MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chùa Lôi Động là một ngôi chùa lớn bên dòng sông Cấm.

Chùa Lôi Động: Nét cổ kính bên dòng sông Cấm

Bài và ảnh Kim Sơn LDO | 25/08/2024 06:00

Nằm nép mình bên dòng sông Cấm quanh năm đỏ nặng phù sa, chùa Lôi Động hiện lên với vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, lưu giữ trong mình những giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo. Chùa Lôi Động đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Hành trình khám phá ngôi chùa cổ này sẽ đưa du khách ngược dòng thời gian, tìm về với không gian tâm linh thanh tịnh, yên bình.

Kiến trúc độc đáo, hài hòa

Chùa Lôi Động, tên chữ là Lã Tiên tự, tọa lạc tại làng Lôi Động (hay còn gọi là làng Lở), xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ngôi chùa được biết đến là một trong những ngôi chùa lớn và cổ kính bậc nhất trong vùng, gắn liền với lịch sử thăng trầm của vùng đất ven dòng sông Cấm.

Tương truyền, chùa Lôi Động được dựng từ thời nhà Lý (1010 - 1226). Tuy nhiên, do sự tàn phá của chiến tranh và thiên tai, ngôi chùa cổ xưa ấy đã không còn lưu lại dấu tích gì. Những minh chứng rõ nét nhất về lịch sử lâu đời của chùa chính là những tấm bia đá có niên hiệu từ thời Lê Trung Hưng (Chính Hoà 1680 - 1705, Cảnh Hưng 1740 - 1786) và một pho tượng đá mang phong cách nghệ thuật thời Mạc (1572 - 1595). Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Lôi Động đã được trùng tu và tôn tạo nhiều lần, chủ yếu vào thời Nguyễn (1802-1945). Lần sửa chữa gần đây nhất diễn ra vào những tháng đầu năm 1994. Dù vậy, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm vốn có, trở thành điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương.

Chùa Lôi Động là một quần thể kiến trúc gồm nhiều tòa nhà được bố trí theo kiểu chữ “Đinh” truyền thống, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, khoảng giữa 2 ngôi nhà có dựng mái “vỏ cua” biến thể và nhà khách 5 gian. Ấn tượng đầu tiên khi đến với chùa Lôi Động chính là chiếc Tam quan đồ sộ với những mái đao cong vút, được xây dựng theo kiểu “2 tầng 8 mái”, trên đắp nổi các đề tài trang trí hình tứ linh, tứ quý, mặt nguyệt, hổ phù. Tam quan đồng thời cũng là gác chuông của chùa. Bước qua Tam quan, du khách sẽ đến với khu “Thiền viện tháp Phật”, gồm có 5 ngôi tháp mộ - nơi an nghỉ của các vị sư Tổ và lưu giữ một cây hương lớn kiểu ngôi lầu 3 tầng, là nơi an vị thần tượng vua Mạc bằng đá.

Nối tiếp Thiền viện là khoảng sân nhỏ dẫn lên Điện Phật. Từ sân lên Điện Phật có hệ thống thành bậc 2 cấp, dài suốt 5 gian tòa tiền đường. Điện Phật là công trình kiến trúc chính của chùa, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Gian giữa của tòa tiền đường được bài trí trang nghiêm, là nơi du khách dâng hương lễ Phật. Gian giữa ba gian hậu cung là nơi đặt ba pho tượng Tam Thế Phật uy nghi. Các pho tượng đều được sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo. Bên cạnh Điện Phật là nhà Tổ và nhà khách, được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, mái ngói đỏ tươi, tường xây bằng gạch chắc chắn. Tất cả tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hòa, cân đối, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn.

Tấm bia đá chùa Lôi Động, di sản quý báu của cha ông.

Những bảo vật quý giá

Không chỉ sở hữu lối kiến trúc độc đáo, chùa Lôi Động còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Nổi bật nhất là pho tượng vua Mạc bằng đá được đặt trang trọng trong lầu hương 3 tầng ở khu Thiền viện. Tượng cao 103cm, riêng đế cao 23cm, được tạc từ phiến đá vôi liền khối, phủ ngoài bằng một lớp sơn son thếp vàng dày 1,5mm. Tượng được chế từ phiến đá vôi, thứ nguyên liệu có sẵn trong vùng. Đầu tượng đội mũ bình thiên, đang ở tư thế ngồi. Chính giữa vành mũ khắc nổi chữ "Vương" lớn. Mặt vuông chữ điền, mũi thẳng, mắt xếch. Tai tượng to, dái tai dài. Trước ngực có đôi rồng nổi chạy từ trên xuống, đồ án giống hệt rồng khắc trên chiếc đôn đá Mạc ở Bảo tàng Hải Phòng.

Theo truyền thuyết, trong một lần lánh nạn, vua Mạc đã cải trang thành người dân thường và đến ẩn náu tại chùa Lôi Động. Sau khi thoát nạn, nhà vua đã để lại cho chùa một số lượng lớn vàng bạc để xây dựng chùa chiền, giúp đỡ dân làng. Để tưởng nhớ công ơn của nhà vua, dân làng đã tạc tượng và lập đền thờ ngay trong khuôn viên chùa. Việc đặt tượng vua Mạc ở ngoài được dân gian giải thích là để tránh sự trả thù của triều đại Hậu Lê sau khi thắng được nhà Mạc.

Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ quả chuông đồng được đúc vào thời Minh Mạng (1820 - 1840), hai pho tượng Tổ (cao 80cm) được tạc theo lối tượng chân dung, các tấm bia đá thời Hậu Lê, Nguyễn ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của chùa. Đặc biệt, thạch bia “Thiên đài trụ” cao 1,9m, rộng 0,24cm, dựng năm Chính Hòa thứ 6 (1685) ghi tên các thiện nam, tín nữ đóng góp tiền của cho chùa là nguồn tư liệu quý giá giúp hậu thế hiểu thêm về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương thời bấy giờ.

Ngày nay, chùa Lôi Động không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương mà còn là điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách thập phương. Đến với chùa Lôi Động, du khách như được trở về với không gian thanh tịnh, chiêm bái những công trình kiến trúc cổ kính và cảm nhận nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo của vùng đất Hải Phòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn