tiết nhỏ đều được quan tâm, chạm khắc rất điêu luyện. Thông qua kỹ thuật tạo tượng, chúng ta có thể tin những tượng quý này mang phong cách Mạc, có niên đại cuối thế kỷ thứ XVI.

Sách Đại nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép trong mục Núi sông: Núi Thiếm Khê ở cách huyện Thủy Đường 12 dặm về phía Bắc, đất đá lẫn lộn, tục gọi là thành “Thạch Bích”, trước kia nhà Mạc họp quân ở đây. Có thể, pho tượng này ra đời trong dịp nhà Mạc cho xây dựng tòa thành tại chân núi Thiểm Khê làm căn cứ phòng thủ vùng ven biển Đông Bắc. Do đó, ít nhất tới Mạc, ngôi chùa Thiểm Khê vẫn là một trung tâm Phật giáo quan trọng của thành phố Hải Phòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn