MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chùm ảnh xúc động mạnh về những người hùng cựu binh phố cổ Hà thành

Dương quốc bình LDO | 29/07/2018 12:13
Nói về những con người ở phố cổ, nhiều người trong chúng ta thường nghĩ tới bề dày văn hóa truyền thống, những phẩm chất kế thừa của con người Hà thành thanh lịch với niềm tự hào từ đời này qua đời khác. Nhưng cũng ở các ngôi nhà nhỏ trong phố cổ nghìn năm ấy, có không ít những con người sống hết sức khiêm nhường và bình dị: Những cựu binh phố cổ. 
Năm 1965, theo tiếng gọi lên đường nhập ngũ, anh thanh niên 24 tuổi Nguyễn Đăng Khoa từ bỏ công việc Cán bộ kỹ thuật tại nhà máy Cơ khí Long Biên để trở thành một pháo thủ cao xạ đóng quân ở Thái Nguyên.
Nhớ về trận đối đầu với máy bay địch tại Thái Nguyên, ông Khoa kể lại về kỹ thuật “núp mây” của không quân địch. Ngày hôm đó, máy bay địch đã tắt động cơ và sử dụng kỹ thuật lái trượt để bay định hướng tránh sự phát hiện của lực lượng phòng không. Khi kịp nhận ra địch thì cũng là lúc khẩu đội của ông trúng tên lửa, 1 người hy sinh tại chỗ, 2 người bị thương. Ông để lại đôi chân ngay trên mâm pháo. Suốt 2 năm sau đó là cuộc chiến không ngừng nghỉ ở bệnh viện, với những đau đớn thể xác. Ông Khoa vẫn nhớ như in câu nói của chỉ huy: “Nhà nước không bao giờ quên công ơn của đồng chí. Nếu làm được đôi chân bằng vàng để đồng chí đi được thì nhà nước cũng làm”.
Quân đội đưa ông về Viện An dưỡng tại Sao Đỏ, Hải Dương. Cũng tại đây ông gặp người phụ nữ của cuộc đời mình, bà Nguyễn Thị Suối. Hai người nên duyên vợ chồng năm 1971. “Tôi sinh ra do mẹ đẻ rơi bên bờ suối, cuộc đời cũng trôi nổi như dòng nước, điều gì đến tôi cũng vui vẻ chấp nhận nó. Rồi chúng tôi gặp và cưới nhau, cũng có với nhau 3 người con, 2 trai và 1 gái” – bà Suối tâm sự.
Ở cách nhà ông Khoa không xa, những người hàng xóm đã quá quen thuộc với hình ảnh người “người lính chì” 1 chân với đôi nạng. Ông Tú nhập ngũ tháng 9.1969, làm nhiệm vụ ở Trung đoàn 66 mặt trận Tây Nguyên.
Sau thời gian điều dưỡng tại Hà Nội, ông tiếp tục cống hiến cho đất nước bằng thân thể mang 91% thương tật, ông làm việc tại xưởng sản xuất thương binh Ba Đình, rồi Xí nghiệp 27.7 đến mãi năm 1986 mới nghỉ.
Đi bộ xẻ dọc Trường Sơn đã là vô cùng khó khăn, nhưng trở ra Bắc chỉ với một chân thì đó là sự phi thường. Không ít lần ông ngã xuống sông, suối, tưởng không còn trở về được nữa. Nhưng với tinh thần của người lính chiến, ông cũng hoàn thành con đường hồi hương của mình.
Năm 1972, trong lúc chuẩn bị quân khí cho đơn vị, lựu đạn đã “cưa” mất của ông một chân.

Những cựu binh thầm lặng như ông Tú, ông Khoa chỉ là con số rất nhỏ trong số hơn 8 vạn người có công chỉ tính riêng tại thủ đô Hà Nội cũng như con số hơn 9 triệu người trên nước. Họ trở về như những người hùng và bắt đầu lại cuộc sống bình thường như bao con người khác với những thân thể không còn nguyên vẹn. Nhưng họ đã và vẫn sẽ mãi là những người anh hùng đã mang lại bình yên cho Tổ quốc hôm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn